Thi vào trường chất lượng cao có cần đi học thêm không? Câu trả lời từ mẹ Hà Nội có con đỗ 3 trường
'Quan trọng là đồng hành, định hướng đúng cho con, truyền cảm hứng cho con để con theo các định hướng đó một cách tự nguyện và đầy quyết tâm', chị Hoài Anh chia sẻ.
- 25-08-2023Chiêu thức “móc tiền” tinh vi: Không gửi link, không mã QR, lúc cảnh sát tìm tới, nạn nhân mới biết mình bị lừa
- 25-08-2023Người đàn ông đỗ trường danh tiếng, đi du học về rồi thành người vô gia cư 14 năm: Lý do thất bại đáng suy ngẫm
- 25-08-2023Ngân hàng “xóa nhầm” một số 0 khiến khách hàng “thất thoát” hơn 160 triệu đồng: Sau 4 năm bị tòa gửi giấy triệu tập
Từ nhiều năm nay, tại Hà Nội, tuyển sinh lớp 6 luôn "nóng" ở các trường Chất lượng cao (CLC)... Ngoài thành tích 5 năm tiểu học từ hoàn thành đến xuất sắc, các em học sinh phải tham dự kỳ thi đánh giá năng lực với tỷ lệ chọi luôn cao ngất ngưởng.
Có con gái là Hà Phương năm nay vừa thi đỗ 3 trường CLC (THCS Ngoại ngữ, THCS Cầu Giấy, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành), từ kinh nghiệm của bản thân, chị Hoài Anh (Hà Nội) cho rằng, việc bố mẹ đồng hành sát sao cùng con là vô cùng cần thiết. Trong đó, việc chọn lựa thời điểm để con ôn luyện cũng đóng vai trò quan trọng.
Con chị Hoài Anh những năm tiểu học không đi học thêm, chỉ học trên lớp nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc với học bạ toàn điểm 10. Ngoài ra em rất ham đọc sách, 11 tuổi nhưng khối lượng sách đọc rất nhiều nên có kiến thức nền phong phú.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, bà mẹ này vẫn quyết định cho con đi ôn luyện để thi vào các trường CLC. Theo chị Anh, các bài thi dù được xây dựng trên nguyên tắc bám sát chương trình tiểu học, xoay quanh các kiến thức trọng tâm ở năm lớp 4 và lớp 5, nhưng có những câu hỏi vận dụng mức cao để phân hóa học sinh nhằm đạt được mục đích tuyển lọc.
Ví dụ cùng 1 bài Toán, ở trường đã có tới 5 dữ kiện, các con chỉ cần tìm 1 bước nữa là hoàn thành bài nhưng khi thi, đề bài chỉ còn lại 2-3 dữ kiện. Thế nên trừ khi con cực kỳ xuất sắc, còn không phải ôn luyện đúng hướng mới có cơ hội “vượt vũ môn” thành công", chị nói.
Dù vậy, bà mẹ này cũng khẳng định, quan trọng nhất vẫn dựa trên sự cố gắng nỗ lực của con cũng như việc đồng hành và sát sao của gia đình; còn thầy cô chỉ là người dẫn đường, tạo điều kiện để quá trình ôn thi của con hiệu quả hơn. Lựa chọn ôn luyện ra sao cũng phụ thuộc vào quan điểm và mục đích của mỗi gia đình, có thể theo thầy cô hoặc tự học ở nhà, nhưng nhất định phải dành thời gian ôn tập nâng cao.
Suýt "ôm hận" vì lơ là trong việc ôn luyện tiếng Việt
Không cho con học thêm cùng lúc, chị Hoài Anh chọn những thời điểm khác nhau cho từng môn học.
Với môn Toán: Chị cho con làm bài test (kiểm tra) đầu vào ở một trung tâm, sau đó từ tháng 7/2022, con bắt đầu học 1 buổi/1 tuần với trình độ lớp A3. Qua từng tháng học, kiến thức thiếu hụt của con được bổ sung, kiến thức mới con được tiếp cận một cách trình tự bài bản nên con tiến bộ dần dần. Thi vào trường Nguyễn Tất Thành con được 8,25 môn Toán. Đó là sự nỗ lực của con cùng hành trình kèm cặp của các cô giáo cũng như cô trợ giảng của trung tâm.
Với môn tiếng Anh: Là môn thế mạnh của con chị Anh. Các kỹ năng nghe hiểu đọc viết của con đều ổn nên chị không quá lo lắng, chỉ đến khoảng tháng 3/2023 mới cho theo học lớp online. Điểm thi tiếng Anh Nguyễn Tất Thành của con được 10 điểm.
Với môn tiếng Việt: Đây là môn chị chủ quan có phần hơi “coi nhẹ” do nghĩ kiến thức không có gì quá đánh đố, thế nên sau Tết chị mới tìm lớp cho con. Theo chị Anh, đây là suy nghĩ khá sai lầm, nếu được làm lại chị sẽ cho con đi học cùng thời điểm với môn Toán. Như thế con sẽ đỡ khó chịu hơn do không bị đưa vào tình thế “cấp tốc”.
Ban đầu chị cho cho học ở một trung tâm được nhiều người giới thiệu nhưng con vào muộn, không có test đầu vào phân lớp, phải “bập” vào học luôn với các bạn đã học cả năm trời. Vốn đã không mặn mà với môn học này nên con bị "khớp" và càng thấy chán nản hơn.
Hà Phương mê đọc sách. Khối lượng sách em đọc đến nay được mẹ gọi vui là “kinh khủng”
Nhận thấy cách làm việc của trung tâm cũng không phù hợp với gia đình nên cuối cùng, chị Anh đành cho nghỉ. Sau đó chị may mắn tìm được 2 cô giáo, tuy học online nhưng kết quả ngoài mong đợi.
Chị Anh cho biết, thông thường con sẽ được cô cho 3 đề văn, 1 tuần con cứ viết ra và cuối tuần cô dành 30 phút để chữa cùng con, chỉ cho con sai đúng ở đâu và hướng dẫn các keyword cần thiết để con viết được.
Từ 1 học sinh nhìn thấy đề văn miêu tả/cảm thụ là không thể đặt bút xuống viết được, chỉ sau 15 đề văn và khoảng 7 buổi từ ngữ ngữ pháp + viết văn học cùng hai cô, con chị Anh đã đạt 8,25 điểm tiếng Việt của trường Nguyễn Tất Thành, không còn thấy chán khi viết Văn nữa.
Chị Hoài Anh nhận định, nếu không cho ôn luyện kịp thời, kết quả thi vào lớp 6 CLC của con có thể không được như hiện tại. Nếu có học lực tốt (được đánh giá qua thầy cô hoặc các bài test uy tín) thì các em có thể bắt đầu ôn luyện vào năm cuối. Còn không thì thời điểm tốt nhất sẽ là hè từ lớp 3 lên 4. Lúc đó con đủ "cứng cáp" để hiểu và giải quyết được vấn đề: Nếu mình muốn đỗ trường CLC thì mình cần phải học.
Tuy nhiên, bà mẹ này lưu ý, mỗi em học sinh có một tính cách và khả năng tiếp thu khác nhau, nên không phải cứ con người khác học hiệu quả là con mình cũng như thế. Thầy cô giỏi quan trọng nhưng quan trọng hơn nữa là phải phù hợp. Nếu chọn đúng thầy cô con thích thì hiệu quả sẽ cao hơn mà việc học của con cũng nhẹ nhàng, đỡ áp lực hơn.
Ôn thi cũng không phải riêng việc của con mà cha mẹ cũng cần phải theo sát. Có gì thay đổi cần phải tương tác trực tiếp với giáo viên để tìm ra phương án giải quyết kịp thời.
Ngoài ra, đừng chăm chăm bắt con suốt ngày học và học mà nên sắp xếp khoảng thời gian giải trí cho con. Lúc đó, con sẽ được làm những thứ mình thích như đọc truyện tranh, nghe nhạc, xem giải trí để thư giãn đầu óc.
Cha mẹ cũng đừng quá tạo áp lực. Sự động viên, cổ vũ sẽ tốt hơn la hét, quát mắng. Tâm niệm, dù đỗ hay không thì con vẫn có những lựa chọn khác. Và dù học ở đâu, nếu con thực sự cố gắng vẫn có thể đạt được những mục tiêu mong muốn. Quan trọng là đồng hành, định hướng đúng cho con, truyền cảm hứng cho con để con theo các định hướng đó một cách tự nguyện và đầy quyết tâm.
Bên cạnh đó, việc đỗ hay không đôi khi cũng còn phụ thuộc một phần vào may mắn. "Như bạn nhà mình, điểm thi Toán Nguyễn Tất Thành cao dù con đánh giá đề khó hơn THCS Cầu Cầu Giấy, nên với THCS Cầu Giấy con phải đợi tới hạ điểm xuống 58 mới đỗ vào trường", chị Anh chia sẻ.
Phụ nữ số