'Thần chết' rình rập công nghiệp ô tô Việt Nam
Có tới 800 doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đặc biệt lo ngại cho sự phát triển của ngành Công nghiệp ô tô trong nước và thủ tục hành chính khi nhập xe về Việt Nam.
- 23-08-2013Công nghiệp ô tô nội không “nhanh chân“ là tự “khâm liệm“?
- 15-07-2013Công nghiệp ô tô nối gót điện tử?
- 25-03-2013Volkswagen - 'Trùm phát-xít' của ngành công nghiệp ô tô
- 14-12-2012Ngành công nghiệp ô tô sẽ đi về đâu?
Nội dung nổi bật:
- EuroCham dự báo thị trường ô tô trong năm nay với kịch bản tốt nhất cũng chỉ có lượng tiêu thụ bằng mức của năm 2007.
- Trong 4 năm tới ngành lắp ráp ô tô trong nước có khả năng chỉ đạt tăng trưởng 3%/năm do phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt với dòng xe nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
- Kiến nghị của EuroCham:
+ Cho phép đăng ký nhập khẩu xe trong thời hạn vài năm (hoặc mỗi năm một lần), xác nhận một lần và cùng thời hạn, sử dụng cùng loại giấy tờ với Cục Đăng kiểm Việt Nam.“Hợp đồng nhập khẩu trung bình dài 80 trang, dù co lại và in hai mặt thì mỗi năm cơ quan hải quan, thông quan và nhà nhập khẩu phải in ấn, sao chép và lưu trữ tới 1,5 triệu trang giấy (tính trên số nhập 25.000 xe mỗi năm)".+ Bỏ quy định đăng kiểm với xe nhập khẩu đã có chứng chỉ Euro 2 và cao hơn.+ Cho phép nhà nhập khẩu sử dụng bảo lãnh ngân hàng để thông quan và kiểm duyệt sản phẩm nhập khẩu mới.
Đó là nội dung trong “Sách Trắng 2014” do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) vừa công bố sáng 12/11.
Sức ép từ hội nhập khu vực
Năm 2013, nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành Công nghiệp và thị trường ô tô, Chính phủ đã có nghị quyết giảm phí trước bạ xuống còn 10% tổng giá trị xe đăng ký lần đầu và 2% đối với xe đăng ký lại, giúp thị trường hồi phục đáng kể.
Tuy nhiên, EuroCham dự báo thị trường ô tô trong năm nay với kịch bản tốt nhất cũng chỉ có lượng tiêu thụ bằng mức của năm 2007 (110.000 xe con và xe tải nhập nguyên chiếc và lắp ráp).
Còn giai đoạn từ nay đến 4 năm nữa, ngành lắp ráp ô tô trong nước có khả năng chỉ đạt tăng trưởng 3%/năm do phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt với dòng xe nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN và các nước là thành viên của Hiệp định hợp tác kinh tế như: Nhật, Hàn, Trung Quốc.
Bởi từ năm 2014, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN xuống còn 50%, năm 2015 là 35%, năm 2016 là 20%, năm 2017 là 10% và năm 2018 là 0%.
EuroCham cảnh báo, nếu không có biện pháp sớm cho giai đoạn 2014 - 2018 thì việc cắt giảm thuế này đe dọa ngành Công nghiệp ô tô trong nước còn non trẻ, khiến cho ngành này khó cạnh tranh kể cả về giá cả và chất lượng sản phẩm.
Một ví dụ rõ ràng là năm 2012, khi Việt Nam giảm thuế cho ô tô bán tải có xuất xứ từ khối ASEAN xuống còn 15%, tất cả các nhà lắp ráp dòng xe này trong nước đã dừng hoạt động trong thời gian dài và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan.
Ngành Công nghiệp ô tô trong nước tạo 53.000 việc làm cho người lao động, nhưng người tiêu dùng Việt vẫn còn e ngại sản phẩm trong nước. Để giúp các nhà lắp ráp trong nước phát triển, thậm chí là tồn tại, nên hỗ trợ để sản xuất các loại ô tô có tỷ lệ nội địa hóa 40% - đủ điều kiện hưởng chính sách thuế có lợi trong khối ASEAN.
Các sản phẩm này nên được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt, trong giai đoạn 2014 - 2018 để cho ngành lắp ráp có thời gian định hình, cơ cấu và củng cố vị thế trên thị trường”, ông Michael Behrens - Trưởng nhóm các doanh nghiệp ôtô châu Âu tại Việt Nam kiến nghị.
Ông Preben Hjortlunch, Chủ tịch EuroCham, cho biết “ Vấn đề phát triển ngành Công nghiệp ô tô phụ thuộc chính sách chung và không thể nhanh chóng thực hiện được nếu như chỉ cần nhìn vào vấn đề đào tạo, nhiều người học kế toán hơn là kỹ thuật.
Ưu đãi dòng xe đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% có ý nghĩa thực tiễn với sản xuất xe ở Việt Nam, giúp đạt mục tiêu nội địa hóa cụ thể trong thời gian ngắn, nếu không sẽ phải chờ đợi thêm nhiều thời gian nữa hoặc không đạt được gì cả”
Vướng cả thủ tục hải quan
Các doanh nghiệp châu Âu cũng than phiền rằng, thủ tục hành chính đối với nhập khẩu xe về Việt Nam khá nặng nề, số giấy tờ hành chính ngày càng nhiều, tạo ra một quá trình phức tạp đối với doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cho rằng, cơ quan Hải quan nên cho phép đăng ký nhập khẩu xe trong thời hạn vài năm (hoặc mỗi năm một lần), xác nhận một lần và cùng thời hạn, sử dụng cùng loại giấy tờ với Cục Đăng kiểm Việt Nam.
“Hợp đồng nhập khẩu trung bình dài 80 trang, dù co lại và in hai mặt thì mỗi năm cơ quan hải quan, thông quan và nhà nhập khẩu phải in ấn, sao chép và lưu trữ tới 1,5 triệu trang giấy (tính trên số nhập 25.000 xe mỗi năm). Nếu giảm bớt thủ tục sẽ giúp bớt chi phí doanh nghiệp, giảm áp lực cho cơ quan Hải quan”, ông Michael Behrens đề xuất.
EuroCham đề xuất nên bỏ quy định đăng kiểm với xe nhập khẩu đã có chứng chỉ Euro 2 và cao hơn để giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cho phép nhà nhập khẩu sử dụng bảo lãnh ngân hàng để thông quan và kiểm duyệt sản phẩm nhập khẩu mới.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, nhiều kiến nghị trong Sách Trắng những năm trước đã được Chính phủ và các cơ quan Việt Nam tiếp thu, sửa đổi. Những kiến nghị năm nay sẽ được các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu nhằm tạo môi trường kinh doanh phù hợp, thuận lợi cho các doanh nghiệp châu Âu và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Theo Thanh Lộc