MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tin này sẽ khiến hàng nghìn người mua nhà giá rẻ hoang mang

Nhiều khách hàng tưởng rằng được vay gói 30.000 tỷ đồng là đã nắm chắc quyền lợi hưởng lãi suất ưu đãi nhưng có những sự cố phát sinh mà nhiều người không ngờ tới.

Với người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, gói 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ được xem là cơ hội tốt để họ hiện thực hóa giấc mơ “an cư lạc nghiệp”. Tuy nhiên, thời điểm kết thúc gói tín dụng sắp đến gần cũng là lúc một số ngân hàng ra thông báo về việc áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016.

Động thái này từ phía ngân hàng đã khiến nhiều người mua nhà tỏ ra hoang mang bởi hầu hết các khách hàng đều nghĩ rằng khi được vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng thì sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi trong suốt thời gian vay.

Chị Mai, một khách hàng vừa vay gói 30.000 tỷ cho biết: “Lúc mua nhà, nghe môi giới nói vay gói 30.000 tỷ sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi trong 15 năm. Giờ lại có thông tin phần vốn giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ phải chịu lãi suất thương mại làm tôi vô cùng băn khoăn, lo lắng”.

Khi người mua nhà đang còn hoang mang chưa biết thực hư câu chuyện là thế nào thì cũng là lúc các doanh nghiệp BĐS đưa ra hàng loạt chiêu "lách luật" để vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi khi thời hạn giải ngân của gói 30.000 tỷ sắp hết.

Trao đổi với chúng tôi, Anh T nhân viên một sàn BĐS tại khu vực quận Hà Đông cho biết: "Để đảm bảo cho khách hàng vẫn được hưởng ưu đãi của gói vay 30.000 tỷ cho các dự án đang phải đóng tiến độ đến hết năm 2017 mới được nhận nhà, một số chủ đầu tư và khách hàng đã thỏa thuận tăng tiến độ đóng tiền đến 70% giá trị căn hộ trước ngày 31/05/2016, bằng 1 văn bản phụ lục hợp đồng mua bán kèm theo hợp đồng chính".

"Bằng cách này khách hàng vay được đến 70% giá trị căn hộ mà vẫn được hưởng ưu đãi của gói vay 30.000 tỷ, không bị ảnh hưởng bởi các quyết định, thông tư của Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính về gói 30.000 tỷ đồng", anh T cho biết.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn khách hàng sẽ chịu rủi ro rất lớn khi ký vào phụ lục hợp đồng này. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, các cách “lách luật” đều vì mục đích lợi nhuận của doanh nghiệp, thậm chí bất chấp vi phạm pháp luật.

"Hậu quả là những người vay gói 30.000 để mua nhà theo cách thức này phải đối mặt với rủi ro là khi bị phát hiện, cơ quan nhà nước sẽ không chấp nhận khoản vay đó là khoản ưu đãi, vừa không nhận được nhà lại có thể phải chịu phạt", ông Đức nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh: "Nếu khách hàng ký vào phụ lục hợp đồng đẩy nhanh tiến độ thanh toán thì sẽ có một số rủi ro nhất định. Thực tế, tại một số dự án mới xây đến tầng 4 -5 mà ngân hàng giải ngân một lần lên đến tầng 30 thì đặt ra câu hỏi trường hợp DN bị trục trặc, ai gánh. Lúc này khách hàng vừa là con nợ, vừa không biết khi nào nhận được nhà. Cái thiệt là người mua nhà phải chịu gánh nặng trả lãi cho khoản giải ngân một lần (70%) thay vì trả lãi ít hơn nếu giải ngân theo tiến độ".

Trên cổng thông tin điện tử Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo khoản 1, Điều 2 Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 quy định "Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (1/6/2013).

Như vậy, phần dư nợ vay được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước sẽ được áp dụng lãi suất vay vốn ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng, phần dư nợ vay giải ngân sau ngày 1/6/2015 áp dụng lãi suất vay thương mại thông thường do khách hàng và ngân hàng cho vay tự thỏa thuận.

Thanh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên