Xử lý nợ xấu qua VAMC, khó khăn thực sự ở đâu?
Đề xuất chạy theo tiền tươi thóc thật hay trao đặc quyền cho VAMC cũng nhiều rủi ro lúc này.
- 22-08-2014Cho vay không tài sản bảo đảm sẽ gây ra nợ xấu?
- 21-08-2014Nợ xấu vẫn là 'ung nhọt' của các ngân hàng thương mại
- 21-08-2014Ngân hàng nào có nợ xấu 'khủng' nhất?
Mô hình xử lý nợ xấu thông qua việc thành lập VAMC đã từng được ca ngợi là một cách làm sáng tạo của Việt Nam, vì không phải dùng đến một đồng nào của ngân sách trong khi vẫn xử lý được nợ xấu một cách hợp lý vừa đảm bảo được quyền lợi của con nợ, chủ nợ, Chính phủ, và cả nền kinh tế nói chung vì có sự phối hợp chặt chẽ của VAMC với các bên liên quan.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động một năm qua của VAMC cho thấy ý đồ thiết kế VAMC ban đầu, “tay không bắt giặc”, mà cụ thể là đổi nợ xấu lấy trái phiếu đặc biệt do VAMC, đã không dễ dàng được thực hiện.
Trong khi đó, chức năng mua nợ xấu theo giá thị trường bằng “tiền tươi thóc thật”, một chức năng được xem là thứ yếu của VAMC, lại đang dần dần được hô hào nâng lên thành chức năng chính (như ở các nước khác), kèm với đó là khuyến nghị ngày càng mạnh mẽ chính phủ tạo nguồn lực này cho VAMC (từ ngân sách, từ các quỹ của chính phủ, từ vốn cấp phát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)), bên cạnh đó là trao quyền đặc biệt cho VAMC.
Lý do để cho việc xử lý nợ xấu thông qua hoán đổi nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) lấy trái phiếu đặc biệt của VAMC không mấy khả quan vì một số lý do như đã biết, ví dụ, các TCTD vẫn phải trích lập dự phòng 20% mệnh giá trái phiếu hàng năm (và đây là một gánh nặng lên lợi nhuận của các TCTD); VAMC hầu như không phải chịu bất kỳ rủi ro gì trong việc tiếp nhận và xử lý nợ xấu nên chất lượng xử lý nợ xấu của họ là một dấu hỏi đối với các TCTD buộc phải hoán đổi nợ xấu cho họ; các TCTD về nguyên tắc có thể mang trái phiếu đặc biệt của VAMC đến chiết khấu tại NHNN nhưng lãi suất và tỷ lệ chiết khấu lại do NHNN quyết định, tạo ra một bất trắc lớn đối với các TCTD.
Ngoài ra, trong thời gian 5 năm “gán” nợ xấu cho VAMC, người ta hy vọng nền kinh tế và đặc biệt thị trường bất động sản sẽ khởi sắc để hấp thụ một lượng lớn tài sản thế chấp đa phần là bất động sản để VAMC hoặc bản thân các TCTD có thể xử lý được các tài sản thế chấp này với giá cao hơn. Nhưng thực tế cho thấy đợi chờ kiểu “mua thời gian” như thế này không khác gì sự đánh cược là bao nhiêu.
Nhưng hiện tại, nếu chạy theo đề xuất của một số người theo đó nhà nước cấp “tiền tươi thóc thật” cho VAMC để họ xử lý nợ xấu như ở các quốc gia khác thì cũng không kém phần phiêu lưu. Trở ngại cho mọi AMC nói chung và VAMC nói riêng vẫn là làm gì với các khoản nợ xấu tiếp nhận từ các TCTD?
Dù là mua bằng “tiền tươi” hay trái phiếu đặc biệt của mình thì VAMC đến lượt mình vẫn phải đau đầu tìm cách giải quyết số nợ xấu ôm vào này. Mặc dù luật lệ có quy định VAMC có thể làm với đống tài sản đó, nhưng thực tế hầu như chẳng có gì đáng kể xảy ra như thực tế con số nợ bán được nhỏ nhoi của VAMC đã cho thấy. Mà điều đáng nói là những khoản nợ đã bán được thường lại là những khoản nợ tốt nhất, dễ xử lý nhất trong số những khoản nợ xấu có trong tay. Đại bộ phận số nợ xấu phải xử lý vẫn còn đó, trong khi không có mấy khách hàng mới tìm đến. Bởi vậy, dù VAMC có đủ “tiền tươi” để mua nợ xấu nhưng điều này không có nghĩa là vấn đề nợ xấu sẽ được giải quyết xong một sớm một chiều.
Ngay cả lập luận cho rằng với “tiền tươi”, VAMC sẽ mua được nợ xấu, và theo quy định, có thể chuyển đổi khoản nợ xấu đã mua thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp phục hồi theo hướng tích cực rồi sau đó VAMC sẽ thu hồi được nợ, cũng không có mấy căn cứ. Vì VAMC hoặc chỉ đơn thuần là góp vốn chứ không tham gia quản trị, hoặc đơn thuần không được phép, cũng như không có đủ năng lực và nhân lực để tham gia quản trị doanh nghiệp để hy vọng doanh nghiệp sẽ tiến bộ hơn.
Một số người thì lại khuyến nghị trao quyền đặc biệt cho VAMC như trao cho họ quyền được bán tài sản thế chấp mà không cần phải có sự chấp thuận của bên đi vay, có cơ chế phù hợp trong định giá tài sản mang ra đấu giá v.v... Nhưng nếu vậy thì không chỉ VAMC mà bất kỳ công ty quản lý tài sản (AMC) hiện có nào (của các TCTD, hoặc của Bộ Tài chính) khi đã có những đặc quyền, những cơ chế này rồi thì đều hoàn toàn có thể xử lý nợ xấu một cách “ngon lành”. Vậy thì, về nguyên tắc, tại sao phải nhọc công tạo ra thêm một AMC “đầu Ngô mình Sở” để làm gì mà không, thay vào đó, tập trung vào khắc phục những trở ngại trong việc xử lý tài sản thế chấp như thế này và dọn đường cho các tổ chức xử lý nợ xấu hiện có phát huy tác dụng?
Tóm lại, có thể thấy rằng VAMC đã chót được thiết kế, lập ra và tung hô rồi thì cũng chỉ nên để nó phát huy tác dụng ở góc độ là góp phần làm sạch bảng cân đối tài sản của các TCTD trước mắt, trong ngắn hạn để giúp chúng trông trở nên lành mạnh hơn nhằm khai thông tín dụng cho nền kinh tế và giúp hệ thống ngân hàng hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài hơn.
Nếu cứ muốn hà hơi, tiếp sức để hy vọng VAMC giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu thì tốt nhất là hãy tạo ra một sân chơi chung, rộng hơn về quy mô và thông thoáng hơn về luật lệ với sự tham gia của các tổ chức AMC hiện thời hay sẽ thành lập từ nhiều nguồn lực khác mà không nhất thiết phải làm tổn hại đến ngân sách nhà nước. Trên hết, cần phải nhận thức được rằng Việt Nam cần phải tìm một giải pháp toàn diện, triệt để, và hữu hiệu hơn cho vấn đề nợ xấu, chứ không nên đơn thuần quan niệm rằng thành lập VAMC là điều kiện cần và đủ để giải quyết vấn đề này, hoặc đặt quá nhiều hy vọng vào VAMC trong việc giải quyết nợ xấu.
>> TS. Lê Xuân Nghĩa: Xử lý nợ xấu cần có nguồn tiền thực sự mạnh
Theo Phan Minh Ngọc