MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Theo dõi đồng hồ điện hàng tháng sẽ không dính cảnh hóa đơn tăng đột ngột?

30-06-2014 - 15:46 PM |

Trong những ngày vừa qua, người dân và các phương tiện truyền thông lại được phen xôn xao về những hóa đơn tiền điện tháng 6 đột ngột tăng cao.

Đại diện của cơ quan điện lực đã lên tiếng lý giải nguyên nhân và nguyên nhân này cũng không có gì lạ: do thời tiết nắng nóng nên người dân tăng cường sử dụng các thiết bị điện làm mát và trong thời gian dài dẫn đến lượng điện năng tiêu thụ tăng mạnh.

Tuy nhiên, khi nhìn hóa đơn tiền điện tháng 6, vẫn có người thắc mắc rằng liệu có phải do thay đổi bậc giá điện nên tiền điện mới tăng như vậy?

Giá điện tháng 6 đột ngột tăng so với tháng 5

Dưới đây là hóa đơn tiền điện tháng 5 và tháng 6 của một gia đình tại quận Thanh Xuân.

Hóa đơn tháng 5/2014:

Theo dõi đồng hồ điện hàng tháng sẽ không dính cảnh hóa đơn tăng đột ngột? (1)

Hóa đơn tháng 6/2014

Theo dõi đồng hồ điện hàng tháng sẽ không dính cảnh hóa đơn tăng đột ngột? (2)

Trong hóa đơn tháng 5, 100 số điện đầu tiên được tính với giá 1.418 đồng/KWh, 50 số tiếp theo tính với giá 1.622 đồng/KWh và 7 số tiếp theo tính giá 2.044 đồng/KWh . Còn trong hóa đơn tháng 6, không tính 50 số đầu tiên như bậc giá được công bố mà 61 số đầu được tính với giá 1.418 đồng/KWh, 31 số tiếp theo được tính giá 1.622 đồng/KWh, 31 số tiếp theo nữa tính giá 2.044 đồng/KWh.

Liên hệ với trung tâm hỗ trợ khách hàng của EVN, chúng tôi nhận được câu trả lời như sau:

Từ ngày 1/6/2014, EVN thay đổi cách tính giá điện. Cho nên từ ngày 13/05 đến ngày 01/06 tức là 19 ngày thì người dân vẫn được hưởng giá bán điện tính theo mức giá cũ. Từ ngày 01/06 – 12/06 là 12 ngày, người dân được hưởng giá bán điện mới. Theo bậc giá cũ (7 bậc) tính theo 100 số đầu tiên còn theo bậc giá mới (6 bậc) thì tính 50 số đầu tiên.

Do ngày điều chỉnh giá rơi vào ngày 1/6 - mốc giao thoa giữa tháng cũ và tháng mới nên từ ngày 13/05 – 1/6, người dân không được hưởng 100 số đầu tiên vì chưa đủ 30 ngày mà chỉ có 19 ngày. Vậy sẽ lấy 100 số chia cho 31 ngày (là số ngày tính tổng điện trong kỳ) và nhân với 19 ngày thực tế sử dụng thì sẽ ra 61 số đầu tiên trên hóa đơn. Các bậc tiếp theo cũng nhân tương tự như vậy.

Nhân viên trung tâm hỗ trợ khách hàng nhấn mạnh, chỉ tháng này mới có sự hiển thị như vậy. Hóa đơn tháng 7 sẽ tính theo giá mới, tức tròn 50 số đầu tiên.

Trước đó, Bộ công thương đã ra thông báo theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, từ 1/6/2014, giá bán lẻ điện sinh hoạt chỉ còn 6 bậc thay vì 7 bậc như trước.

Điều này có nghĩa là trong biểu giá bán điện chỉ còn 6 bậc (thay vì 7 bậc) bậc thang đầu tiên được áp dụng cho 50 kWh đầu tiên của giá điện sinh hoạt là 92% giá điện bình quân, tức 1.388 đồng/kWh (không còn là mức hỗ trợ 993 đồng/kWh như trước); Bậc thang thứ 2 từ 51 – 100 kWh là 1.433 đồng, tăng 15 đồng so với biểu giá cũ; Bậc thang thứ 3 từ 101 – 200 kWh (thay vì 150 kWh như trước đây) sẽ áp dụng mức giá 1.660 đồng; Từ 201 – 300 là 2.082 đồng, giảm 122 đồng/kWh; từ 301 đến 400 là 2.399 đồng, giảm 21 đồng/kWh.

Tin tức trên website của Tổng công ty Điện lực Việt Nam viết:

“Làm một phép tính đơn giản cho thấy hộ sử dụng 400 kWh điện/tháng trước kia sẽ phải trả 782.200 đồng thì nay sẽ phải trả 755.150 đồng (tất cả đều chưa bao gồm thuế), giảm được 27.050 đồng. Nếu hộ chỉ sử dụng 100 kWh/ tháng thì thay vì 141.800 đồng (chưa bao gồm thuế) như trước đây sẽ chỉ phải trả 141.050 đồng, giảm được 750 đồng. Đối với hộ sử dụng 200 kWh điện/tháng, mức chi trả sẽ là 307.050 đồng thay vì 325.100 đồng.

Như vậy, giá điện thực chất được điều chỉnh giảm nhẹ so với biểu giá đang áp dụng. Ngoài giá điện bán lẻ, biểu giá điện mới được Bộ Công Thương ban hành cũng có điều chỉnh khá nhiều về giá bán buôn và giá bán điện cho kinh doanh.”

Giải thích của EVN xem ra cũng hợp lý.

Vẫn còn những nghi ngờ

Đây không phải lần đầu tiên hóa đơn tiền điện các tháng 3, 6, 9, 12 bị kêu ca. Từ lâu nay, người dân đã nghi ngờ việc nhân viên điện lực ghi dồn số của tháng trước vào hóa đơn tính điện của tháng chốt quý này, gây ra tình trạng tiền điện tháng 2, 5, 8, 11 thấp hơn bình thường còn hóa đơn tháng sau đó thì tăng vọt.

Đại diện EVN giải thích rằng, giải pháp cho người dân có lẽ là cẩn thận theo dõi côngtơmét, ghi lại chỉ số điện hiển thị vào ngày chốt! Nhưng không phải ai cũng làm thế được và thắc mắc về những biến động bất thường trong hóa đơn tiền điện chỉ được hỏi nhân viên thu tiền điện! Tất nhiên, nhân viên thu tiền điện sẽ không có câu trả lời cho người dân.

Một người dân cũng tại quận Thanh Xuân – người thường xuyên theo dõi côngtơmét nhà mình (nhờ đặt tại tầng thấp) đã cho biết: trước đây, khi sống tại quận Đống Đa và côngtơmét đặt trên cao, không theo dõi được, chị cũng gặp phải việc hóa đơn tiền điện bất thường như trên.

Tuy nhiên, khi chuyển nhà về quận Thanh Xuân và đặt côngtơmét ở vị trí thấp để theo dõi cẩn thận, đã hơn 1 năm nay chị không gặp phải tình huống nào như vậy. Có tháng 6 này tiền điện nhà chị tăng, đúng là do trời nóng bật điều hòa cả ngày.

Chưa thể nói rằng nhờ theo dõi đồng hồ điện mà người dân này hạn chế được những thủ thuật (nếu có) của nhân viên điện lực nhưng thực tế như trên không thể tránh khỏi những nghi ngờ.

2 năm qua, Tập đoàn điện lực EVN đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trong thanh toán tiền điện tại một số thành phố. Đó là một bước tiến lớn đem lại tiện ích cho người dân trong thanh toán tiền điện. Tuy nhiên, thiết nghĩ trên các website của các tổng công ty điện lực, ngoài tính năng tra cứu hóa đơn tiền điện, nên bổ sung thêm chức năng tra cứu chỉ số đầu – chỉ số cuối của mỗi tháng để người dân tiện theo dõi.

>> Nguyên nhân tiền điện tăng cao đột biến ở Hà Nội

Theo Bảo Linh

anhnt

Cafef/Trí Thức Trẻ

Trở lên trên