Vingroup: Cần nới rộng cơ chế chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Đây là ý kiến tham luận của Phó chủ tich HĐQT Tập đoàn Vingroup, ông Lê Khắc Hiệp tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS.
Tại Hội nghị, ông Hiệp cũng đưa ra 16 góp ý, bổ sung trong luật kinh doanh BĐS năm 2006. Trong đó, đáng chú ý nhất là góp ý về Cơ chế quản lý khu đô thị sau đầu tư: Nhà nước hay chủ đầu tư thực
hiện, các cơ quan tiếp nhận. Nếu chủ đầu tư thực hiện phải có cơ chế của thành
phố về phí duy tu, bảo trì;
Cơ chế đầu tư hạ tầng kỹ thuật (đường sá, điện, nước, xử lý nước thải…) trong khu đô thị, nhà ở và kết nối với hạ tầng xung quanh dự án để thu hút người dân đến ở; Cơ chế để các doanh nghiệp nhà nước bán điện, nước dịch vụ viễn thông cung cấp dịch vụ cho cư dân ngay khi dự án thi công xong.
Điều này nhằm tránh tình trạng các khu đô thị xây xong, đường xá đàng hoàng nhưng thiếu điện nước, dịch vụ viễn thông và hạ tầng xã hội (tối thiểu là trường mầm non và trường tiểu học) nên dân không về ở, chủ đầu tự dự án BĐS lại phải kiêm luôn việc bán điện, nước sinh hoạt cho cư dân khu đô thị.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng đề nghị mở rộng đối tượng mua nhà cho Việt Kiều, người gốc Việt Nam, người nước ngoài
mua nhà tại Việt Nam, không phân biệt/hạn chế điều kiện mua, quyền và nghĩa vụ,
đơn giản thủ tục,…trừ hạn chế mua nhà ở xã hội.
Nới rộng cơ chế chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa chỉ đầu tư thứ cấp 1 cho cấp 2. Không cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chỉ cần có quyết định giao đất của thành phố cho chủ đầu tư cấp 1 và đã đầu tư hạ tầng tương ứng. Chủ đầu tư cấp 2 sau khi bán cho người mua cũng chỉ cần có thỏa thuận với chủ đầu tư cấp 1 và xây xong móng. Hiện một số nơi cứ yêu cầu việc mua bán đất phải có sổ đỏ theo luật đất đai.
Theo ông Hiệp, luật kinh doanh BĐS cũng cần làm rõ thủ tục chuyển nhượng một phần dự án BĐS, hiện mới có hướng dấn về việc chuyển nhượng toàn bộ dự án nhà ở, khu đô thị và hạ tầng khu công nghiệp.
Thêm vào đó, ông Hiệp cũng đề nghị hợp đồng mua bán căn hộ không hết hiệu lực sau khi bàn giao nhà và thanh toán xong, mà người mua lại căn hộ phải kế thừa các quyền và nghĩa vụ khác của người mua nhà ban đầu với chủ đầu tư theo hợp đồng mua bán căn hộ.
Ngoài ra, Phó chủ tịch HĐQT tập đoàn Vingroup cũng đưa ra một số đề nghị sau:
Một là, mở rộng mục đích của nhà ở là để ở và các mục đích khác không trái pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh (mua đi bán lại) của các cá nhân- hiện chưa có nhưng vẫn bị thu thuế thu nhập cá nhân.
Mở rộng quyền của chủ sở hữu nhà khu sử dụng nhà vào các mục đích khác, ví dụ cho thuê để kinh doanh, góp vốn – hiện bị giới hạn chỉ để ở và sinh hoạt.
Hai là, bổ sung quyền của chủ sở hữu nhà ở ngoài bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý, thế chấp nhà ở, còn có thế chấp vốn, hợp tác đầu tư
Ba là bổ sung quy định về các loại hình sở hữu, sử dụng chung trong tòa nhà hỗn hợp, tương ứng là các quỹ bảo trì tách theo các khu vực có công năng riêng và vận hành tương đối độc lập trong tòa nhà hỗn hợp.
Các chủ sở hữu từng khu vực trong tòa nhà tự lập quỹ bảo trì và chịu trách nhiệm bảo trì phần sở hữu chung của riêng khu vực đó và đóng góp vào việc bảo trì các phần sở hữu chung trong tòa nhà mà không thuộc của một khu vực nào.
Bốn là, cần có cơ chế đặc thù cho biệt thự, nhà phục vụ du lịch nghỉ dưỡng, tham gia các chương trình times share.
Năm là, rút gọn thủ tục hành chính khi đã phê duyệt dự án thì không phải thực hiện xin chấp nhận đầu tư dự án phát triển nhà ở, phê duyệt một lần và doanh nghiệp được tự động triển khai theo tiến độ, phân kỳ đầu tư.
Sáu là, nhà nước và ngân hàng cho chủ đầu tư và người mua tiếp cận vốn vay với mức lãi suất ưu đãi, dài hạn (10-15 năm) từ các quỹ của thành phố.
Bảy là doanh nghiệp kinh doanh BĐS hiện rất khó tiếp cận vốn vay do nghị định 71 giới hạn, không cho phép chủ đầu đem thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai (mà chủ đầu tư chưa bán được).
Tám là chính sách định giá đất còn có và khó gia hạn tiến độ nộp tiền sử dụng đất, thuê đất. Đề nghị xem xét nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng như tinh thần nghị quyết 02.
Chín là tạo điều kiện để người nước ngoài, Việt Kiều được tự do mua bất động sản tại Việt Nam nhằm tạo thêm đầu ra cho dự án.
Mười là làm rõ điều kiện đưa BĐS vào kinh doanh cho thuê theo điều 7, điều 28 luật KD BĐS có nhất thiết phải chờ sổ đỏ hay cứ xây xong được nghiệm thu cho thuê là được.
Tuệ Minh
Trí Thức Trẻ