Trung Quốc 'đả hổ, diệt ruồi': Quảng Đông trong 'tâm bão'
Đã có tới hơn 2.190 “quan chức trần trụi” bị nêu tên ở tỉnh Quảng Đông và 866 người trong số đó bị cách chức.
- 07-04-2014Trung Quốc chi hơn 100 tỷ USD chống tham nhũng
- 18-01-2014Trung Quốc: Ế ẩm vì ... chống tham nhũng
Ngoài việc tạo đà cho chiến dịch chống tham nhũng trong năm 2014, giới chức Trung Quốc còn “thúc đẩy truy thu tiền tham nhũng đã tuồn ra nước ngoài”.
Triệt hạ “quan chức trần trụi”
Mới đây, Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng phóng sự điều tra tố cáo Ngân hàng Trung Quốc - 1 trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất nước này - rửa tiền cho những người muốn ra nước ngoài.
Gần 200.000 người Trung Quốc di cư ra nước ngoài mỗi năm và lượng tiền đi theo tăng mạnh trong 3 năm qua. Dĩ nhiên, giới lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh thừa hiểu trong số này có không ít quan chức ẩn mình.
Đó là lý do mà Bắc Kinh đang mạnh tay đẩy "quan chức trần trụi" (ám chỉ những quan chức đưa vợ con ra nước ngoài cư trú) khỏi các vị trí quan trọng. Các thanh tra viên được yêu cầu điều tra kỹ lưỡng lĩnh vực khai khoáng, chuyển nhượng đất đai, bất động sản, các dự án xây dựng, công quỹ và các quỹ đặc biệt.
Trong giai đoạn đầu, riêng Quảng Đông phát hiện hơn 1.000 “quan chức trần trụi”, gồm 9 quan chức cao cấp, 134 quan trung cấp và 723 quan cấp thấp. Gần đây hơn, theo báo cáo được đăng trên cổng thông tin điện tử chính thức của tỉnh này hôm 25-7, đã có hơn 2.190 “quan chức trần trụi” bị nêu tên và 866 người trong số đó bị cách chức.
Tại sao Quảng Đông lại trở thành “tâm bão”? Nhà phân tích văn hóa và chính trị Trung Quốc Rebecca Liao nói với đài Deutsche Welle (Đức) rằng so với các tỉnh, thành khác, Quảng Đông có GDP cao nhất, đồng thời là trung tâm thương mại và sản xuất. Quảng Đông cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng cho các công ty đa quốc gia.
Tỉnh này gần đặc khu Hồng Kông và có tỉ lệ di cư cao đến khu vực Đông Nam Á, châu Âu, Úc và Bắc Mỹ. Nhiều quan chức tận dụng ưu đãi trong chương trình đầu tư của Hồng Kông để ẵm trọn hơn 1 triệu USD/thương vụ gồm việc mua quyền cư trú tại các nước châu Phi xa xôi.
Bầu không khí bất an
Mặc dù chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động đạt được những kết quả bước đầu song cũng gieo rắc nỗi sợ hãi lớn đến mức nhiều quan chức tìm mọi cách để được yên thân, từ việc tránh xa các dự án lớn đến về hưu sớm.
Một quan chức tỉnh Chiết Giang tỏ bày: “Chiến dịch chống tham nhũng gây tác động lớn lên kinh tế. Nhiều quan chức địa phương không còn muốn triển khai các dự án đầu tư. Họ nơm nớp lo sợ mình cũng sẽ “đoản mệnh” như những người khác”. Phập phồng nhất là quan chức trong các lĩnh vực mua sắm chính phủ, năng lượng, xây dựng và cấp phép sử dụng đất đai, khai thác mỏ...
Nhật báo Thanh niên Trung Quốc cho biết trong số 54 quan chức chết vì “nguyên nhân bất thường” từ tháng 1/2013 đến tháng 4/2014, hơn 40% là tự vẫn. Chẳng hạn, cựu Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc Bạch Trung Nhân nhảy lầu hồi tháng 1 năm nay sau khi bị điều tra tham nhũng.
Đến tháng 5, cựu Chủ tịch Công ty Dược phẩm Tam Tinh thuộc Tập đoàn Dược phẩm Cáp Nhĩ Tân tự kết liễu đời mình. Còn Ủy viên Bộ chính trị Lý Kiến Quốc từng nhập viện sau một cuộc điều tra khiến ông này bị “căng thẳng thần kinh”.
Dù không có số liệu chứng minh thiệt hại kinh tế tổng thể, Công ty Chứng khoán Hoa Xuyên ở Bắc Kinh ước tính chiến dịch chống quan chức xa hoa, lãng phí có thể làm giảm 0,4 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng 7,7% của kinh tế Trung Quốc năm 2013.
Các công ty phân phối rượu, đồng hồ, xe hơi, khách sạn cao cấp trở nên ủ ê. Trước khi chiến dịch bắt đầu vào cuối năm 2012, các cửa hàng đồng hồ Thụy Sĩ, rượu cognac Pháp, đồ trang sức và túi xách hiệu Gucci… đều ăn nên làm ra với doanh số tăng 30% vào năm 2011 và 7% vào năm 2012.
Sang năm 2013, tình hình ảm đạm hẳn. Doanh số bán hàng của hãng Gucci tại Trung Quốc giảm 6,4% trong 3 quý đầu năm 2013; kim ngạch nhập khẩu các loại đồng hồ của Thụy Sĩ giảm 14% trong 10 tháng đầu năm 2013. Riêng hãng rượu nổi tiếng Mao Đài phải giảm giá mạnh để bán tháo sản phẩm.
Theo nhà kinh tế Hồng Kông Lục Đĩnh thuộc Tập đoàn Merrill Lynch, một trong những tác động của chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc là làm chậm tăng trưởng đầu tư tài sản cố định. Ông Lục ước tính điều này có thể tác động lên ít nhất là 1% tăng trưởng GDP.
Các chuyên gia kinh tế nói rằng dường như đang xảy ra cái vòng luẩn quẩn ở Trung Quốc.Đầu tiên là tăng trưởng cao đi kèm với tham nhũng lớn, sau đó điều tra chống tham nhũng mạnh hơn kéo thấp tăng trưởng; tiếp đó lại kích thích kinh tế để lấy lại đà tăng trưởng và đi kèm là nhu cầu tăng cường điều tra tham nhũng!
>> Chu Vĩnh Khang: Chiến dịch săn rồng đã mở ở Thượng Hải
Theo Huệ Bình