Thi tuyển lãnh đạo: Hà Nội chưa mấy kinh nghiệm
Dù Hà Nội đã thực hiện thi tuyển 1 lần nhưng Phó bí thư Thành ủy HN cho rằng, nếu nói đến kinh nghiệm thì TP chưa làm được nhiều, đó mới là lần thử nghiệm.
- 29-06-2017Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo giúp khắc phục nhiều bất cập
- 26-06-2017Bộ trưởng Nội vụ: Thi tuyển lãnh đạo mở cho cả người ngoài quy hoạch
- 19-06-2017Thí điểm thi tuyển lãnh đạo vụ, sở ở 14 bộ ngành, 22 tỉnh thành
- 02-07-2015Vì sao sẽ tạm dừng thí điểm thi tuyển lãnh đạo?
Dân chủ hóa công tác cán bộ Chọn cán bộ phải dựa vào dân Cán bộ không phải là 'cái đinh ốc'
Mới đây, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đề án thí điểm đổi mới tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng ở 14 bộ ngành TƯ và 22 địa phương, trong đó có TP Hà Nội.
Trước đề án này, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, hiện TP chưa có chủ trương chính thức, việc này phải căn cứ tình hình thực tế để tính rồi mới có chủ trương cụ thể.
Ông Toàn chia sẻ, Hà Nội từng thi tuyển cấp giám đốc sở ở Sở Quy hoạch - Kiến trúc từ nhiệm kỳ trước bằng hình thức 2 trường hợp thi tuyển xây dựng 2 đề án rồi chấm điểm, lựa chọn.
"Làm hay không phải căn cứ vào tình hình thực tế nhu cầu, yêu cầu của công việc vì đây chưa phải là chủ trương tiến hành ở tất cả các nơi, các sở. Nơi nào thấy điều kiện, việc làm tốt và có hiệu quả thì ta tính", Phó bí thư nói.
Dù Hà Nội đã thực hiện thi tuyển 1 lần trước đó nhưng theo ông Toàn, nếu nói đến kinh nghiệm thì chưa có nhiều, đó mới là lần thử nghiệm.
Ông cho hay, cái đích của việc thi tuyển là chọn ra được người giỏi, người xứng đáng. Muốn chọn những người này phải có nhiều yếu tố tổng hợp lại.
"Thi tuyển cũng là 1 giải pháp thôi, không phải là duy nhất. Lựa chọn cán bộ phải nhiều nguồn thông tin, quá trình lựa chọn, đào tạo, tuyển dụng, đặc biệt qua hiệu quả công việc, đó là gốc để lựa chọn cán bộ", ông Toàn nêu quan điểm.
Đặt câu hỏi Hà Nội rất nhiều người tài, trong quá trình thi tuyển chọn người giỏi nhất trong những người giỏi thì liệu TP có gặp khó khăn gì, Phó bí thư Thành ủy cho rằng, người tài thì ở đơn vị, tỉnh nào cũng có, không phải chỉ riêng Hà Nội.
Theo ông, người tài hay không do thực tiễn công việc trả lời, do quá trình rèn luyện, phấn đấu và hiệu quả thực tế công việc mới đánh giá được, không nói tài chung chung được.
Phó bí thư Thành ủy cũng cho hay, Hà Nội có thể nghiên cứu, tham khảo những kinh nghiệm hay của các nơi đã thực hiện thi tuyển trước đó.
"Còn việc tham khảo, áp dụng vào đâu thì phụ thuộc vào từng đơn vị có khả năng thực hiện được hay không, chứ không phải mình làm một cách máy móc", ông Toàn nói.
Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Trương Hải Long (Bộ Nội vụ) cho biết, đề án thí điểm chính là giải pháp khắc phục những bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay.
Để thu hút thêm nguồn cán bộ chất lượng cao, đề án đã mở rộng ra cả các đối tượng nằm ngoài quy hoạch hoặc đối tượng chưa phải đảng viên.
Tuy nhiên, những đối tượng này không có quyền tự ứng cử mà cơ quan có thẩm quyền quản lý chức danh bổ nhiệm được quyền đề cử thêm những đối tượng nằm ngoài quy hoạch hoặc đối tượng chưa phải đảng viên. Đây là chủ trương đổi mới của Đảng trong công tác cán bộ.
Vietnamnet