Vướng giải tỏa, quốc lộ 1A bị ‘bẻ cong’
Bộ GTVT và Đà Nẵng không thống nhất được phương án bồi thường,giải tỏa khiến quốc lộ 1A đoạn qua phía nam cầu Nam Ô phải uốn cong đểné nhà dân.
- 03-08-2014Phải xuống từng nhà dân để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng QL 1A
- 13-01-2014Hơn 7 triệu USD mở rộng QL 1A Đà Nẵng-Quảng Nam
Công trình đường dẫn hai đầu cầu Nam Ô mới (quốc lộ 1A) thuộc gói thầu B2-21, dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới giao thông quốc gia đã hoàn thành và thông xe từ tháng 3-2013. Nhưng do vướng mặt bằng nên hiện còn gần 190 m đường dẫn cuối tuyến (phía nam cầu) chưa được thi công. Nhiều hộ dân nằm trong diện giải tỏa lâm vào cảnh đi không được, ở không xong.
Thiếu kinh phí giải tỏa
Để làm tuyến đường dẫn lên hai đầu cầu, theo phương án được phê duyệt thì cần giải tỏa 44 hộ (23 hộ giải tỏa trắng, 21 hộ giải tỏa một phần). Đến nay 23 hộ giải tỏa trắng đã di dời, riêng 21 hộ còn lại không bàn giao mặt bằng do chưa nhận đủ tiền bồi thường.
Quốc lộ 1A uốn cong vì Đà Nẵng và Bộ GTVT không thống nhất được việc chi trả kinh phí giải tỏa. Đồ họa: TQ
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, giải thích: Ban Quản lý dự án 6 (chủ đầu tư, thuộc Bộ GTVT) mới chỉ cấp kinh phí bồi thường đối với phần diện tích thu hồi đợt 1 (trong phạm vi dự án). Riêng khoảng 10 tỉ đồng kinh phí bồi thường giải tỏa đợt 2 đối với 21 hộ này thì đang vướng.
Làm việc với Ban Quản lý dự án 6, Sở GTVT TP Đà Nẵng cho hay do diện tích sau giải tỏa của 21 hộ trên rất nhỏ, lại nằm kẹp giữa quốc lộ 1 và sông Cu Đê thường xuyên bị sạt lở nên việc chỉ giải tỏa trong phạm vi dự án là không phù hợp, có thể gây nguy hiểm cho các hộ dân trên. Ngoài ra, nếu không giải tỏa sẽ làm mất mỹ quan khu vực phía nam cầu Nam Ô. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị giải tỏa toàn bộ 21 hộ này. Về kinh phí bồi thường bổ sung, TP sẽ chịu 50% và chủ đầu tư chịu 50%.
Tuy nhiên, sau đó Ban Quản lý dự án 6 cho hay Bộ GTVT không đồng ý với phương án của Đà Nẵng mà đề nghị địa phương này phải tự cân đối bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Do vướng mặt bằng nên Ban Quản lý dự án 6 đã kiến nghị Bộ GTVT dừng đầu tư đối với đoạn tuyến còn lại và giao trả cho địa phương tự đầu tư.
Đi không được, ở không xong
Tình trạng trên khiến những hộ dân nằm trên tuyến đường này lâm vào cảnh đi không được, ở không xong. Nhiều căn nhà đã xuống cấp nhưng không được cải tạo, sửa chữa vì nằm trong diện giải tỏa. Bà Lê Thị Kim Vân, phường Hòa Hiệp Nam bức xúc: “Tụi tôi chờ đợi mấy năm nay nhưng vẫn không thấy cơ quan chức năng thanh toán hết các khoản hỗ trợ, bồi thường giải tỏa. Nhiều hộ đã nhận hơn 80% kinh phí bồi thường nhưng riêng tôi vẫn chưa nhận được đồng nào. Nhà nằm sát bờ sông Cu Đê nên cứ sau mỗi trận mưa lại xảy ra sạt lở, nước tràn vào nhà”.
Tương tự, nhiều hộ đã nhận tiền đợt 1 cho hay rất mong sớm nhận tiếp phần kinh phí còn lại để chuyển hẳn về nơi ở mới.
Để thông tuyến, Ban Quản lý dự án 6 đã nối tạm tuyến đường dẫn mới vào quốc lộ 1A hiện hữu, tạo thành một nút thắt cổ chai rất nguy hiểm. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hưng Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết: Tuyến đường này đã không hoàn thành như thiết kế ban đầu mà bị bẻ quặt sang trái do vướng giải tỏa. Do tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông nên chúng tôi phải gắn các biển cảnh báo để người đi đường cẩn trọng.
“Việc vuốt nối từ đường mới sang đường cũ chỉ là phương án tạm thời. Về lâu dài, Cục Quản lý đường bộ 3 kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Ban Quản lý dự án 6 làm việc với chính quyền địa phương để giải phóng mặt bằng và hoàn thiện dự án theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt” - ông Hà nói.
Theo Tấn Tài
Pháp luật TP HCM