Thị trường thay đổi khi tư duy thay đổi
Theo GS. Đặng Hùng Võ, định hướng thị trường hiện nay có hai việc để làm: Một là giải quyết nợ xấu trong khu vực bất động sản (BĐS) nếu muốn thị trường hồi phục.
Phải nhìn nhận những hệ quả và nghịch lý của thị trường BĐS hiện nay dưới góc độ của một nước có nền kinh tế chuyển đổi, khi đó sẽ giải quyết được nhiều việc và thấy được việc quản lý của Nhà nước đối với BĐS nên cải thiện theo cách nào. Để thực hiện điều này, quan trọng nhất là tính chuyên nghiệp và năng lực quản lý.
Để thị trường phát triển bền vững, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, các chính sách và luật phải rõ ràng, không có sự chồng chéo. Việt Nam phải thay đổi chính sách thuế về đất.
Chẳng hạn như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ở những nước Liên Xô cũ là 1%, còn ta là 0,03% với lý do Việt Nam thu nhập thấp, nhưng điều này không hợp lý. Nếu người lao động có thu nhập thấp thì chúng ta miễn thuế hoàn toàn đối với một diện tích nhất định; còn hành vi đầu cơ thì phải đánh thuế cao.
Chính sách của ta còn đi sau một số nước trên thế giới. Luật pháp của Việt Nam thường cắt rời nhiều phân khúc khác nhau, chẳng hạn, Luật Đất đai chỉ chăm chăm vào vấn đề sử dụng đất, không quan tâm đến thị trường BĐS và Luật Kinh doanh BĐS; đó là chưa kể chính sách thuế cũng được xem xét riêng, không nhìn thị trường và hai luật kia phát triển ra sao, đây là điều không tốt.
Liên quan đến vấn đề phục hồi thị trường và thay đổi các chính sách có tác động đến thị trường, GS. Đặng Hùng Võ cũng nhắc đến chính sách cho người nước ngoài tham gia thị trường BĐS. Việt Nam mở cửa từ năm 1986 nhưng mãi đến Luật Đất đai 2003 mới chính thức cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường BĐS.
Trước đó có hai trường hợp thí điểm là dự án khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) và khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra (Hà Nội). Dù gần đây, luật "cởi trói" cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà nhưng chỉ mang tính thí điểm cho mua một căn hộ chung cư. GS. Võ nói, nhà đầu tư nước ngoài phải được tham gia hoạt động M&A trong BĐS và thị trường BĐS hiện nay.
Thêm nữa, có một vấn đề đã được thảo luận từ năm 1996 nhưng đến nay vẫn chưa đi đến đâu, đó là doanh nghiệp trong nước có được thế chấp BĐS tại các ngân hàng ngoại hay không.
"Tôi cho rằng việc Bộ Xây dựng trình đề án cho người nước ngoài mua nhà là điều bình thường mà không cần căn cứ vào cung cao hay thấp. Điều này cần được nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ bằng những chính sách thật cụ thể.
Muốn làm được điều này, phải thay đổi tư duy, phải chờ đợi; trong quá trình này, cần phân tích cái được và cái không được để quyết định chính sách cho rành mạch. Song, theo tôi, trước mắt cần đề xuất cho thế chấp BĐS tại các ngân hàng nước ngoài vì điều này làm tăng nguồn cung vốn cho thị trường và tháo gỡ việc loay hoay vào BĐS tồn đọng.