MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tồn kho bất động sản vẫn tiếp tục tăng

Lượng hàng hóa BĐS tồn kho tiếp tục tăng so với cuối năm 2012.

Trong khi đó, các doanh nghiệp và Hiệp hội BĐS TPHCM đề nghị điều chỉnh những quy định còn bất hợp lý trong chính sách hỗ trợ thị trường theo nghị quyết 02 của Chính phủ.

Thông tin được công bố trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam, chiều 24.5 tại TPHCM đã diễn ra hội thảo  “Ý nghĩa và tính thực tiễn của Nghị quyết 02 của Chính phủ trong việc giải phóng hàng tồn kho BĐS”.

Hàng tồn kho tiếp tục tăng

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thông tin một số diễn biến mới về tình hình thị trường BĐS. Về hàng tồn kho,  sau khi các đại phương báo cáo đầy đủ thì con số tồn kho tăng hơn 20% so với cuối năm 2012. Về căn hộ, hàng tồn kho tăng thêm gần 34.000 căn hộ, đất nền tăng thêm 3%, tương đương 1 triệu m2. Ước tổng giá trị hàng tồn kho khoảng hơn 111.900 tỉ đồng, trong đó TPHCM là 30.000 tỉ đồng và Hà Nội là hơn 14.000 tỉ đồng.

Lý giải về số lượng hàng tồn kho tăng, thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng tăng lên do có thêm  nhiều dự án được hoàn thiện và do công tác thống kê tỉ mỉ hơn so với cuối năm 2012. Để giải quyết điều này, Nghị quyết 02 đã đưa ra nhiều giải pháp với gói 30.000 tỉ đồng. Tuy không nhiều nhưng so với dư nợ của thị trường BĐS thì gói này cũng tương đương với tăng trưởng tín dụng khoảng 15%.

Thông tin về tình hình giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Ngân hàng BIDV đến nay giải ngân khoảng 3.000 tỉ cho các dự án có sẵn. Ngoài ra còn cho người dân vay. Từ nay đến cuối năm khó giải ngân hết. Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết thêm: “Quốc hội đang họp. Tôi nghe thông tin khả quan, có thể Quốc hội còn thông qua cao hơn đề xuất. Lãnh đạo quốc hội muốn kéo dài hơn thời gian miễn giảm thuế cho nhà ở xã hội và nhà ở có quy mô nhỏ. DN có hàng tồn kho lớn, đồng vốn không quay vòng được. Hiện tăng hơn 33.000 tỷ đồng”.

Ngoài giải pháp về hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà, còn có nhóm giải pháp mang tính kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp như cho phép điều chỉnh quy hoạch, chia nhỏ căn hộ…. Về việc này, Cục trưởng Cục Quản lý  nhà, Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Hà cho biết, Hà Nội và TPHCM thành lập tổ đặc nhiệm xem dự án nào điều chỉnh từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội và chẻ nhỏ căn hộ sẽ xem xét cho làm một cách riêng, quy trình riêng nhằm đảm bảo thời gian sơm nhất. Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, hiện đã có hơn 60 dự án xin điều chỉnh từ nhà thương mại sang nhà xã hội 35.000 căn hộ. Một số dự án trong diện này đã được duyệt cho phép chuyển đổi.

Băn khoăn thời hạn và lãi suất

Sau khi Ngân hàng Nhà nước có Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15.5.2013 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở, thông tư này theo đánh giá của giới doanh nghiệp là vẫn còn một số bất cập.  Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng: “Điều 6 quy định về  biện pháp bảo đảm tiền vay có quy định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật. Đề nghị sửa đổi: “Đối với cá nhân tài sản đảm bảo bằng chính căn hộ xin mua hoặc thuê mua; đối với Doanh ngiệp tài sản đảm bảo là chính dự án xin vay”.

Về thời hạn cho vay và lãi suất, ông Lê Hoàng Châu đề nghị: “Nói rõ chính sách áp dụng mức lãi suất cho vay sau thời hạn 10 năm đối với khách hàng để người vay yên tâm do khoản 4 điều 4 của Thông tư đã xác định thời gian áp dụng lãi suất 6% tối đa 10 năm mà thôi, trong lúc Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 04.4.2013 của Chính phủ đã xác định bảo đảm lãi suất cho vay ổn định và thấp. Chi phí quản lý của các Nhân hàng Thương mại được hưởng theo quy định tại khoản 2.a điều 8 là 1,5% quá cao, đề nghị Ngân hàng có sự chia sẻ với người vay”.

Về phía các doanh nghiệp, cũng đã có một số lên tiếng về những bất hợp lý trong các chính sách hỗ trợ. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Hoàng Quân cho biết, doanh nghiệp có làm dự án nhà ở xã hội tại 10 tỉnh thành. Hoàng Quân đăng ký xin chuyển đổi qua 5 dự án, hiện mới được Bộ Xây dựng cho chuyển đổi 2 dự án. Cũng theo ông Trương Ánh Tuấn, chính sách hỗ trợ còn nhiều vấn đề bất cập  là người dân vay được 6% trong 10 năm, DN vay 5 năm. Mặc dù nói ưu tiên nhưng thực tế không như vậy.

Theo Ngọc Huân

ngatt

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên