MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trụ sở vàng... bỏ hoang

Sau khi chuyển trụ sở về trung tâm hành chính mới, rất nhiều trụ sở cũ của Bình Dương trên những mảnh đất vàng đang bỏ hoang cả năm nay.

Bình Dương là một trong những tỉnh đầu tiên xây trung tâm hành chính mới “khủng”. Nhưng sau hơn một năm di dời về trụ sở mới, nhiều trụ sở cũ của các cơ quan tại Bình Dương vẫn bỏ trống để cỏ mọc.

Một số trụ sở đã lập hồ sơ bán đấu giá nhưng không có ai mua. Dự kiến sắp tới tỉnh phải dùng ngân sách để ứng trả dần chi phí xây trụ sở mới.

Đóng cửa im lìm

Từ ngày 20-2-2014, sau khi khoảng 60 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh của Bình Dương cùng về “mái nhà chung” là tòa tháp đôi cao 22 tầng, cũng đồng nghĩa với chừng ấy trụ sở phải hoán đổi công năng hoặc bán đấu giá.

Thế nhưng tới nay mới chỉ có một số trụ sở được hoán đổi, dùng để bố trí cho các đơn vị sự nghiệp, hành chính (do trước đây phải đi thuê hoặc trụ sở cũ quá nhỏ hẹp).

Cụ thể: trụ sở cũ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương được bàn giao lại làm trụ sở của Thành ủy, UBND TP Thủ Dầu Một. Trụ sở cũ của Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương giao lại cho Phòng giáo dục - đào tạo TP Thủ Dầu Một.

Trụ sở cũ Sở Tài chính được dùng làm trụ sở của một số phòng chức năng... Riêng trụ sở cũ các sở NN&PTNT, Tư pháp được giao cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc.

Ngoài ra, theo ghi nhận ngày 9-6, nhiều trụ sở cũ tại Bình Dương đang bị bỏ không dù đã hơn một năm các cơ quan được chuyển đi.

Cụ thể: nằm ngay mặt tiền quốc lộ 13 là miếng đất khá rộng, trụ sở cũ của UBND TP Thủ Dầu Một và Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương. Ai đi qua đây cũng phải trầm trồ tiếc nuối khi thấy những dãy nhà cao 3 tầng được xây dựng khang trang nhưng đóng cửa im lìm.

Trên khoảng sân trước trụ sở của UBND TP Thủ Dầu Một cỏ mọc um tùm, lá rơi xác xơ... Vẫn trên quốc lộ 13, cách đó khoảng vài trăm mét là một “trụ sở vàng” khác bị bỏ không là trụ sở cũ của Thanh tra tỉnh Bình Dương và Sở Nội vụ tỉnh.

Theo quan sát tối 9-6, những trụ sở này đều đóng cửa im lìm, mỗi trụ sở chỉ còn duy trì một, hai nhân viên bảo vệ trông coi. Một số trụ sở bỏ không được người dân “tận dụng” kê bàn ghế bán hủ tiếu gõ, bán nước ngay trước cổng...

Một người dân địa phương thở dài tiếc nuối: “Trong khi nhiều người dân còn thiếu nhà ở, doanh nghiệp thiếu mặt bằng để kinh doanh mà trụ sở to đẹp như vậy lại bỏ trống cả năm nay, thật lãng phí quá!”.

Theo tìm hiểu, muốn thuê được một căn nhà mặt tiền quốc lộ 13 ở Bình Dương (bề rộng khoảng 5m) hiện nay phải trả tới 2.000 
USD/tháng (tương đương hơn 40 triệu đồng/tháng).

Giá cao, khó bán

Theo tìm hiểu, việc nhiều trụ sở tại Bình Dương hiện nay vẫn đang bỏ trống vì hai lý do: một số trụ sở đang chờ quy hoạch, một số trụ sở khác thì tỉnh đã lên phương án bán nhưng do giá cao nên không có người mua.

UBND tỉnh cho rằng do thị trường bất động sản đang “hạ nhiệt” nên tỉnh cũng phải chờ thời điểm để bán được giá nhằm thu hồi vốn cho ngân sách.

Để giải quyết tình trạng này UBND tỉnh Bình Dương đưa ra ba hướng để xử lý: một số trụ sở sẽ dùng để bố trí, hoán đổi cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp đang thiếu chỗ làm việc.

Với các trụ sở nằm liền kề nhau, có thể thu gom thì tỉnh sẽ quy hoạch lại để kết hợp việc chuyển đổi công năng các trụ sở cũ với việc triển khai các dự án chỉnh trang đô thị. Những trụ sở còn lại, có quy mô nhỏ lẻ hoặc nằm tách biệt tỉnh sẽ bán đấu giá.

Kế hoạch như vậy, đến nay tỉnh Bình Dương mới bán được duy nhất một trụ sở cũ của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy cho Cục Dự trữ nhà nước khu vực Đông Nam bộ với giá hơn 40 tỉ đồng.

Hai trụ sở cũ khác của Ban tổ chức Tỉnh ủy và Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy dù cũng nằm ở khu vực trung tâm nhưng trên tuyến đường không “đắc địa” nên được gom lại bán với giá khoảng 50 tỉ đồng. Thế nhưng thông báo bán đấu giá mà chờ hoài không ai đăng ký mua.

Theo tìm hiểu, từ năm 2011 (khi trung tâm hành chính còn đang xây dựng), UBND tỉnh Bình Dương đã tiến hành định giá trụ sở cũ của các cơ quan phải di dời khoảng hơn 1.326 tỉ đồng.

Trong đó, một số trụ sở cũ được định giá khá cao, như Sở Y tế 175,6 tỉ đồng, Sở Giáo dục - đào tạo 111,8 tỉ đồng, Sở Công thương 91,6 tỉ đồng...

Khi đó tỉnh Bình Dương tính toán tổng giá trị đất và tài sản trên đất của các trụ sở cũ sẽ được 1.422 tỉ đồng, cao hơn tổng mức đầu tư của tòa nhà hành chính mới là 1.414 tỉ đồng.

Tuy nhiên, một cán bộ cho biết đó chỉ là phương án định giá năm 2011, trên thực tế giá thị trường hiện nay đang giảm nên phải định giá lại phù hợp với giá thị trường thì mới có người mua.

Theo tính toán chưa chính thức, nếu trước đây giá đất mặt tiền quốc lộ 13 được định giá hơn 40 triệu đồng/m2 thì hiện nay có vị trí có thể chỉ còn 25 triệu 
đồng/m2.

Vì vậy, tổng giá trị đất và tài sản trên đất của tất cả trụ sở cũ nếu tỉnh Bình Dương bán được có thể giảm khá nhiều so với định giá trước đây, nên khó có thể đủ để trả kinh phí xây dựng tòa nhà hành chính mới.

 

Ngân sách trả 500 tỉ đồng mỗi năm

Theo tìm hiểu, tòa nhà hành chính tập trung tỉnh Bình Dương được UBND tỉnh Bình Dương ký hợp đồng với Tổng công ty Becamex IDC (doanh nghiệp nhà nước) thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Tổng mức đầu tư tòa nhà hành chính này là 1.414 tỉ đồng, cộng với Trung tâm hội nghị - triển lãm 461,7 tỉ đồng thì chi phí lên tới 1.875 tỉ đồng, hoàn toàn do Becamex IDC tự lo vốn để thực hiện.

Trước đây, tỉnh Bình Dương dự kiến dùng các trụ sở cũ giao lại cho Becamex IDC để thanh toán kinh phí xây dựng.

Tuy nhiên, khi được xin ý kiến, Thủ tướng đã chỉ đạo việc xây dựng theo hình thức BT thì tiến hành thanh toán riêng, việc xử lý các trụ sở cũ cũng phải thực hiện riêng, nếu trụ sở nào cần bán thì phải đấu giá công khai.

Vì vậy, kinh phí xây dựng tòa nhà hành chính mới sẽ được xuất ngân sách ra trả lại cho đơn vị thi công. Sau đó, nếu bán được các trụ sở cũ thì sẽ thu hồi lại tiền cho ngân sách.

Về việc chậm bán trụ sở, chưa thanh toán liệu có phát sinh lãi suất, UBND tỉnh Bình Dương cho biết do hiện nay tòa nhà hành chính tập trung vẫn chưa được nghiệm thu, chưa bàn giao nên Nhà nước chưa phải trả tiền.

Vào kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương cuối năm 2013, khi bàn về kế hoạch ngân sách đã định dành ra 500 tỉ đồng để trả cho Becamex IDC nhưng do khi đó công trình chưa xong nên bị hoãn lại.

Dự kiến sau khi bàn giao tòa nhà, có thể mỗi năm Bình Dương sẽ trả khoảng 500 tỉ đồng cho Becamex IDC.

Theo Bá Sơn

Tuổi trẻ Online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên