Trả lại tên cho... VAN
Chỉ vì hình thức bên ngoài “giống” xe chở người” mà những chiếc xe tải Van bị Hải quan nghi ngờ, áp thuế như xe chở người.
Sau gần 4 năm tranh cãi, số phận của những chiếc ôtô tải VAN (Kia Morning và Deawoo Matiz) đã được định đoạt. Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn Cục Hải quan TP Hải Phòng và TP HCM về vấn đề thông quan cho VAN với khẳng định đó là xe tải (theo kết luận của Cục đăng kiểm). VAN đã là VAN nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra đối với các cơ quan quản lí nhà nước.
Chỉ với một nội dung tranh chấp mang tính pháp lí không mấy phức tạp nhưng cũng phải mất gần 4 năm mới ngã ngũ. Sự lúng túng trong công tác quản lí nhà nước khiến nhiều DN thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, điều đáng nói là người dân rất băn khoăn với khả năng xử lí tranh chấp pháp lí, cũng như sự phối hợp của các cơ quan quản lí nhà nước.
“Mất tên” vì hình thức
Vụ việc bắt nguồn từ Công văn số 12392/BTC-TCHQ ngày 3/9/2009 của TCHQ. Theo công văn này, TCHQ nhận định “hai dòng xe ôtô Kia Morning và Daewoo Matiz được nhiều DN khai báo là xe tải Van, 2 chỗ, trọng tải 300 kg” là xe chở người. Do xe chở người và xe tải được áp hai mức thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt khác nhau, nên cơ quan hải quan cho rằng đã có sự gian lận để trốn thuế.
Thực tế, xe tải VAN là loại xe khá phổ biến trên thế giới. Đây là dòng xe giá khá rẻ và hầu như không có sự chênh lệch về giá giữa xe chở người và xe tải VAN nên không có hiện tượng người dân cải tạo VAN thành xe chở người.
Tuy nhiên, tại VN, chênh lệch về thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt giữa hai loại xe này khá lớn. Nếu như xe chở người 5 chỗ phải chịu thuế nhập khẩu 83%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 45% thì thuế nhập khẩu xe tải VAN chỉ là 80% và thuế tiêu thụ đặc biệt 0%.
Chênh lệch về thuế khiến cho chênh lệch về giá giữa xe chở người 5 chỗ và xe tải VAN hiệu Daewoo Matiz lên khoảng 48-50 triệu đồng/chiếc. Bởi vì, nhiều khách hàng thay vì mua xe 5 chỗ thì họ mua loại VAN 2 chỗ với giá rẻ hơn, rồi chỉ việc ra các xưởng sửa chữa ôtô lắp thêm bộ ghế sau khoảng 4-5 triệu đồng là họ có ngay một chiếc ôtô giống tới 99% so với xe chở người loại 5 chỗ.
Căn cứ vào công năng của xe cũng như thông lệ quốc tế, Cục Đăng kiểm VN (Cơ quan của Bộ GTVT) đã xác nhận đây là xe tải. Cục Đăng kiểm VN cấp Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với dòng xe trên. Các Cục Hải quan xác nhận tờ khai nguồn gốc ôtô nhập khẩu. Các DN đã bán những chiếc xe này ra thị trường với giá mềm hơn xe chở người.
Theo tính toán của các DN, nếu áp dụng Công văn số 12392 đối với những chiếc xe này, số thuế chênh lệch bị truy thu tương đương khoảng 34 tỉ đồng. DN thì cho rằng, nhập xe tải thì phải được áp thuế xe tải. Việc hoán đổi công năng thuộc trách nhiệm giám sát lưu thông của các cơ quan thực thi pháp luật như Công an và Thanh tra giao thông.
Còn Hải quan thì cho rằng, hầu hết các xe trên đều được chuyển đổi công năng nên xếp chúng vào loại xe chở người 5 chỗ ngồi. Vậy là số xe trên không thông quan được, phải nằm ở kho ngoại quan chờ xử lí...
Những bất cập từ chính sách
Trong Văn bản gửi Thủ tướng ngày 17/5/2011, Thanh tra Chính phủ cho biết, những tranh cãi liên quan đến dòng xe Van nhập khẩu do các tiêu chuẩn của VN còn sơ sài. Để xảy ra tình trạng tranh cãi kéo dài có trách nhiệm của các bộ như Bộ Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Tài chính, Cục Đăng kiểm và TCHQ.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng các biện pháp xử lý đối với 722 chiếc xe đã nhập về. Theo đó, với những xe nằm trong danh sách tranh cãi trên được nhập về trước ngày 8/11/2010, nếu đã hoàn thành thủ tục hải quan và đăng ký lưu hành, người sử dụng phải chịu trách nhiệm khi hoán cải từ xe VAN thành xe chở người.
Còn với những xe chưa hoàn thành thủ tục hải quan, Thanh tra Chính phủ đề nghị áp dụng chính sách quản lý nhập khẩu và chính sách thuế theo xe tải. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng áp dụng cơ chế, chính sách với xe Van Daewoo Matiz, Kia Morning loại 2 chỗ, tải trọng 300 kg NK về VN sau ngày 8/11/2010 là loại xe chở người; đồng thời cấm nhập xe Van Kia Morning loại 2 chỗ, tải trọng 300 kg.
Đến ngày 19/9/2012, TCHQ đã có Công văn 12666/BTC-TCHQ xác định lại tính chất mặt hàng trên: từ hàng hóa (ôtô chở người) thuộc danh mục hàng tiêu dùng nộp thuế ngay thành hàng hóa (ôtô tải) không nằm trong danh mục hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo đại diện Cty CP ôtô Tây Bắc (một DN đang có 26 chiếc xe tải VAN nằm chờ thông quan từ năm 2009), họ đã đến Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ - Cục Hải quan TP Hải Phòng để làm thủ tục thông quan nhưng mọi việc vẫn tắc.
Hải quan Đình Vũ vẫn thông báo, lô hàng này chỉ được thông quan sau khi DN nộp đủ các loại tiền tổng cộng hơn 3 tỉ đồng, gồm thuế nhập khẩu và GTGT của lô hàng xe tải VAN đang gửi tại kho ngoại quan; phạt chậm nộp của khoản tiền này; khoản thuế truy thu đối với số xe tải VAN do DN nhập khẩu đầu năm 2009 cùng với khoản phạt chậm trả của số tiền thuế truy thu trên.
Các DN cũng phải chờ đến ngày 02/7/2013 TCHQ mới ra Công văn 3665/TCHQ-KTSTQ. Theo đó, những tranh cãi về phân loại đối với xe Kia Morning và Daewoo Matiz 2 chỗ, 300 kg đã có hồi kết. TCHQ đã chính thức hướng dẫn Cục Hải quan TP Hải Phòng và TP HCM áp dụng chính sách thuế, phân loại xe theo kết luận của Cục Đăng kiểm VN (cơ quan này luôn xác định hai dòng xe trên là xe tải - PV).
Và giải pháp “muộn còn hơn không”
Chỉ vì hình thức bên ngoài “giống” xe chở người” mà những chiếc xe tải Van bị Hải quan nghi ngờ, áp thuế như xe chở người. Kéo dài 4 năm mới có hồi kết khi xe tải Van được “giải oan”. |
Tuy nhiên, dưới góc độ quản lí nhà nước, xe tải vẫn phải là xe tải, xe chở người vẫn là xe chở người. Cơ quan quản lí nhà nước không lẫn lộn nhưng người dân cũng không được đảo lộn công năng. Một mặt tháo gỡ cho DN, nhưng mặt khác, đối với những người hoán cải xe tải VAN thành xe chở người cũng phải có biện pháp kiên quyết xử lí.
Vậy là vụ việc xe tải VAN đã có một cái kết có hậu cho DN sau gần 4 năm tranh cãi. Các DN đã chính thức được thoát truy thu thuế 34 tỷ đồng đối với 734 xe nhập khẩu trên.
Dù còn nhiều hậu quả từ sau kết luận này nhưng đây vẫn là một kết luận được các DN hoan nghênh ghi nhận. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi các DN đang liên tục phải đối mặt với hàng loạt rủi ro, thì việc thoát khỏi một rủi ro về chính sách cũng là nguồn động viên đáng kể.
Ông Hồ Khắc Hùng - Giám đốc điều hành Cty CP ôtô Tây Bắc: – TCHQ vừa có Công văn 3665/TCHQ -KTSTQ ngày 2/7/2013 hướng dẫn Cục Hải quan TP Hải Phòng và TP HCM về vấn đề thông quan cho xe tải VAN. Dưới góc độ một DN kinh doanh trong ngành ông đánh giá thế nào về công văn này ? Sau khi nhận thông tin Tổng cục Hải quan có Công văn 3665/TCHQ-KTSTQ ngày 02/7/2013, các DN có liên quan đến vụ việc đều vô cùng phấn khởi. Theo tinh thần chỉ đạo tại văn bản trên thì vụ việc "ôtô tải Van" cuối cùng cũng sẽ được giải quyết thấu tình - đạt lý. Nỗi oan “gian lận thương mại, trốn thuế và lừa đảo người tiêu dùng” của Cty chúng tôi đã được gột rửa, DN cũng tránh được bản án treo bị truy thu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, xử phạt vi phạm hành chính. Điều này giúp DN tránh được việc phải giải thể hoặc phá sản... Có thể nói rằng Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan đã biết nhìn thẳng vào sự thật, biết sửa chữa sai lầm và chúng tôi đánh giá cao hành động này. Tuy nhiên thời gian từ lúc SAI đến lúc SỬA là gần tròn 4 năm - quãng thời gian này là quá dài, đủ để giết chết nhiều DN... - Công văn 12392/BTC-TCHQ ngày 03/9/2009 cũng của Tổng cục Hải quan đã gây thiệt hại ra sao đối với DN? Công văn 12392/BTC-TCHQ ngày 3/9/2009 của TCHQ đã khiến các DN như chúng tôi phải trải qua muôn vàn khó khăn, cơ cực vì vụ việc “xe ôtô tải VAN”. DN mất uy tín nghiêm trọng với bạn hàng trong nước cũng như đối tác nước ngoài. DN không có đủ tiền nộp số thuế bị truy thu do đó bị cưỡng chế làm thủ tục hải quan nên không thể hoạt động được. Hàng hóa không bán được do vướng mắc về thủ tục. Chất lượng của hàng hóa thì ngày một xuống cấp do thời gian, mưa nắng, hao mòn vô hình. Tiền lãi vay, tiền lưu kho phát sinh hàng ngày... – Là “người trong cuộc”, ông có kiến nghị gì sau vụ việc này ? Với những chi phí thực tế đã phải chi trả trong thời gian 4 năm qua: tiền lãi vay (có thời điểm lên đến 24-25%/ năm), tiền lưu kho... cộng với việc hàng hóa bị giảm giá trị (bị xuống cấp do thời gian, mưa nắng, hao mòn vô hình...) thì giá trị lớn nhất mà Công văn 3665/TCHQ-KTSTQ đưa lại cho các DN như chúng tôi là DANH DỰ. Không hiểu TCHQ sẽ sửa sai ra sao ? Bởi khi DN bị điêu đứng bởi việc ra các quyết định sai của cơ quan, tổ chức nhưng việc xử lý cán bộ sai phạm lại làm theo kiểu "rút kinh nghiệm" sẽ tạo nên những tiền lệ vô cùng nguy hại cho sự phát triển của xã hội. - Xin cảm ơn ông! |