MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháo gỡ “nút thắt” gói 30 nghìn tỷ đồng: Phải mạnh tay hơn

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, NHNN đang cùng Bộ Xây dựng rà soát những vướng mắc về cơ chế.

Thời gian tới, để việc chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội triển khai tích cực hơn, các địa phương, các cơ quan phê duyệt dự án cũng cần phải tham gia quyết liệt hơn. NHNN cũng đang đề xuất lựa chọn bổ sung thêm các NHTMCP tham gia nếu có nhu cầu.

Cung – cầu vẫn lệch pha

Chính phủ vừa chính thức có văn bản nhắc nhở các cơ quan liên quan đến gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh giải ngân kịp thời vốn cho DN và người dân vay để cải thiện nhà ở. Mặc dù thời gian qua, cả hai bộ chủ quản gói tín dụng này là NHNN và Bộ Xây dựng đã có nhiều chính sách nhằm tháo gỡ “nút thắt” về tiến độ, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Phía các DN thì cho rằng, ngân hàng vẫn chưa tích cực giải ngân cho họ. Trao đổi với phóng viên TBNH, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN Nguyễn Viết Mạnh cho hay: không có chuyện ngân hàng gây khó dễ cho khách hàng. Theo báo cáo của các TCTD gửi đến NHNN, cho đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đưa sang 72 dự án mà Bộ này cho là đủ điều kiện. Bản thân các TCTD cũng đều tiếp cận với chủ các dự án trên. Nhưng trên thực tế, mới chỉ có hơn 10 dự án đủ điều kiện để các ngân hàng có thể giải ngân.

“Về nguyên tắc, khi ngân hàng giải ngân vốn thì dự án đó phải có đầy đủ điều kiện để thi công. Hiện các TCTD đang giải ngân theo tiến độ, khối lượng thi công thực tế của 10 dự án trên. Đến thời điểm này đã có 1.500 khách hàng cá nhân được các TCTD cam kết giải ngân”, ông Mạnh nói thêm. Vậy, “nút thắt” của việc giải ngân gói tín dụng này nằm ở đâu?

Một lãnh đạo Vụ Tín dụng cho biết, thiếu hụt nguồn cung vẫn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. “Việc chưa xác định được nguồn cung cho thị trường, trong khi số lượng nhà bán ra khá hạn chế, khiến việc thực hiện gói này không như mong muốn”, vị này lý giải. Ngay cả Bộ Xây dựng cũng đã thừa nhận hiện tại nguồn cung nhà ở đang rất thiếu. “Do vậy, dù các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn tiền cho vay nhưng số lượng nhà ở sẵn có trên thị trường cho người thu nhập thấp và trung bình – những đối tượng chính mà gói 30 nghìn tỷ hướng đến - còn hạn chế”, đại diện Vụ Tín dụng bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn nhất đối với việc hoàn thành thủ tục để cho DN vay là vấn đề hoàn chỉnh thủ tục tại các địa phương còn chậm. “Nếu không đẩy nhanh thủ tục chuyển đổi dự án và có sản phẩm cụ thể thì không thể có nguồn nhà đưa ra thị trường. Thiếu nguồn cung thì kể cả có tiền cũng không thực hiện được”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến nhấn mạnh về giải pháp tháo gỡ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng.

Các bộ cùng hợp sức

Trước những kết quả triển khai chưa như kỳ vọng, đã có ý kiến hoài nghi liệu có nên tiếp tục duy trì gói tín dụng này khi triển khai trong thực tiễn thời gian qua chưa có hiệu quả rõ rệt. Băn khoăn này đã được lãnh đạo NHNN khẳng định: Chính phủ không có ý định dừng, NHNN và Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai gói tín dụng này trong năm 2014.


NHNN và Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng

Có thể nói, gói 30 nghìn tỷ đồng đã có tác dụng về dài hạn khi được coi là bước “đột phá khẩu” cho Chiến lược phát triển nhà ở của Chính phủ. Đây có thể coi là chương trình có ý nghĩa thiết thực cho một chiến lược nhà ở lâu dài, chứ không nhằm giải cứu thị trường bất động sản như nhiều người lầm tưởng. Cũng có một số ý kiến còn cho rằng, gói tín dụng này đã thất bại, nhưng ông Mạnh quả quyết: đó là những nhận xét do không có đủ thông tin nên không phản ánh đúng thực tế đang diễn ra. Bởi, thống kê con số khách hàng được giải ngân thì tháng sau luôn cao hơn tháng trước.

Nếu như hai tháng đầu chỉ có hơn 90 người được vay thì nay sau 6 tháng con số đã tăng lên tới 1.500 người. Con số trên thể hiện tốc độ người tiếp cận vốn ngân hàng tăng rất mạnh. Nhưng, chúng ta cũng phải xác định nguồn vốn trên là vốn tín dụng có thu hồi và phải đảm bảo minh bạch, đúng người, đúng việc, đúng đối tượng, không được nhầm lẫn. Vì có thể chỉ cần không cẩn trọng một chút có thể bị lợi dụng chính sách.

“Ở góc độ khác, nếu như không có gói 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6% thì 1.500 khách hàng trên không có điều kiện để mua được nhà”, một chuyên gia ngân hàng nhận xét.

Một hiện tượng được coi là hiệu quả lan tỏa tích cực khác của gói 30 nghìn tỷ: đó là, bản thân nhiều tổ chức và chủ đầu tư đã phải hạ giá thành sản phẩm để đưa về điều kiện quy định tiếp cận gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng. Ví dụ, trong các dự án được định giá bán trước đây là trên 15 triệu đồng/m2, thì nay, chủ đầu tư phải chủ động hạ xuống dưới 15 triệu để có thể bán được hàng.

Ông Mạnh cho biết, NHNN đang chủ động đề xuất hướng giải quyết cho một số trường hợp vướng mắc trong việc thế chấp tài sản đảm bảo để tạo điều kiện cho DN và người dân có thể tiếp cận vốn.

Trước đó, tại buổi họp báo tổng kết hoạt động ngành Ngân hàng năm 2013, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, NHNN đang cùng Bộ Xây dựng rà soát những vướng mắc về cơ chế. Thời gian tới, để việc chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội triển khai tích cực hơn, các địa phương, các cơ quan phê duyệt dự án cũng cần phải tham gia quyết liệt hơn. NHNN cũng đang đề xuất lựa chọn bổ sung thêm các NHTMCP tham gia nếu có nhu cầu.

Về phía Bộ Xây dựng, cơ quan này cũng đang đề nghị các địa phương tích cực tháo gỡ các thủ tục để cho các công trình có đủ các điều kiện để thi công, chuyển đổi công năng nhà ở, sớm cấp giấy phép xây dựng… Song, theo đại diện Vụ Tín dụng, bản thân các DN cũng phải tích cực hoàn thiện các điều kiện để có thể được giải ngân vốn.

Ở góc độ khác, theo TS. Vũ Đình Ánh, muốn đẩy nhanh việc giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng thì những chế tài phải cụ thể hơn, mạnh tay hơn. Giả dụ: DN khi được tham gia vay vốn gói tín dụng này thì phải có cam kết về tiến độ, mặt khác các cơ quan quản lý phải tăng cường giám sát. Trong trường hợp DN cố tình chây ỳ thì phải mạnh tay xử phạt…

Mới đây, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà đề xuất: Chính phủ xem xét việc giảm lãi suất cho vay theo gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng thêm 1 – 2% xuống còn 4-5%/năm và kéo dài thời gian hỗ trợ trong 2 năm. Với việc tiết giảm lãi suất cùng với hỗ trợ kỹ thuật từ phía Bộ Xây dựng, ông Hà kỳ vọng, nguồn cung nhà ở dự kiến tăng mạnh trong thời gian tới sẽ gỡ “nút thắt” tiến độ giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, và hơn thế, dòng vốn ưu đãi sẽ tìm đến đúng địa chỉ.

Theo Hà Thành

ngatt

Thời Báo Ngân Hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên