"Vận động viên" Việt Nam trên đường đến TPP
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng “TPP sẽ không “hiền lành” như WTO mà như một bông hồng có gai”, nhưng nhấn mạnh: “Chúng ta cần đạt được các cải cách tối thiểu để gia nhập TPP”.
- 26-02-2014TPP chưa thành vì hai “ông lớn” chưa chịu nhau
- 25-11-2013[Nổi bật] Viettel thu lời từ châu Phi, TPP sẽ 'chôn vùi' các trang tải nhạc miễn phí
- 25-11-2013Tăng 37% hàng xuất khẩu khi ký kết TPP
- 26-10-2013TPP quan hệ gì với nhập khẩu từ Trung Quốc?
Nội dung nổi bật:
- Tháng 10/2002, nhân dịp hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Los Cabos (Mexico), khi Tổng thống Chile Ricardo Lagos, Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong và Thủ tướng New Zealand Helen Clark có buổi gặp gỡ riêng để thảo luận về việc thành lập một thỏa thuận đối tác tay ba, gọi là Pacific Three Closer Economic Partnership (Pacific 3-CEP).
- Do vậy, chỉ ít năm sau, dựa trên cơ sở thỏa thuận ban đầu được bốn nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký vào ngày 3-6-2005 và có hiệu lực ngày 28/5/2006, Pacific-4 đã mở rộng thêm cho nhiều thành viên khác tham gia, trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản, trở thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương nổi tiếng (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – viết tắt TPP).
- TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng “TPP sẽ không “hiền lành” như WTO mà như một bông hồng có gai”, nhưng nhấn mạnh: “Chúng ta cần đạt được các cải cách tối thiểu để gia nhập TPP”.
- Nhìn chung, bên cạnh những thách thức, tác động tổng thể của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là rất tích cực. Thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, xây dựng môi trường luật pháp minh bạch hơn và công bằng hơn, cấu trúc mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước và thực hiện các cải cách cần thiết trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, cải tổ hệ thống tài chính ngân hàng,...
Tháng 10/2002, nhân dịp hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Los Cabos (Mexico), khi Tổng thống Chile Ricardo Lagos, Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong và Thủ tướng New Zealand Helen Clark có buổi gặp gỡ riêng để thảo luận về việc thành lập một thỏa thuận đối tác tay ba, gọi là Pacific Three Closer Economic Partnership (Pacific 3-CEP).
Liệu họ có tiên đoán được rằng thỏa thuận nhỏ bé này trong vòng một thập niên có thể trở thành một tương lai tự do mậu dịch, một động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ và lâu dài cho các nền kinh tế năng động ở hai bên bờ Thái Bình Dương, đại dương lớn nhất hành tinh?
TPP hình thành như thế nào?
Tháng 4/2005, Brunei tham gia đàm phán ở vòng 5 của thỏa thuận này và hiệp định lấy tên là Pacific-4 (P4). Mục tiêu ban đầu của Hiệp định là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu trước ngày 1-1-2006 và tới năm 2015 thì không còn đánh thuế xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giao dịch giữa các nước thành viên.
So với những khu vực mậu dịch tự do khác, kể cả WTO, Pacific-4 yêu cầu một cường độ tự do hóa mậu dịch mạnh mẽ hơn và mở rộng hơn trên nhiều lĩnh vực bao gồm mua bán hàng hóa dịch vụ, quy định về xuất xứ, can thiệp của chính phủ, rào cản kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng lao động…
Những nước có nền kinh tế thị trường phát triển và có độ hội nhập kinh tế cao ở hai bên bờ Thái Bình Dương sẽ thấy hiệp định này tạo cho họ cơ hội và động lực phát triển kinh tế nhanh hơn và tốt hơn.
Do vậy, chỉ ít năm sau, dựa trên cơ sở thỏa thuận ban đầu được bốn nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký vào ngày 3-6-2005 và có hiệu lực ngày 28/5/2006, Pacific-4 đã mở rộng thêm cho nhiều thành viên khác tham gia, trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản, trở thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương nổi tiếng (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – viết tắt TPP).
Ngày 13/11/2010, tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Nhật Bản, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết tuyên bố Việt Nam tham gia vào TPP với tư cách thành viên đầy đủ.
Cho đến nay, đã có tám nước tiến hành đàm phán để gia nhập TPP là Hoa Kỳ, Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản. Trong suốt ba năm kể từ năm 2011 đến nay, các vòng đàm phán TPP đã diễn ra nhộn nhịp và đã đạt những tiến bộ đáng kể. Đồng thời các quốc gia vẫn còn những vướng mắc cục bộ cần phải giải tỏa để đạt đến việc hình thành một hiệp định thương mại tự do tiêu biểu của thế kỷ XXI, theo cách gọi của Tổng thống Mỹ Obama, vào một thời điểm không những thích hợp nhất mà còn cần thiết nhất.
Hiện nay, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Indonesia đang tỏ ra đặc biệt quan tâm đến TPP và đều mở ra khả năng tham gia với tư cách thành viên chính thức. Như vậy, nếu mọi việc tiến hành suôn sẻ, TPP sẽ trở thành một khu vực thương mại được tự do hóa cao nhất, có quy mô lớn nhất thế giới.
Độ phủ của TPP bao gồm sự tham gia của hai nền kinh tế đứng đầu và đứng thứ ba thế giới cùng với các nước phát triển năng động của châu Á. Bắc và Nam Mỹ, có dân số trên một tỉ người, với GDP tổng hợp lên đến 28 ngàn tỉ USD, chiếm 40% GDP của toàn thế giới và có khối lượng giao dịch thương mại tương đương 1/3 tổng giá trị mậu dịch toàn cầu.
Hoa Kỳ hiện vẫn tiếp tục các vòng đàm phán khó khăn với những thành viên khác của TPP. Những danh mục và điều kiện đàm phán của Hoa Kỳ có thể trở thành bộ điều kiện chuẩn cho một Hiệp định TPP hoàn chỉnh trong tương lai, nhằm tiến đến một mô hình mậu dịch tự do mẫu mực.
Các vấn đề nằm trong chương trình đàm phán bao gồm:
- Thuế quan: mục tiêu là cắt giảm hầu hết các dòng thuế, thực hiện ngay hoặc với lộ trình rất ngắn;
- Dịch vụ: Tăng độ mở cho các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính, ngân hàng;
- Đầu tư: Tăng cường các quy định liên quan đến việc bảo vệ nguồn vốn đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư;
- Quyền sở hữu trí tuệ: Tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ;
- Bảo vệ tính mạng, sức khỏe: Tăng mức độ bảo vệ thông qua các quy định khắt khe hơn về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật;
- Cạnh tranh và mua sắm công: Tăng cường áp dụng nguyên tắc cạnh tranh thị trường chống phân biệt đối xử, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công;
- Mở rộng quyền và quyền lợi của người lao động: đặc biệt là quyền lập công đoàn, quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động, ngăn cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, cấm khai thác lao động trẻ em, thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử trong sử dụng lao động.
Bông hồng chỉ dành cho người xứng đáng
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông gặp Đại sứ Mỹ Marantis trong chuyến đàm phán về TPP.
Đối với Việt Nam, một nước có trình độ phát triển kinh tế còn thấp và chưa có một hệ thống thị trường hoàn chỉnh, tham gia TPP là một thách thức lớn cần có ý chí và quyết tâm vượt qua.
Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), nhận xét: “Việt Nam sẽ là nước gặp khó khăn trong cuộc đàm phán TPP này vì Việt Nam là nước có nền kinh tế kém nhất và hệ thống pháp luật khập khiễng nhất trong số các nước đang đàm phán. Không thể có chuyện như có người nói rằng TPP sẽ là một bữa “đại tiệc” của Việt Nam”.
Mới đây, khi trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, tham gia Hiệp định TPP có thể gây ra một số hệ quả về mặt xã hội. Tự do hóa thương mại quá đột ngột có thể dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu. Các yêu cầu trong TPP liên quan đến lao động sẽ làm thay đổi môi trường lao động ở Việt Nam và các quy định pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, để thực thi cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ… TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng “TPP sẽ không “hiền lành” như WTO mà như một bông hồng có gai”, nhưng nhấn mạnh: “Chúng ta cần đạt được các cải cách tối thiểu để gia nhập TPP”.
Tuy nhiên, những thách thức về mặt kỹ thuật, pháp lý, cơ chế, hay ngay cả vấn đề nhân quyền… không thể được xem là những trở ngại không thể vượt qua. Nhìn lại quá trình phát triển của Việt Nam trong ba thập niên qua kể từ khi thực hiện quốc sách Đổi mới mở cửa, chúng ta có thể thấy rằng việc Việt Nam tham gia TPP là một bước phát triển tất yếu của tiến trình mở cửa và hội nhập toàn cầu.
Trong những năm qua, 50% đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là từ các nước thành viên TPP. Trong năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 21,3% so với năm 2012, đạt 23,87 tỉ USD, tương đương 18% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong khi chỉ nhập khẩu từ Hoa Kỳ 5,23 tỉ USD, đạt mức thặng dư thương mại với Hoa Kỳ trên 18 tỉ USD. Còn đối với Nhật Bản, năm 2013, Việt Nam xuất sang Nhật Bản gần 13 tỉ USD, trong khi nhập từ Nhật Bản khoảng 11 tỉ USD, đạt mức xuất siêu trên 1,8 tỉ USD.
Nhìn chung, bên cạnh những thách thức, tác động tổng thể của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là rất tích cực.
Nhưng quan trọng hơn, việc quyết tâm tham gia TPP sẽ là động lực để Việt Nam thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, xây dựng môi trường luật pháp minh bạch hơn và công bằng hơn, cấu trúc mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước và thực hiện các cải cách cần thiết trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, cải tổ hệ thống tài chính ngân hàng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và xây dựng một nền kinh tế chi phí thấp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam.
Những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện quyết tâm này.
Lợi ích của việc tham gia TPP không thể có được trong sớm chiều, một vận động viên còn non trẻ như chúng ta không thể mong muốn đạt thành tích cao ngay trong những ngày đầu tham gia thi đấu. Cuộc chạy đua sẽ có nhiều cam go thử thách, nhưng điều quan trọng là các vận động viên bên cạnh ta cam kết cùng một đội và cùng mong muốn chúng ta về đích chung với họ.
Trong niềm tin tưởng đó, chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan hơn: TPP dù là một đóa hoa có gai, nhưng chính là một bông hồng xinh đẹp dành tặng cho những người xứng đáng.
Theo Huỳnh Bửu Sơn
Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần
Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!
Từ Khóa: