Tồn kho ngút trời: Hướng đi nào cho ngành mía đường VN?
việc Bộ Công Thương chỉ cho phép xuất đường RS mà không cho xuất đường RE thì càng gây thêm tình trạng ế ẩm, tồn kho lớn của đường RE
- 14-02-2014Mía đường cứu cánh, Hoàng Anh Gia Lai ước lãi 950 tỷ đồng năm 2013
- 02-01-2014Lối thoát nào cho ngành mía đường Việt Nam?
- 05-03-2014Đường Biên Hòa được nhập khẩu 30 nghìn tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai
Dù chỉ mới đi vào sản xuất được một phần ba niên vụ đường 2013 – 2014, nhưng các nhà máy đường hiện đang rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn vì lượng đường tồn kho tăng từng ngày, trong khi đường nhập lậu Thái Lan qua biên giới các nước Campuchia, Lào rồi đổ vào VN kéo dài nhiều năm nay mà các ngành chức năng vẫn chưa có những giải pháp ngăn chặn.
Như vậy, với tổng nguồn cung từ các nguồn sản xuất và nhập khẩu theo cam kết WTO sẽ đạt 2,046 triệu tấn đường trong niên vụ này sẽ là một áp lực lớn cho các nhà máy sản xuất đường cũng như người trồng mía.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Cty CP Mía Đường Bến Tre, trong khi lượng đường tồn kho khá lớn trong các nhà máy đường, thì mới đây, Bộ Công Thương viện dẫn lý do nhằm đảm bảo đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước, các DN sử dụng đường RE để chế biến thực phẩm nên ra văn bản yêu cầu chỉ cho xuất đường kính trắng RS và ngừng xuất đường tinh luyện RE với số lượng 200.000 tấn và thời gian thực hiện đến hết ngày 30/6/2014 đã tạo thêm sức ép về giá và tiếp tục đưa ngành này đứng trước áp lực tồn kho lớn.
Từ cung đường nhập lậu
Trước bối cảnh ảm đạm trong sản xuất và tiêu thụ đường như hiện nay của ngành mía đường, Ông Nguyễn Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, hiện mùa thu hoạch mía đường đang vào vụ nhưng lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường lên tới trên 400.000 tấn và đang tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Hầu hết lượng đường tồn kho là loại đường tinh luyện (RE). Nguyên nhân tồn kho đường lớn là do ngành đường đang phải chịu sức ép từ hai nguồn cung không chính thống là đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam và đường tạm nhập nhưng không tái xuất.
Theo thông tin thị trường và kiểm chứng bằng thống kê đường nhập vào VN và Campuchia của Tổ chức đường thế giới (ISO), hàng năm lượng đường nhập lậu vào VN ước xấp xỉ 500.000 tấn. Tương đương khoảng 1/3 tổng sản lượng của toàn ngành.
Hải quan An Giang thu giữ đường nhập lậu của Thái Lan tại tuyến biên giới
Đến câu chuyện xuất khẩu đường
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, không kể đường nhập lậu, theo dự kiến tổng cung từ các nguồn sản xuất và nhập khẩu theo cam kết WTO sẽ đạt 2,046 triệu tấn đường. Sau khi cân đối cung cầu, VSSA đã đề nghị cho XK tiểu ngạch 500.000 tấn trên lượng dư 646.080 tấn, không phân biệt chủng loại đường luyện RE hay đường kính trắng RS. Còn ông Nguyễn Hải cho rằng, hiện khách hàng đều đang có nhu cầu mua cả 2 loại đường.
Do vậy, việc Bộ Công Thương chỉ cho phép xuất đường RS mà không cho xuất đường RE thì càng gây thêm tình trạng ế ẩm, tồn kho lớn của đường RE, buộc các DN phải tung đường RE ra bán trên thị trường nội địa với giá thấp. Việc này sẽ đẩy giá đường RS tụt xuống và như vậy sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà máy sản xuất đường RE lẫn RS.
Ông Hải đặt vấn đề, liệu có sự ưu ái giữa các DN với nhau không khi mà các nhà máy đường đang phải chịu gánh nặng lớn về lượng đường tồn kho và lãi suất tín dụng, nhưng lại phải đi trữ đường để làm nguyên liệu giúp cho các DN chế biến thực phẩm trong nước để sản xuất.
Bởi theo nội dung công văn mà Bộ Công Thương gởi cho UBND tỉnh Lào Cai về việc “Bán và trao đổi mặt hàng đường niên vụ 2013-2014 qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai” nêu rõ: “chỉ cho phép XK tiểu ngạch 200.000 tấn đường RS với thời hạn đến cuối tháng 6/2014, riêng đường RE chưa cho xuất với lý do cần bảo đảm đường cho các nhà máy sản xuất dùng đường làm nguyên liệu”.
Thực tế hiện nay cho thấy, việc Bộ Công Thương khống chế thời gian được phép XK tiểu ngạch, khi khách hàng nước ngoài nắm được thời hạn mà các DN được phép xuất chỉ đến tháng 6/2014 sẽ dễ bị ép giá khi gần hết hạn XK, vì vậy VSSA cũng đã kiến nghị xin phép cho xuất luôn cả hai loại đường và không giới hạn thời gian XK.
Thực tế này đã khiến các DN ngành mía đường trong nước càng bức xúc hơn khi ngay từ đầu niên vụ mía đường 2013 – 2014 đã được dự báo thừa đường chứ không chỉ là cân đối cung cầu để giải quyết cấp bách khó khăn về đường tồn kho.
Theo Q.Chánh