Theo tờ Bangkok Post của Thái Lan, ông Suthep kêu gọi người biểu tình sau khi về thăm nhà dịp nghỉ lễ, hãy quay lại chiếm Bangkok và giành lại quyền lực về tay nhân dân. “Tôi đã yêu cầu những người anh em ở các tỉnh hãy chuẩn bị sẵn sàng trợ giúp chúng ta chiếm Bangkok. Hãy đem theo quần áo, đồ ăn và chờ lệnh của chúng tôi, bởi vì chúng ta sẽ chiến đấu hàng tháng trời nữa cho tới khi giành chiến thắng”, ông Suthep nói.
Thủ lĩnh phe biểu tình cũng đe dọa sẽ không nhường dù chỉ một phân cho người của chế độ
Thaksin. Nếu những ai ở Bangkok không quan tâm tình hình, tốt nhất lúc này họ nên lánh sang các địa phương khác. Trong khi đó, các thủ lĩnh phe áo đỏ kêu gọi lực lượng ủng hộ chính phủ sẵn sàng đứng lên, chiến đấu chống một cuộc đảo chính có thể xảy ra.
Ngày 27/12, Tư lệnh Quân đội Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha, kêu gọi các bên đối lập ở nước này vượt qua sự chia rẽ. Nhưng tướng Prayuth nói thêm rằng, không loại trừ khả năng quân đội sẽ can thiệp nếu khủng hoảng chính trị thêm trầm trọng, đe dọa gây bất ổn cho đất nước. Tướng Prayuth đưa ra cảnh báo trên sau khi phe biểu tình xô xát với cảnh sát tại Bangkok khiến 2 người chết, hơn 150 người bị thương.
Quân đội sắp ra tay?
Cảnh sát quả quyết vụ nổ súng bằng đạn thật không phải do họ thực hiện. Đây không phải là lần đầu các tay súng không rõ danh tính can thiệp vào khủng hoảng chính trị. Cả hai phe sau đó đều đổ tội khiêu khích cho nhau. Kể từ khi biểu tình bùng phát cách đây hai tháng, đã có 8 người chết, khoảng 400 người bị thương.
Báo Pháp Le Monde nhận định, nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang kẹt trong thế nguy hiểm, phải đối mặt lực lượng đối lập quyết liệt, chưa thấy dấu hiệu yếu đi, gần đây huy động tới trên 150.000 người biểu tình hằng ngày. Đáng ngại hơn, phe đối lập quyết tâm phá bằng được cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào ngày 2/2/2014. Lo ngại bạo lực leo thang, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đề xuất hoãn bầu cử, nhưng chính phủ của bà Yingluck đã bác bỏ đề nghị này.
Bạo lực bùng phát và tình hình lâm vào ngõ cụt chính là tình thế phe biểu tình muốn tạo ra nhằm buộc quân đội can thiệp. Trong bối cảnh đó, phát biểu úp mở của tướng Prayuth “Cửa không đóng cũng không mở; việc này sẽ do tình hình quyết định” khiến dư luận lo ngại về một cuộc đảo chính mới.
Thứ trưởng Thương mại Thái Lan Nattawut Saikuar, một thủ lĩnh của Mặt trận Thống nhất vì dân chủ chống độc tài (UDD), nói rằng, phát biểu của tướng Prayuth khiến cả nước căng thẳng. Ông Jatuporn Prompan, một thủ lĩnh cao cấp khác của UDD, nói nếu một cuộc đảo chính quân sự nổ ra, có thể giới quân sự đã bàn mưu tính kế với ông Suthep ngay từ đầu.
Ông Nattawut bức xúc: “Không quan trọng tướng Prayuth nói trong hoàn cảnh nào. Ông ta nên biết rằng, người dân Thái chúng tôi hoàn toàn phản đối đảo chính. Chúng tôi sẽ không bao giờ để nó xảy ra, dưới bất kỳ hình thức nào. Với người dân Thái, một khi chính biến nổ ra, họ sẽ lập tức đứng lên chiến đấu. Cho dù chưa có đảo chính, nhưng cuộc chiến chống lại nó đã bắt đầu rồi. Chúng tôi hy vọng tình hình sẽ được giải quyết theo cách dân chủ”.
Ông Jatuporn nói rằng, một cuộc đảo chính nữa sẽ là thảm họa với Thái Lan, tất cả bởi thủ lĩnh biểu tình Suthep muốn chiếm đoạt quyền lực không qua bầu cử. Theo ông Nattawut, quân đội nên thượng tôn pháp luật trong nền dân chủ. Thủ lĩnh phe áo đỏ nói tướng Prayuth nên khuyên ông Suthep “đã đến lúc trở về nhà”.
Phe biểu tình đối lập dưới sự dẫn dắt của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) đòi chính phủ của bà Yingluck từ chức, hoãn cuộc bầu cử ngày 2/2 cho đến khi những cải cách thật sự được thông qua. PDRC đề xuất thành lập một “hội đồng nhân dân” lãnh đạo lộ trình cải cách, người của PDRC sẽ lựa chọn 100 trong số 400 thành viên của hội đồng này. |
Theo Thục Ninh