Vì sao LG chưa sản xuất smartphone tại Việt Nam?
Tổng giám đốc LG Việt Nam cho biết LG sẽ xây dựng nhà máy tại Việt Nam khác với Samsung hay Nokia...
- 16-01-2011'Ông Tổng' LG Việt Nam chia sẻ triết lý kinh doanh
- 12-12-2013Samsung chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam vì chi phí lao động thấp hơn
- 03-12-2013[Nổi bật] Mobifone 'dọn rác' cho VNPT, Samsung kiếm bộn lại 'quên' đóng thuế
- 03-12-2013Samsung Electronics trở thành doanh nghiệp lớn thứ 2 Việt Nam về doanh thu sau PVN
- 01-12-2013Samsung: Đổ tiền tấn cho marketing vì không có gì khác biệt và mới lạ
Nội dung nổi bật:
- Nhà máy Samsung hay Nokia chủ yếu tập trung vào sản phẩm điện thoại, còn LG sẽ xây dựng nhà máy thành một phức hợp để sản xuất rất nhiều các sản phẩm khác nhau. Giai đoạn đầu sẽ sản xuất 5 sản phẩm thiết bị như thiết bị đo điện tử, phát thanh kỹ thuật số cho ôtô, tivi thông minh, máy giặt, máy hút bụi và điện thoại di động.
- Thị phần hiện tại của LG đối với mobile chưa phải là cao cho nên LG Việt Nam muốn dùng những sản phẩm sản phẩm chính cốt lõi thật mạnh trước và dẫn đầu để nhà máy hoạt động thật tốt. Đối với dòng sản phẩm điện thoại sau khi xây dựng được thị trường tốt rồi thì mới đầu tư sản xuất mạnh.
LG sẽ đầu tư xây dựng một khu phức hợp nhà máy rộng 402.600 m2 tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng trong vòng 10 năm với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, Tổng giám đốc LG Việt Nam, ông Ko Tae Yeon nói, LG sẽ xây dựng nhà máy với chiến lược khác so với các hãng như Samsung hay Nokia tại thị trường Việt.
Trong câu chuyện với VnEconomy, ông Ko Tae Yeon nói:
- Dự án sẽ chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện từ 2013 – 2017 với số vốn 510 triệu USD, giai đoạn 2 sẽ thực hiện trong 6 năm từ 2017 – 2023 với số vốn 990 triệu USD.
Trong giai đoạn đầu chúng tôi sẽ sản xuất rất nhiều sản phẩm và dự kiến đến quý 2/2014 nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
Chúng tôi xây nhà máy xét về mặt thời gian có chậm hơn so với Samsung hay Nokia, tuy nhiên chiến lược xây nhà máy của LG tại đây là khác Samsung và Nokia.
Ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc LG Việt Nam.
Điện thoại chưa phải là sản phẩm chủ lực
Khác như thế nào vậy?
Tôi được biết, nhà máy Samsung hay Nokia chủ yếu tập trung vào sản phẩm điện thoại, còn LG chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy thành một phức hợp để sản xuất rất nhiều các sản phẩm khác nhau.
Giai đoạn đầu chúng tôi sẽ sản xuất 5 sản phẩm thiết bị như thiết bị đo điện tử, phát thanh kỹ thuật số cho ôtô, tivi thông minh, máy giặt, máy hút bụi và điện thoại di động. Sau đó sẽ đầu tư sản xuất nhiều dòng sản phẩm khác nữa.
Hy vọng trong thời gian tới chúng tôi sẽ xây dựng và phát triển nhà máy thành công.
Vậy tỷ lệ sản xuất các sản phẩm là như thế nào?
Tại nhà máy của LG, tỷ lệ sản phẩm thiết bị đo điện tử, thiết bị phát thanh kỹ thuật số cho ôtô, linh kiện điện tử cho ô tô công suất là 16.812.000 sản phẩm mỗi năm; ti vi màu và ti vi thông minh là 534.000 sản phẩm; máy điều hòa nhiệt độ - 550.000 sản phẩm; máy hút bụi - 5.376.000 sản phẩm; máy giặt 1.560.000 sản phẩm; điện thoại di động thông minh 600.000 sản phẩm.
Trong số 5 sản phẩm trên thì có 3 dòng sản phẩm chiến lược mà chúng tôi sẽ chú trọng phát triển là thiết bị đo điện tử, thiết bị phát thanh kỹ thuật số cho ô tô; tivi thông minh và máy giặt. Đây là những sản phẩm chủ lực tại nhà máy.
Vì sao LG Việt Nam không đưa smartphone vào dòng sản phẩm chủ lực trong khi trên thế giới đây đang là sản phẩm có xu hướng phát triển mạnh?
Chúng tôi tất nhiên cũng muốn phát triển dòng sản phẩm điện thoại nhưng thị phần hiện tại của LG đối với mobile chưa phải là cao cho nên LG Việt Nam muốn dùng những sản phẩm sản phẩm chính, cốt lõi thật mạnh trước và dẫn đầu để nhà máy hoạt động thật tốt.
Đối với dòng sản phẩm điện thoại sau khi chúng tôi xây dựng được thị trường tốt rồi thì mới đầu tư sản xuất mạnh.
Vậy nhà máy LG tại Hải Phòng đi vào hoạt động có sản xuất ngay các dòng sản phẩm cấp cao hay chỉ sản xuất dòng cấp thấp?
Chúng tôi sẽ sản xuất nhiều dòng sản phẩm khác nhau từ cấp thấp đến cao cấp, tuy nhiên sẽ tập trung vào cao cấp vì đây mới là dòng sản phẩm tạo ra nguồn lợi cao cho nhà máy.
Trong 5 năm đầu, nguồn hàng được sản xuất tại nhà máy LG Hải Phòng, 70% là cho xuất khẩu cho khoảng 35 nước; từ năm thứ 6 trở đi xuất khẩu 90% cho 50 nước. Doanh thu của nhà máy ước tính sẽ đạt 1 tỷ đô từ năm 2016.
Việt Nam là thị trường chiến lược để phát triển
LG đã nhận được những ưu đãi từ Chính phủ Việt Nam như thế nào để quyết định đầu tư xây dựng nhà máy tại Hải Phòng?
Việt Nam có những chính sách ưu đãi đủ tốt và hấp dẫn để các nhà đầu tư vào, trong đó có chính sách về thuế. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân như Việt Nam có đội ngũ lao động có kỹ năng tương đối tốt, có hệ thống logistics thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu…
Tất nhiên, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam cũng có những điểm cần phải cải thiện, tạo điều kiện cho nhà đầu tư như khi chúng tôi đưa các kế hoạch để đầu tư thì quá trình duyệt hơi lâu.
Thêm nữa, với cơ sở vật chất để sản xuất thì Việt Nam mới áp dụng chính sách miễn thuế cho các máy móc chuyển vào để sản xuất phải mới hoàn toàn, còn đang sử dụng ở Hàn Quốc hoặc ở đâu đó chuyển sang thì lại đánh thuế.
Thế còn quy mô, tiềm năng thị trường hàng công nghệ, điện tử gia dụng của Việt Nam thì sao?
Không chỉ LG mà các hãng khác cũng rất coi trọng thị trường Việt Nam để đầu tư vào đây. Chúng tôi coi Việt Nam là thị trường chiến lược để phát triển, vì các bạn có dân số đông và trẻ, thị trường lao động tay nghề cao…
Trong chiến lược của LG tại Việt Nam, chúng tôi sẽ rất chú trọng vào phát triển các sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy các hoạt động marketing và dịch vụ bảo hành hậu mãi.
Đầu tư vào Việt Nam, LG có chính sách thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam như thế nào?
LG xây dựng và triển khai hoạt động khu phức hợp nhà máy tại Việt nam sẽ là cơ hội tốt và thuận lợi cho các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam, chúng tôi sẽ tư vấn cho họ về việc quản lý sản xuất, chất lượng sản xuất, năng lực sản xuất để đảm bảo khả năng đáp đứng yêu cầu về cung cấp nguyên phụ liệu phụ trợ cho nhà máy của LG.
Ngoài ra, LG có thể hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ học tập các quy chế sản xuất mà hiện đang được áp dụng tại các nhà máy tại Hàn Quốc, đồng thời cũng sẽ mời các chuyên gia từ nhà máy bên Hàn Quốc sang Việt Nam để tư vấn, hỗ trợ cho các nhà máy phụ trợ của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành phụ trợ của Việt Nam vẫn còn nhiều điều cần cải thiện để đạt được chuẩn của thế giới, trong đó trước hết bản thân doanh nghiệp phải thay đổi trong suy nghĩ để có những cách quản lý hiện đại hơn, phù hợp với chuẩn thế giới hơn.
Hiện tại những kỹ năng của công nhân, kỹ sư tại Việt Nam rất tốt nhưng cách quản lý thì chưa được tốt lắm. Nếu Việt Nam cải thiện được điểm này thì sẽ tăng được năng lực cạnh tranh so với thị trường khác, như Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Theo Mạnh Chung