Xuất khẩu giấy Việt Nam: Chủ yếu sống bằng vàng mã
Ngày 17.12, TS Vũ Ngọc Bảo, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu 70.000 - 80.000 tấn giấy vàng mã, chủ yếu sang thị trường Đài Loan.
- 22-09-2013Ngành giấy: Tìm thế cân bằng
- 28-06-2013Đầu tư ngành giấy: Không thể đủng đỉnh
- 28-09-2009Ngành giấy: Tìm giải pháp khắc phục thua lỗ
Theo TS Bảo, Đài Loan cũng là thị trường tiêu thụ giấy vàng mã lớn nhất thế giới, được cung cấp chính từ hai quốc gia Việt Nam và Indonesia.
|
“Xuất khẩu giấy của Việt Nam hiện chủ yếu là giấy vàng mã, sản phẩm vừa có giá rẻ nhất, chất lượng kém nhất và gây ô nhiễm khủng khiếp nhất”, ông Bảo cho biết.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp (DN) giấy nội địa, đây là giải pháp tình thế mà DN bắt buộc phải làm, bởi trong tình hình khó khăn, làm vàng mã giúp DN giải quyết việc làm cho công nhân và duy trì hoạt động công ty.
Song theo quan điểm của ông Bảo, giải pháp tình thế này chỉ tổ làm tụt hậu ngành công nghiệp giấy. Đó là chưa tính tới khi thị trường này giảm nhu cầu, việc trở tay làm hàng cao cấp hơn cũng gây khó khăn cho DN.
Ông Bảo nhấn mạnh, DN nội địa cần có cái nhìn dài hạn hơn, đặc biệt sắp tới, Việt Nam chuẩn bị gia nhập Hiệp định Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“Chúng ta không thể ủng hộ một sản phẩm gây ô nhiễm môi trường và đi ngược xu hướng phát triển của thế giới được”, ông Bảo nói.
Thống kê từ VPPA cho thấy, nhu cầu tiêu thụ giấy của người Việt mới bằng một nửa so với nhu cầu trung bình của thế giới và bằng 1/10 so với người Mỹ.
VPPA cho biết, một người Việt hiện đang tiêu thụ trung bình 32 ký giấy/năm, thấp hơn một nửa so với nhu cầu thế giới. Thế nên, nếu giảm hoặc bỏ hẳn sản xuất vàng mã, theo ông Bảo, DN vẫn có thể làm hàng phục vụ nhu cầu đang tăng của người dân trong nước.
Vấn đề là tìm hiểu để làm đúng sản phẩm phục vụ nhu cầu trước áp lực cạnh tranh với đối thủ ngoại, đây cũng là thách thức không nhỏ cho DN nội địa trong ngành.
Theo Nguyên Nga