MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ trưởng Vụ tín dụng: Yêu cầu tài sản đảm bảo không làm khó người dân

Bản thân Thông tư 11 quy định cho phép các ngân hàng được nhận căn nhà mua làm tài sản đảm bảo cho nên vấn đề này không làm khó cho người dân.

Vụ trưởng Vụ tín dụng - NHNN Nguyễn Viết Mạnh cho biết như vậy tại buổi đối thoại trực tuyến về gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chiều 11/6.

Sau khi Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về cho vay vốn nhà ở “NH xem xét và quy định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật”. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều kiện để vay gói 30.000 tỷ đồng đang làm khó người dân.

Trả lời vấn đề này ông Nguyễn Viết Mạnh khẳng định: "Về tài sản đảm bảo cho khoản vay, Thông tư giao quyền cho các TCTD quyết định có thế chấp hay không. Bản thân Thông tư 11 cũng quy định cho phép các ngân hàng được nhận căn nhà mua làm tài sản đảm bảo. Theo tôi được biết, hiện cả 5 ngân hàng thương mại triển khai gói hỗ trợ đều có quy định này, cho nên vấn đề này không làm khó cho người dân."

Vụ trưởng cũng cho biết thêm, đây là vốn tín dụng thông thường có ưu đãi về thời gian và nguồn vốn, nên một trong những yêu cầu đầu tiên là nguồn vốn thông thường không có hạn chuẩn tín dụng. Nghĩa là đảm bảo có thu nhập để trả nợ cho khoản vay. Nhà nước chỉ hỗ trợ nguồn vốn cho vay, còn trách nhiệm trả và thu nợ là của các ngân hàng cho vay. Nên phải đảm bảo các quy định cho vay thông thường. Không nên chỉ vì giải quyết vấn đề hôm nay mà lại vấp phải nợ xấu, là không đòi được nợ. Chúng ta giải quyết được vấn đề và sau đó đường đi phải thông thoáng. Như vậy, điều kiện để khách hàng vay vốn là phải thu nhập để đủ khả năng trả nợ.

Về mặt pháp lý khi thế chấp bằng căn nhà là tài sản hình thành trong tương lai thì trong các quy định của ngân hàng về tài sản thế chấp, có mấy loại là tài sản hình thành từ tương lai, tài sản hình thành từ vốn vay. Đây là một dạng tài sản sẽ hình thành từ vốn vay, khi đó, ngân hàng, khách hàng và người bán sản phẩm phải ký hợp đồng với nhau, có nghĩa là, khi khách hàng chưa trả nợ cho ngân hàng, tài sản đó vẫn thuộc ngân hàng và doanh nghiệp cho nên 3 bên ký với nhau để giải quyết vấn đề tài sản thế chấp.

Đồng quan điểm với ông Mạnh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam bổ sung thêm, các tài sản thế chấp được hình thành từ vốn vay, ở đây cụ thể là nhà thu nhập thấp, sẽ khó cho NH và người mua trong vấn đề thế chấp vì không được giao dịch mua bán trong 10 năm. Theo dự thảo nghị định mới chúng tôi đang trình Chính phủ thì trong 5 năm không được giao dịch mua bán. Nhưng vì mọi người ở đây không hiểu là có quy định trong vòng 5 năm không được bán ra ngoài theo giá thị trường nhưng vẫn có quyền được bán lại cho chủ đầu tư hoặc cho người cũng thuộc đối tượng thu nhập thấp.

Ở đây, ngân hàng có thể nhận tài sản này làm tài sản thế chấp, trong trường hợp phải có xử lý về tài sản thế chấp, ngân hàng vẫn có quyền bán lại ngôi nhà này cho chủ đầu tư hoặc bán lại cho người cũng thuộc đối tượng thu nhập thấp không kể 5 năm hay mấy năm.

Tuệ Minh

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên