Thi vào cấp 2 CHẤT LƯỢNG CAO - Nên đi học ôn từ lớp mấy: Đây là kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm giảng dạy của thầy giáo ở Hà Nội
Người đi sau vẫn có thể vượt lên, vẫn có thể về đích sớm nếu có chiến lược, chiến thuật hợp lý.
- 03-01-2022Gặp thí sinh đầu tiên lọt vào CK năm Olympia 22: Lên Hà Nội thi chỉ mang 2 bộ quần áo, gặp chuyện cực hài vì trùng tên với ông trùm cafe
- 21-10-2021Mổ bụng gà thấy gan có dấu hiệu lạ, người dùng Tiktok thi nhau vào phỏng đoán gà bị ung thư gan rồi mắc Covid-19, chuyên gia chỉ ra căn bệnh không ngờ
Thi vào cấp 2 CHẤT LƯỢNG CAO - Nên đi học ôn từ lớp mấy? Đây là câu hỏi mà đa số các bậc phụ huynh đều quan tâm. Trên thực tế, nếu có nguyện vọng cho con vào các trường điểm, trường chất lượng cao thì việc để "nước tới chân mới nhảy" rất dễ khiến con không theo kịp.
Bỏ qua các trường hợp "con không học ở đâu vẫn thi đỗ" hay "con chỉ ôn thi trước 1-2 tháng vẫn thi đỗ" vì "hoặc là không thực tế, hoặc là có thật nhưng không mang tính đại chúng", thầy Trần Nhật Minh, tác giả sách "Các dạng bài và đề ôn thi vào lớp 6 CLC" đưa ra ý kiến (trong phạm vi môn Toán) dựa trên kinh nghiệm thực tế qua nhiều năm dạy cho hs lứa tuổi tiểu học:
Thầy Trần Nhật Minh.
Nên ôn thi từ lúc nào?
1. Từ lớp 2, lớp 3:
Đây là giai đoạn các con đang bắt đầu hoàn thiện các kỹ năng, thao tác cơ bản và bố mẹ hoàn toàn có thể tự kèm con. Kiến thức lớp 2, lớp 3 chưa có gì khó nhưng đây lại là bước đệm để bắt nhịp vào lớp 4. Nếu ngay từ lúc này, các con được xây dựng phương pháp, thói quen học tập tốt thì sẽ rất thuận lợi cho việc tiếp tục ở năm bản lề lớp 4.
Với những học sinh có năng khiếu, tố chất, đặt mục tiêu vào các trường hàng đầu như Amsterdam, bố mẹ có thể cho con học từ thời điểm này để có thêm cơ hội và môi trường phát triển bản thân tốt nhất.
2. Học thêm từ lớp 4:
Có thể nói, lớp 4 là "mốc vàng" cho việc ôn thi của các cháu tiểu học. Đây là năm tập trung hầu hết các dạng bài quan trọng nhất và mọi đề thi vào cấp 2 đều chiếm từ 60% kiến thức lớp 4. Bỏ qua năm lớp 4 sẽ là hết sức gian nan ở năm lớp 5 vì dù lớp 5 là năm cuối cấp nhưng gần như các dạng bài ở lớp 5 đều mang tính chất kế thừa ở lớp 4.
Dù con có mục tiêu thi trường nào, hay đơn giản chỉ là muốn có 1 nền tảng vững chắc, hãy học tập thật cẩn thận ở năm học này.
3. Học thêm từ lớp 5:
Nếu học sinh đã lỡ mất năm lớp 4 và mới bắt đầu thực sự chinh chiến ở năm lớp 5, đó chắc chắn là một bất lợi. Việc lên lớp 5 mới đi ôn, sẽ không sớm, nhưng cũng chưa phải là quá muộn. Nếu như kiến thức cơ bản từ lớp 4 của học sinh tương đối ổn, và có 1 lộ trình học tập rõ ràng, nghiêm túc, mục tiêu vừa sức thì vẫn có thể nghĩ tới một kết quả tích cực.
Điều thầy cô lo lắng nhất là học sinh yếu hoặc mất căn bản toán 4, lúc này sẽ là một hành trình vô cùng nan giải và rất có thể học sinh sẽ phải hạn chế lại nhiều về mặt mục tiêu thi cử (vì lúc này cơ hội thi vào các trường cỡ như Ams, Ngoại ngữ ... là gần như rất hẹp).
Con đi ôn thi muộn, cần lưu ý những điều gì?
Thời gian gần đây, rất nhiều phụ huynh đang có con học lớp 5 mới bắt đầu đi tìm lớp học để ôn thi vào lớp 6 các trường CLC. Đa phần các bố mẹ đều chung 1 cảm giác hoang mang, chưa biết định hướng thế nào cho đúng.
Ai cũng biết đã thi cử thì cần xác định từ sớm, và có 1 lộ trình rõ ràng, đầy đủ. Nhưng thời gian đã qua không thể lấy lại, và lo lắng không giải quyết được điều gì, vậy nên làm gì nếu con lỡ đi ôn thi muộn hơn?
1. Xây dựng lộ trình học tập rút gọn: Do không có đủ thời gian để đi sâu một cách bài bản vào từng dạng bài thi, nên các bạn đi ôn muộn bắt buộc phải học theo kiểu cuốn chiếu, tức là chỉ học tập trung vào những nội dung cần thiết nhất, có tỉ trọng trong đề thi nhiều nhất, chấp nhận lướt hoặc thậm chí bỏ hẳn một số phần.
Các dạng bài, chuyên đề thì rất nhiều, để biết cần học gì, bỏ gì, chọn lọc dạng bài ra sao, cần có 1 thầy cô đủ chuyên môn và kinh nghiệm hoặc phụ huynh có thể tự nghiên cứu đề thi để hướng dẫn cho con.
2. Vừa học vừa vá lấp lỗ hổng kiến thức: Do đi học muộn nên các con sẽ không có được 1 hệ thống kiến thức hoàn chỉnh, nhưng giờ nếu học lại hoặc cứ lo lắng về việc mình đang yếu dạng bài nào thì rất mất thời gian.
Tốt hơn là hãy cứ học tiếp theo chương trình ôn thi hiện tại, trong quá trình học những dạng mới sẽ có những phần kiến thức liên quan đến dạng cũ, lúc này, nếu thấy đang lung lay, chưa chắc phần nào thì bổ sung ngay phần đó để cố gắng nắm được nội dung kiến thức đang học lúc này.
3. Hãy thoải mái và giữ tâm lý bình tĩnh: Nhiều bố mẹ thấy con gặp khó, chưa hiểu bài là bắt đầu sôi sùng sục. Khi đi ôn muộn, tức là anh chị phải xác định con đang ở vị trí của người đi sau so với các bạn đã được ôn từ trước. Tất nhiên người đi sau sẽ không bao giờ đuổi kịp người đi trước nếu bước vào chặng đua với sự sốt ruột, nóng vội, lo lắng.
Mất bình tĩnh, mau nản chí chính là nguyên nhân lớn nhất khiến các con càng ngày càng bị tụt lại. Thay vì như vậy, cứ nỗ lực, quyết tâm, học như không còn gì để mất để vượt lên, cho dù không phải là vượt lên đối thủ thì cũng là vượt lên so với chính bản thân mình.
4. Xác định mục tiêu thật vừa sức, thậm chí chấp nhận "lùi 1 bước": Đây là lúc phụ huynh cần phải thực tế, cân nhắc mọi thứ dựa trên năng lực của con và trên định hướng của thầy cô (nếu có) chứ không nên lựa chọn chỉ dựa vào cảm tính.
Có thể con rất yêu thích Ams, nhưng nếu Ams đang dần trở nên phiêu lưu, quá sức, tại sao lại ta không nghĩ tới những mục tiêu khác đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn, sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn mà nếu thi đỗ, có khi lại rất phù hợp và vừa vặn với con thì sao.
5. Hãy tin là thành công sẽ đến: Người đi sau vẫn có thể vượt lên, vẫn có thể về đích sớm nếu có chiến lược, chiến thuật hợp lý. Thực tế, vẫn có những bạn dù chỉ ôn thi trong 1 thời gian ngắn mà vẫn đỗ được vào 1 trường tốt, và điểm chung của tất cả các bạn này chính là không bao giờ thiếu lòng tin và sự quyết tâm.
Cũng giống như trong bóng đá, bàn thắng và chiến thắng nhiều khi chỉ đến ở những phút bù giờ; vậy nên sẽ không có gì là không thể xảy ra với những người luôn muốn tiến lên. Khi chúng ta nỗ lực đến cuối cùng, dù có thể sẽ không chiến thắng về mặt kết quả, thì ta vẫn sẽ chiến thắng ở nhiều khía cạnh tích cực khác.
Nhịp sống Việt