Thi tuyển quốc tế phương án xây công trình vượt sông Hàn: Liệu có thực thi?
Hiện đang có những ý kiến băn khoăn liệu cuộc thi tuyển quốc tế phương án xây dựng công trình giao thông vượt sông Hàn có thực sự là để lựa chọn phương án thiết kế tối ưu, phù hợp quy hoạch chung và yêu cầu phát triển của TP Đà Nẵng?
- 03-07-2016Lật tàu trên sông Hàn, Đà Nẵng cách chức giám đốc cảng vụ
- 20-06-2016Sở GTVT Đà Nẵng trả lời việc xây dựng hầm đường bộ qua sông Hàn
- 15-06-2016Đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng xây hầm qua sông Hàn
Nếu thi không phải để thi, Đà Nẵng sẽ mất uy tín!
Như tin đã đưa, việc lãnh đạo Đà Nẵng giao các sở, ngành hữu quan tổ chức thi tuyển quốc tế phương án xây dựng công trình giao thông vượt sông Hàn, lựa chọn phương án tối ưu báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, cho ý kiến ngay trong quý 3/2016 đang làm dấy lên nhiều quan ngại vì thời gian quá ngắn, gấp rút khiến chất lượng cuộc thi khó được như mong muốn.
Cuộc thi chọn phương án kiến trúc “Biểu tượng du thuyền Đà Nẵng” hồi tháng 4/2014 đã chấm chọn phương án đạt giải nhất nhưng cuối cùng người ta lại dựng lên biểu tượng cá chép hóa rồng khiến TP mang tiếng sao chép biểu tượng Sư tử biển Merlion của Singapore! (Ảnh: HC)
Bên cạnh đó, sự công bằng cũng là vấn đề đặt ra với cuộc thi này nếu Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC - thuộc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT – Bộ GTVT) cũng dự thi. Bởi đơn vị này có hơn các đơn vị khác tới 6 tháng chuẩn bị, chưa kể không đơn vị nào được như họ là đã qua hai lần báo cáo phương án với UBND TP Đà Nẵng và đã nhận được sự phản biện của các nhà chuyên môn.
Không những thế, từng tham gia Ban giám khảo nhiều cuộc thi thiết kế, kiến trúc ở Đà Nẵng, KTS Phan Đức Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP xác nhận có những lúc người ta sử dụng các cuộc thi chỉ để làm hình thức, như cuộc thi chọn phương án kiến trúc “Biểu tượng du thuyền Đà Nẵng” ở chỗ Marina DHC.
“Tôi là thành viên BGK cuộc thi đó và lúc đó BGK đã chấm chọn phương án đạt giải nhất, không ngờ khi thực hiện người ta lại dựng lên biểu tượng cá chép hóa rồng khiến TP mang tiếng sao chép biểu tượng Sư tử biển Merlion của Singapore. Lý lẽ họ đưa ra là ý tưởng hay nhưng vô dự án thì không khả thi, kỹ thuật phức tạp và nói chung là họ có nhiều lý lẽ để bác cái đã được chọn!” – KTS Phan Đức Hải nói.
Từ những vấn đề trên, đối chiếu với những bất cập của cuộc thi tuyển quốc tế phương án xây dựng công trình giao thông vượt sông Hàn sắp được Đà Nẵng tổ chức, đã có những ý kiến băn khoăn liệu cuộc thi có thực sự khách quan? Bởi như Infonet đã đưa tin, sau khi BRITEC báo cáo lần đầu ngày 22/12/2015, UBND TP Đà Nẵng đã cơ bản thống nhất với phương án xây hầm qua sông Hàn do đơn vị này đề xuất.
Sau khi Sở GTVT báo cáo ngày 8/1/2016, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng cho chủ trương xây hầm qua sông Hàn. Đến ngày 15/6, sau khi BRITEC báo cáo lần 2, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục thống nhất phương án xây hầm qua sông Hàn. Ngày 18/6, Sở GTVT Đà Nẵng có văn bản giải thích việc lựa chọn phương án xây hầm và khẳng định Sở này cùng Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng... bác bỏ phương án xây cầu qua sông Hàn.
Điều đó khiến nhiều người đặt vấn đề: Dù có tổ chức thi tuyển quốc tế chăng nữa thì Đà Nẵng cũng đã “mặc định” sẽ xây hầm qua sông Hàn theo phương án do BRITEC đề xuất? “Nếu có điều đó thì người trong cuộc sẽ thấy rất rõ. Để có các đơn vị tư vấn uy tín dự thi thì BCT phải mời chứ không phải tự nhiên mà họ tham gia. Các đơn vị đó vào không phải dự thi liền mà họ phải nghiên cứu, nếu cảm thấy việc tổ chức thi không công bằng, khách quan, thi không phải để thi thì họ sẽ rút lui thôi. Họ thì hụt hẫng, còn TP sẽ mất uy tín!” – KTS Phan Đức Hải nói.
Không xây hầm hay cầu vẫn có thể giải quyết được vấn đề?
Ngoài ra, bên cạnh hai luồng ý kiến đề nghị xây hầm và xây cầu qua sông Hàn như đã nêu, còn có luồng ý kiến thứ ba đề nghị trước mắt chưa nên xây thêm công trình giao thông qua sông Hàn mà dành kinh phí đó cho các công trình cấp thiết hơn, như đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu để đưa cảng Tiên Sa trở thành cảng du lịch, giảm TNGT, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị trên tuyến đường huyết mạch Ngô Quyền...
Thay vào việc xây dựng công trình vượt sông Hàn, nên tổ chức lại giao thông để giải quyết tình trạng ùn tắc cục bộ ở đầu cầu Rồng, cầu Sông Hàn; nâng tải trọng cầu Thuận Phước để góp phần tạo động lực phát triển KT-XH cho khu vực phía Bắc quận Sơn Trà... Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, tác giả mô hình đầu rồng của cầu Rồng cho rằng xây thêm công trình qua sông Hàn ở nút giao thông Đống Đa- Trần Phú – 3/2 cũng đồng nghĩa với “bức tử” cầu Thuận Phước, sẽ không còn ai qua lại cây cầu này nữa. Và đó là sẽ một sự lãng phí ghê gớm.
Theo ông, với kỹ thuật hiện đại hiện nay, hoàn toàn có thể “giải cứu” cầu Thuận Phước thành cây cầu cho xe tải trọng lớn hơn có thể lưu thông, như thế sẽ tăng khả năng kết nối giữa hai bờ sông Hàn ở khu vực này. Từng là Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH-KT Đà Nẵng (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cũng xác nhận trình độ kỹ thuật, công nghệ hiện nay hoàn toàn đủ sức nâng tải trọng cầu Thuận Phước, ít tốn kém hơn nhiều so với xây một công trình giao thông mới qua sông Hàn.
Ông Văn Hữu Chiến và ông Phan Đức Hải đều cho rằng, ùn tắc giao thông thực ra chỉ xảy ra ở các nút giao đầu cầu Sông Hàn, cầu Rồng và cục bộ ở một số thời điểm chứ không phải suốt cả ngày. Tập trung giải quyết các điểm này bằng hầm chui, tổ chức giao thông... sẽ hiệu quả, tiết kiệm hơn nhiều, nhất là khi chưa có nghiên cứu nào đưa ra luận chứng, luận cứ cụ thể, rõ ràng, có sức thuyết phục cho thấy việc xây dựng thêm hầm hoặc cầu qua sông Hàn bức thiết đến đâu, sẽ giải quyết được bài toán gì trong khi công trình này lại không có trong quy hoạch điều chỉnh phát triển KT-XH Đà Nẵng mới được Thủ tướng phê duyệt chừng 2 năm.
Nên thi chọn ý tưởng trước khi thi tuyển phương án cụ thể
Trong bối cảnh đó, một số ý kiến cho rằng nếu chỉ tổ chức thi tuyển phương án xây dựng công trình giao thông qua sông Hàn thì vô hình trung Đà Nẵng đã gạt qua một bên những đề xuất về việc chưa nên vội thực hiện công trình này để tránh lặp lại tình trạng có những cây cầu qua sông Hàn chủ yếu để “nhìn” hơn là kết nối giao thông đa chức năng. Và như vậy sẽ có nguy cơ sau vài năm xây dựng, người ta lại “phát hiện” vẫn còn những cách giải quyết khác khả thi hơn, hiệu quả hơn. Khi đó thì đã muộn!
Do vậy, KTS Phan Đức Hải đề nghị trước khi tổ chức thi tuyển phương án xây cầu hay hầm qua sông Hàn, Đà Nẵng nên tổ chức cuộc thi ý tưởng giải quyết các vấn đề mà Ban Thường vụ Thành ủy đã đặt ra là “kết nối lưu thông hai bờ sông Hàn, chủ động dự báo và giải quyết vấn đề giao thông đô thị TP trong những năm đến, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực phía Bắc quận Sơn Trà”.
Ý tưởng dự thi có thể là cần xây thêm cầu, cũng có thể cần xây thêm hầm, cũng có thể không cần, hoặc trong 5 – 10 năm tới chưa cần xây thêm gì cả mà vẫn giải được các bài toán đã đặt ra, để dành nguồn lực cho những nhiệm vụ khác cấp thiết hơn. Trên có sở lựa chọn được ý tưởng khả thi, hiệu quả và có sức thuyết phục nhất, Đà Nẵng hãy tổ chức thi tuyển phương án cụ thể để triển khai ý tưởng đó thành hiện thực.
Ông Văn Hữu Chiến cũng hoàn toàn ủng hộ ý kiến này và cho rằng nếu tổ chức như thế sẽ không có luồng ý kiến đề xuất nào bị bỏ qua, còn Đà Nẵng lại có cơ hội lựa chọn được phương án tốt nhất cho lâu dài đối với một công trình đây rất quan trọng, thi công phức tạp, tổng mức đầu tư lớn vì lưu vực sông Hàn ở khu vực này rộng trong khi lại đang có nhiều ý kiến trái chiều.