Tổng tài sản 100 người = GDP 8 quốc gia
Tính đến ngày 31-12, 100 tỷ phú này đang kiểm soát khối tài sản tổng cộng hơn 1.900 tỷ USD.
- 27-12-201210 gia tộc quyền lực và giàu có nhất thế giới
- 23-11-2012Choáng với tài sản 10 tỷ phú giàu nhất Châu Phi
- 05-11-2012Bloomberg công bố 200 người giàu nhất thế giới 2012
Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg (BBI), 100 người giàu nhất thế giới năm 2012 kiếm được 241 tỷ USD, gần gấp 2,5 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Tính đến ngày 31-12, 100 tỷ phú này đang kiểm soát khối tài sản tổng cộng hơn 1.900 tỷ USD.
Nếu 100 người này thành lập 1 quốc gia riêng biệt, sẽ có tài sản vượt GDP bình quân của 8 quốc gia khác cộng lại. Dù xếp sau Italia, nhưng họ sẽ đứng trên những nền kinh tế lớn trên thế giới như Ấn Độ hay Nga.
Điều đáng nói, dù kiếm thêm tới 241 tỷ USD nhưng họ chẳng sản xuất ra sản phẩm gì cho hành tinh xanh. Công việc của họ chỉ là “gặt hái” sức lao động của người khác. Cỗ máy kiếm tiền chính của 100 người siêu giàu là thị trường chứng khoán, với mức tăng 13,2% trong năm ngoái (dựa theo chỉ số MSCI Thế giới).
Hoa Kỳ là nơi có 9 trong 12 tỷ phú giàu nhất thế giới, đóng góp 37 tỷ phú trong top 100 người giàu nhất hành tinh. Tài sản của 37 tỷ phú Hoa Kỳ cũng rất lớn, chiếm tới 50% tổng tài sản của 100 người giàu có nhất.
Châu Âu (tính luôn Nga) là khu vực nhiều tỷ phú thứ hai, với 34 tỷ phú, trong khi châu Á có 14 người và Mỹ Latin có 11 người. Tỷ phú kiếm tiền nhiều nhất trong năm 2012 là Amancio Ortega của Tây Ban Nha. Ở tuổi 76, ông trùm sáng lập hệ thống bán lẻ Inditex SA, nhà điều hành mạng lưới cửa hàng quần áo Zara, đã kiếm được 22,2 tỷ USD, nâng tài sản của ông từ 35,3 tỷ USD tăng vọt lên 57,5 tỷ USD, vươn lên chiếm lĩnh vị trí người giàu thứ ba, vượt qua cả nhà đầu tư huyền thoại người Hoa Kỳ Warren Buffett, và chỉ xếp sau ông trùm viễn thông, truyền thông, ngân hàng Mexico Carlos Slim và “phù thủy máy tính” Bill Gates.
Sự vươn lên của ông Ortega còn là một phần của câu chuyện lớn hơn. Đó là xu hướng vượt lên của các nhà bán lẻ. Theo thống kê, các tỷ phú ngành bán lẻ là nhóm kiếm tiền tốt nhất trong năm 2012, với mức tăng 20%.
Các tỷ phú bán lẻ khác trong danh sách top 100 có thể kể đến nhà sáng lập IKEA Ingvar Kamprad, 86 tuổi, người giàu thứ 5 thế giới với tài sản 42,9 tỷ USD; hay như Jeff Bezos của mạng bán lẻ trực tuyến Amazon.com; hoặc Sam Walton, nhà sáng lập Walmart. Ngành bán lẻ ăn nên làm ra chứng tỏ chi tiêu tiêu dùng đã bắt đầu hồi phục kể từ đỉnh điểm của cơn bão tài chính năm 2008.
Việc các tỷ phú gia tăng tài sản nhanh chóng năm 2012 còn chứng tỏ một sự thật trần trụi. Đó là sự đối lập giữa các tay tư bản và người lao động. Trong khi các tỷ phú ngồi một chỗ hái tiền, người lao động khốn khó hơn và hàng ngàn người mất việc làm.
Chẳng hạn trong vụ sụp đổ của nhà bán lẻ Borders, hơn 20.000 người đã mất việc. Sự tương phản này không đâu rõ hơn Tây Ban Nha, trong khi tỷ phú Ortega kiếm được 22,2 tỷ USD, giai cấp lao động ở nước này lại chứng kiến đời sống tệ hơn: tài sản của các hộ gia đình giảm bình quân 8%; tình trạng thất nghiệp chung và thất nghiệp ở giới trẻ đều trầm trọng, với tỷ lệ thất nghiệp lần lượt 26,6% và 56,5%; chính phủ tung hàng loạt chương trình khắc khổ và giảm chi tiêu công, kể cả các lĩnh vực thiết yếu như y tế và giáo dục.
Ngược lại, tài sản của riêng ông Ortega còn lớn hơn tổng giá trị các gói khắc khổ của chính phủ (52 tỷ USD). Trong vài tháng qua, Tây Ban Nha liên tiếp xuất hiện những bi kịch xã hội, với các vụ tự tử của các nạn nhân tình trạng siết nhà, thất nghiệp hay người già phải đi bươi móc thùng rác để tìm thức ăn.
Theo Vĩnh Cẩm
Sài Gòn Đầu tư