MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm hơn các nước trong khu vực gần 2%

07-10-2013 - 17:16 PM |

Dự báo mới nhất của World Bank.

Thứ hai, ngày 7/10, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2013 của Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển khác ở Đông Á trong Báo cáo Cập nhật Triển vọng Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương.

WB dự báo các nước đang phát triển tại Đông Á sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm nay, thấp hơn so ước tính trước đó là 7,8% nhưng vẫn cao hơn nhiều so với phương Tây.

Các nước đang phát triển tại Đông Á không bao gồm một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore và Đài Loan. Nếu tính cả các nước này, WB dự báo kinh tế Đông Á sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay.

Theo WB, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2013, tăng 0,1% so với dự báo hồi tháng 4.

WB hạ dự báo là do các quốc gia có thu nhập trung bình như Indonesia, Malaysia, và Thái Lan đang suy yếu do lượng vốn đầu tư giảm, giá cả hàng hóa toàn cầu đi xuống và tăng trưởng xuất khẩu không như kỳ vọng. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang dịch chuyển từ phụ thuộc vào xuất khẩu sang tập trung vào nhu cầu nội địa.

Dù vậy theo WB, Đông Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế Đông Á đang đóng góp 40% vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, cao hơn so với bất kỳ khu vực nào khác.

Trung Quốc - quốc gia đóng góp lớn cho sự tăng trưởng khu vực, dự báo sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2013.

Không tính Trung Quốc, các quốc gia đang phát triển còn lại của Đông Á có thể tăng trưởng 5,2% trong năm 2013. Mức tăng trưởng này gần bằng với dự báo tăng trưởng của Việt Nam (5,3%).

Bên cạnh việc hạ dự báo tăng trưởng, WB cũng nhận định các nền kinh tế Đông Á cần phải chuẩn bị tốt hơn cho việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ khi nền kinh tế thế giới phục hồi.

Tháng trước, nhiều thị trường đã chao đảo trước thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ rút lại gói kích thích tiền tệ. Các đồng nội tệ khu vực, bao gồm đồng rupee của Ấn Độ và đồng rupiah của Indonesia đã rớt giá thảm hại so đồng USD.

Bert Hofman, chuyên gia kinh tế trưởng Bộ phận Đông Á - Thái Bình Dương của WB cho rằng, các quốc gia Đông Á cần cắt giảm sự phụ thuộc vào các khoản vay ngắn hạn từ nước ngoài, chấp nhận tỷ giá thấp hơn khi tăng trưởng suy yếu và xây dựng vùng đệm chính sách để ứng phó với sự thay đổi của các điều kiện thanh khoản trên toàn cầu.

WB lưu ý, sự suy yếu của dòng vốn đầu tư vào Đông Á - Thái Bình Dương có thể được bù đắp bởi các chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe (Abenomics) khi Nhật Bản tăng cường đầu tư vào khu vực.

Trần Dũng

dungtq

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên