MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP. HCM kiến nghị lãi suất 3%/năm cho người mua nhà ở xã hội

Hỗ trợ lãi suất cho vay 3%/năm đối với người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với thời gian cho vay 15 năm.

Đây là kiến nghị của UBND TP.HCM nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân ở các khu công nghiệp và nhà ở cho học sinh, sinh viên trên địa bàn TP.HCM.


Theo UBND TP.HCM, kể từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành đến nay, địa phương này đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 37 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất là 122,958 ha, quy mô 35.623 căn hộ, với 2.786.459 m2 sàn xây dựng.

Cụ thể, có 25 dự án được đầu tư xây dựng trên diện tích đất do nhà nước trực tiếp quản lý, với tổng diện tích là 98,906 ha, quy mô 24.724 căn hộ, với 1.914.814 m2 sàn xây dựng; 4 dự án được đầu tư xây dựng trên diện tích đất do doanh nghiệp tự bồi thường giải phóng mặt bằng, với tổng diện tích là 7,517 ha, quy mô 3.286 căn hộ, với 264.510 m2 sàn xây dựng; 8 dự án đã được UBND thành phố cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với diện tích đất là 16,534 ha, quy mô 7.613 căn hộ, với 607.135 m2 sàn xây dựng.

UBND TP.HCM cho biết, trong năm 2014, thành phố hoàn tất thủ tục để bố trí sử dụng 376 căn nhà ở xã hội đã hoàn thành và 1.397 căn hộ nhà ở tái định cư đã hoàn thành chuyển sang nhà ở xã hội; đẩy nhanh tiến độ thi công của 5 dự án đã khởi công xây dựng; khởi công thêm 5 dự án; hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng 6 dự án.

Dự kiến, trong năm 2015, thành phố sẽ hoàn thành 4 dự án với quy mô 3.100 căn hộ; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công 6 dự án; khởi công và đẩy nhanh tiến độ thi công 6 dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng; hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng đối với 1 dự án và 4 quỹ đất có 20% diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, TP.HCM đã gặp phải một số vướng mắc. Cụ thể, khi vay vốn (từ gói 30.000 tỷ đồng), ngân hàng yêu cầu các doanh nghiệp phải có 30% vốn tham gia vào dự án trong khi đa số doanh nghiệp đi vay đang gặp khó khăn về tài chính.

Vì vậy, theo UBND TP.HCM, việc yêu cầu doanh nghiệp theo điều kiện trên là rất khó khăn. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định số 153/2007/NĐ-CP, chủ đầu tư dự án nhà ở phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.

Ngoài ra, một số dự án đã được cho phép chuyển đổi, mặc dù Bộ Xây dựng có danh sách gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét cho vay, tuy nhiên khi thẩm định khả năng tài chính của doanh nghiệp, ngân hàng không cho vay vốn vì đang có nợ xấu.

Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, UBND TP.HCM kiến nghị ổn định lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở 3%/năm đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với thời gian cho vay 15 năm.

Song song đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở. Điều chỉnh vốn đối ứng theo quy định về vốn chủ sở hữu của Luật Kinh doanh bất động sản. Cho phép doanh nghiệp được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai của dự án đi vay để làm vốn đối ứng.

Đối với những doanh nghiệp chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội còn vướng nợ đọng, UBND TP.HCM kiến nghị cho phép các doanh nghiệp này nếu có phương án tính toán hiệu quả, đảm bảo thu hồi được nợ thì không xem xét các điều kiện về các khoản nợ cũ khi vay vốn mới.

Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị sớm thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, tạo nguồn tài chính cho các cá nhân vay để thuê, thuê mua, mua nhà ở hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; cho các doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại địa phương.

>>>Nghịch lý giá nhà ở xã hội "vênh” nhau gấp đôi?
Theo Ngôn Dân

ngatt

Diễn Đàn Đầu Tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên