MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc cảm cúm, châu Á có hắt hơi?

06-08-2014 - 11:49 AM |

Trong năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (TQ) sẽ chậm lại khiến nhiều nền kinh tế khác bị ảnh hưởng. Các nhà hoạch định chính sách tại châu Á nên làm gì trước xu hướng này?

Sau hơn 30 năm tăng trưởng trên 10%, năm 2014, theo các dự báo lạc quan nhất, TQ chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 6,9%. Xu hướng giảm tăng trưởng rõ nét kể từ 2011 và sẽ còn kéo dài. 

Điều đáng nói, nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này tiêu thụ gần một nửa tổng nguồn nguyên liệu toàn cầu, đang đi vào giai đoạn bão hòa, sẽ gây ra những hậu quả đối với các nước cung ứng nguyên liệu tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương như Úc, Indonesia hay Việt Nam.

Chẳng hạn, xuất khẩu của các nhà sản xuất máy công cụ Đài Loan sang TQ giảm hơn 20% kể từ năm 2012. Quặng sắt của Úc giao cho TQ gần đây đã đạt mức thấp nhất trong 21 tháng qua. Mặt hàng trang sức của Hồng Kông xuất sang đại lục đã giảm 40% trong năm nay, một phần do giới lãnh đạo TQ đẩy mạnh chống tham nhũng, cấm các hình thức biếu tặng...

Tuy nhiên, thị trường 1,4 tỷ dân của TQ vẫn có những sức hấp dẫn khác. Số lượng du khách Trung Quốc đến Sri Lanka tăng hơn gấp đôi trong nửa đầu năm nay. Giới phụ nữ TQ trong độ tuổi 30 là nhóm khách hàng lớn nhất tiêu thụ các loại mỹ phẩm mới nhất của Hàn Quốc bán trên trang web Lotte. 

Tiêu thụ nội địa đang được TQ đẩy mạnh, chi tiêu hộ gia đình tăng từ 34,9% năm 2010 lên 36,2% năm ngoái. Năm nay, với kế hoạch kích thích mi-ni, dự báo có sự bùng nổ chi tiêu xây dựng đường sắt và nhà ở công cộng tại TQ.

Với 1,95 ngàn tỷ USD nhập khẩu vào năm 2013, TQ là quốc gia nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Đài Loan là nền kinh tế có quan hệ thương mại chặt chẽ nhất với TQ hơn bất kỳ nền kinh tế châu Á khác, với kim ngạch xuất khẩu sang TQ chiếm khoảng 6% GDP. 

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Đài Loan như điện thoại di động, đang hướng tới thị trường tiêu thụ hơn là đầu tư. Đơn hàng xuất khẩu của Đài Loan sang TQ đã tăng 15% trong tháng 6 so với một năm trước đó.

Trong khi đó, Úc chịu thiệt hại nặng vì sự suy giảm tăng trưởng của TQ. Theo Capital Economics, tăng trưởng kinh tế Úc có thể mất khoảng 0,8 điểm phần trăm do nhu cầu nhập khẩu than, quặng sắt từ TQ giảm mạnh. 

Ngay cả những nước không xuất khẩu nhiều sang TQ cũng sẽ cảm nhận được tác động của việc tái cân bằng của nó thông qua thị trường hàng hóa. Do nhu cầu từ thị trường TQ giảm mạnh nên giá than của Indonesia giảm tới 50% từ năm 2011.

Nhưng không phải là tất cả thị trường xuất khẩu đều u ám. Karex, một công ty sản xuất bao cao su của Malaysia, đã đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân của TQ. Nhập khẩu bao cao su TQ gần như tăng gấp ba lần 2007-2013, đến 3,4 triệu kg. Trong khi đó, giá thành phần chính của bao cao su là cao su đã giảm gần một nửa kể từ năm 2011.

Những biến động của nền kinh tế khổng lồ TQ đã thúc đẩy xu hướng tái cân bằng sức mạnh kinh tế giữa các nước đang trỗi dậy tại châu Á đang xảy ra. Việc giá cao su giảm nhưng giá bao cao su tăng tại TQ khiến các con rồng châu Á thức tỉnh. 

Hàn Quốc là một ví dụ minh họa điển hình. Để tránh phụ thuộc vào thị trường TQ, những năm gần đây, Seoul đã tích cực thúc đẩy tự do thương mại với hàng loạt các hiệp định tự do thương mại với Mỹ và EU để có thể tăng khả năng cạnh tranh cho các ngành công nghiệp từ bảo hiểm tới điện tử.

Những biện pháp này dự kiến sẽ tạo nên làn sóng đầu tư trong nước, giúp tăng sản lượng cũng như việc làm. Môi trường cạnh tranh và tự do cũng khuyến khích và tăng thêm năng lực cho các doanh nhân Hàn Quốc thích nghi với các điều kiện bên ngoài luôn biến đổi.

Trước sự biến động của kinh tế TQ, các nhà hoạch định chính sách châu Á nên làm gì? Theo The Economist, một cách chống đỡ là tăng chi tiêu chính phủ thông qua phúc lợi xã hội cùng với đầu tư và đợi cho đến khi TQ cũng như phần còn lại của thế giới phục hồi. 

Một cách thông minh hơn là tăng khả năng cạnh tranh và tính linh hoạt của nền kinh tế. Với kinh tế được tự do hóa, các cá nhân và doanh nghiệp có thể thích nghi nhanh chóng và nắm bắt nhiều cơ hội.

Đồng thời, các chính phủ châu Á cũng cần ghi nhớ những ảnh hưởng tiềm ẩn của việc dòng vốn chạy khỏi khu vực nếu nhà đầu tư trên thế giới mất niềm tin, bởi hầu hết những khoản đầu tư vào khu vực này đều dựa trên giả thiết các nước sẽ tăng trưởng như mức của TQ.

>> Kinh tế Trung Quốc: Tăng trưởng dối trá

Theo Lam Hồng

vandoan

Doanhnhansaigon

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên