MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thái độ nào cho 3 chữ 'Made in China'?

12-05-2014 - 10:08 AM |

Những ngày này, phong trào kêu gọi tẩy chay hàng hóa “made in China” lại xuất hiện đâu đó. Nhưng đó dường chưa phải là thái độ đúng đắn nhất.

Ngày 1/1/2005, nhà báo tự do Sara Bongiorni của Mỹ quyết định thực hiện một thử nghiệm táo bạo: cả gia đình cô sẽ không dùng bất cứ thứ gì dán nhãn “made in China” trong vòng một năm.

“Bỗng nhiên tôi cảm thấy thế là quá đủ rồi. Tôi muốn Trung Quốc biến đi” – cô viết. Sara không lý tưởng đến mức tin rằng có thể vì tẩy chay hàng Trung Quốc mà có thể tạo ra thêm việc làm cho nước Mỹ, hay hướng tới một mục đích vĩ mô nào đó. Họ chỉ muốn thử, xem mình có thể chịu đựng được một cuộc sống không có “made in China” như thế nào.

Cuộc thử nghiệm không thất bại. Nó diễn ra trong đúng một năm như dự kiến. Nhưng mọi thứ thực sự khó khăn. Thay vì những món đồ “made in China” với giá vừa phải, giờ thì vợ chồng Bongiorni phải chi đến 60 USD cho một đôi giày sản xuất ở Italy; chi phí cuộc sống tăng mạnh, nhưng những thứ nhỏ nhặt như nến sinh nhật của chồng Sara cũng không thể tìm mua được; nhà Bongiorni thiếu từ TV, thùng rác đến cái bẫy chuột; và đến mùa Xuân thì cậu con trai 4 tuổi của họ bắt đầu mở một chiến dịch phản đối cha mẹ, quyết tâm ủng hộ hàng Trung Quốc vì nó còn rất ít lựa chọn khi mua đồ chơi.

Sara Bongiorni sau đó đã viết một cuốn sách với nhan đề “Một năm không có Made in China”. Và cuốn sách kết lại bằng một thông điệp không dễ chịu gì, nhưng có lẽ tất cả đều phải chấp nhận: “Thay vì tẩy chay hàng Trung Quốc; sẽ là khôn ngoan hơn khi tồn tại chung với chúng”.

Phát biểu của Sara Bongiorni, cho đến năm 2012 vẫn được Nhân Dân Nhật báo của Trung Quốc trích dẫn lại đầy tự hào, như một thắng lợi, về một thế giới không thể sống thiếu hàng “made in China”. 

Khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trong bầu không khí nóng bỏng của mối quan hệ giữa 2 nước, trên mạng xã hội lại bắt đầu xuất hiện những lời kêu gọi “tẩy chay hàng Trung Quốc”.


Ai cũng hiểu rằng giữa việc cả thế giới đang (buộc phải) sử dụng hàng “made in China” và việc Trung Quốc có tài chính để chế tạo một giàn khoan di dộng trị giá 1 tỷ USD để phục vụ công cuộc bành trướng, có liên quan trực tiếp.

Nhưng cuộc “tẩy chay” gần như không thể được thực hiện. Lật bất kỳ chiếc bàn phím nào đã sử dụng để gõ những lời kêu gọi ấy lên, cũng sẽ nhìn thấy chúng “made in China”. 

Sẽ là khôn ngoan hơn, nếu “tồn tại chung” với hàng Trung Quốc. Nhưng “tồn tại chung” như thế nào là hợp lý?

Việt Nam được xếp thứ hạng cao trên thế giới về nguồn nhân lực: giá rẻ, tay nghề cao, số lượng lớn. Nhưng chúng ta chưa có một nền sản xuất trong nước đủ mạnh. Một vài mặt hàng hoàn toàn nằm trong trình độ sản xuất của nước ta, trên thị trường phần lớn vẫn thống trị bởi “made in China”: Nông sản, hàng may mặc, đồ nhựa gia dụng,… và với một thái độ nghiêm túc hơn, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến linh kiện điện tử, cơ khí hay sản phẩm công nghệ cao nói chung. 

Chúng ta bị ám ảnh bởi 3 chữ “made in China” mà quên đi số phận thực sự của 3 chữ “made in Vietnam”. Cho đến bây giờ, 3 chữ ấy trong tâm thức chính người Việt dường như vẫn chỉ là tên của một chuỗi cửa hàng quần áo, Made in Vietnam.


Mọi thứ bắt đầu từ một thái độ. Hãy nhìn sang Hàn Quốc: có rất nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng một trong những lý do thành công của “Điều thần kỳ sông Hàn” chính là thái độ với hàng hóa “made in Japan”. Chính vì không muốn sử dụng hàng “made in Japan” mà người Hàn quyết tâm tạo ra một nền sản xuất trong nước cực mạnh. Trong thời gian cầm quyền, tổng thống Park Chung-hee (người được coi là kiến trúc sư của “Điều thần kỳ sông Hàn”) đã nhiều lần nhắc đến Nhật Bản trong các bài diễn văn của ông, rằng “chúng ta phải biến Hàn Quốc trở nên mạnh hơn Nhật Bản”. 

Nếu người Hàn Quốc lựa chọn việc dễ dàng hơn, họ có thể đã lựa chọn hàng hóa “made in Japan” và để người Trung Quốc làm nốt phần việc còn lại. Không Samsung, không Hyundai.

Mọi thứ bắt đầu từ một thái độ. Sẽ là rất đơn giản nếu bạn có một tỷ đồng làm vốn, mở một công ty thương mại và nhập hàng hóa Trung Quốc về bán. Họ có tất cả mọi thứ. Họ có thể sản xuất cho bạn cả nhãn mác của hàng hóa Thái Lan, Mỹ, EU để dán lên sản phẩm. Sẽ vất vả hơn rất nhiều, nếu bạn quyết định mở ra một xưởng sản xuất hoặc một nông trại và quyết tâm tạo ra những mặt hàng “made in Vietnam” với quyết tâm tạo ra một đất nước tự cường.

Những lời kêu gọi tẩy chay là viển vông. Nhưng chung sống như thế nào, đã đến lúc chúng ta phải trả lời một cách hết sức nghiêm túc. Buông xuôi và lệ thuộc, cũng là một cách chung sống. Cùng suy nghĩ về “made in Vietnam”, là một cách khác.

>> Cách nào hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc?

Theo Đức Hoàng

thuyntt

Depplus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên