TPHCM: Chỉ đồng ý chuyển đổi dự án BĐS vùng ven
Trước mắt TPHCM chỉ xem xét, cho phép điều chỉnh các dự án bất động sản (BĐS) đáp ứng đầy đủ các điều kiện về giao thông, kết cấu xây dựng, hạ tầng cơ sở... và có vị trí nằm ngoài khu vực trung tâm.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, trên địa bàn TP hiện có 11 dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và 21 dự án nhà ở thương mại xin chia nhỏ căn hộ (từ 10.242 căn lên 13.599 căn). Đến thời điểm này, TP đã phê duyệt 7 dự án đáp ứng đầy đủ điều kiện để chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; 5 dự án được phép chia nhỏ diện tích căn hộ.
Những dự án đã được chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội gồm: Dự án Khu Tái định cư Thảo Điền, quận 2; Dự án Khu Thương mại dân cư Hưng Điền; Dự án Chung cư CCI, khu 2; Dự án Khu Căn hộ cao tầng 584 Tân Phú; Dự án Khu dân cư Thới An; Dự án Chung cư Lô A- Khu chung cư số 4-Khu chức năng 6B; Dự án Khu chung cư kết hợp Thương mại Hòa Nguyễn.
Những dự án được TP cho phép chia nhỏ diện tích căn hộ là: Dự án Chung cư 171A Hoàng Hoa Thám; Dự án Chung cư B3, B4 thuộc Cụm chung cư phức hợp cao tầng thuộc một phần khu dân cư 13E-Khu Đô thị mới Nam TPHCM; Dự án Khu chung cư kết hợp thương mại-văn phòng-khách sạn lô V, W, X thuộc dự án Nhà ở Him Lam.
Thực tế trong thời gian qua, việc chia nhỏ căn hộ đã phần nào giúp chủ đầu BĐS tư chủ động hơn trong giao dịch với khách hàng, giúp kéo giảm lượng BĐS tồn kho.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, TP đã giải quyết được 1.893 căn hộ tồn kho, giảm 7,34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 782 căn trong số 1.893 căn (chiếm 41%) bán được sau khi chia nhỏ diện tích căn hộ. Số căn hộ chưa bán được chủ yếu có diện tích trên 70m2, hoặc thuộc các dự án không đạt yêu cầu về tiến độ.
Hiện trên địa bàn TP, nhiều doanh nghiệp BĐS đang xin chuyển đổi công năng dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, hoặc xin chia nhỏ diện tích căn hộ để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, chủ trương này đang được UBND TPHCM xem xét một cách khắt khe. Đến nay mới chỉ có 5/21 dự án được UBNDTP đồng ý.
Lý giải về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, xét duyệt cho phép một dự án được chia nhỏ diện tích căn hộ không phải chỉ nhằm “giải cứu” thị trường BĐS mà phải xét đến lợi ích của cả doanh nghiệp, Nhà nước và người dân. Trước khicho phép chuyển đổi một dự án, TP phải xem xét một loạt các vấn đề khác liên quan đến hạ tầng, xã hội… để không phá vỡ quy hoạch chung của TP và không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong khu vực.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, việc cấp phép chia nhỏ diện tích căn hộ, TP không làm khó doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan điểm chung của TP là việc chia nhỏ căn hộ trước mắt chỉ có thể áp dụng đối với những dự án có vị trí giao thông thuận lợi, còn những dự án nằm trên hệ thống giao thông nhỏ, TP hiện vẫn chưa xem xét cấp phép thực hiện.
Ví dụ như đối với khu trung tâm TPHCM có diện tích vào khoảng 930 ha, do đã có quy hoạch 1/2000 nên không thể tùy tiện thay đổi. TP hiện chỉ xem xét, cho phép điều chỉnh các dự án BĐS nằm ngoài khu trung tâm này. Bên cạnh đó, cũng chỉ cho phép chuyển đổi những dự án đáp ứng đủ các điều kiện về giao thông, kết cấu xây dựng, hạ tầng cơ sở...
Đồng tình quan điểm của TP, giới chuyên gia kiến trúc và quy hoạch đô thị cũng cho rằng, việc chia nhỏ căn hộ cần phải được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Theo đó, những căn hộ có diện tích trên/dưới 30m2 thực tế chỉ đáp ứng nhu cầu cho một bộ phận những người sống độc thân. Vì vậy, trường hợp gia đình có thêm thành viên mới không chỉ dẫn đến sự xáo trộn môi trường sống của chủ nhân căn hộ, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những người xung quanh.
Dưới góc độ kiến trúc, mỗi căn hộ phải có tầm nhìn giới hạn từ 15-20 năm và phải có 2 phòng ngủ, tức là diện tích tối thiểu phải từ 60m2 trở lên. Một căn hộ có diện tích 100m2, chia nhỏ ra thành 2-3 căn, nếu không tính toán kỹ lưỡng sẽ ảnh hưởng đến kết cấu chung của cả tòa nhà, về lâu dài sẽ dẫn đến sự quá tải các dịch vụ hạ tầng, chỗ để xe, trường học, cơ sở y tế, hệ thống giao thông trong khu vực...
>>> "Dự án nhà ở xã hội làm tới đâu hết tới đó"
Theo Phan Hoàng