MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết nghề môi giới BĐS] Góc nhìn về nghề môi giới bất động sản của một sinh viên

06-02-2019 - 08:58 AM | Bất động sản

Nghề môi giới bất động sản: dễ đi nhưng khó đến" quả thật không sai chút nào. Bởi vì ngày nay các sàn giao dịch bất động sản mở ra khá nhiều và tạo rất nhiều cơ hội việc làm cho nhân viên, tuy nhiên không phải ai vào nghề cũng sẽ làm tốt và thành công cả.

LTS: Tôi rất vui và phấn khởi khi biết đến cuộc thi viết về " Nghề môi giới Bất Động Sản: Dễ đi nhưng khó đến" để bản thân tôi có cơ hội giãi bày những suy nghĩ và quan điểm cá nhân về cái nghề được xem là "hot" nhất hiện nay.

Tôi mới chỉ là sinh viên năm nhất và cũng chưa có nhiều kiến thức về mảng kinh doanh này. Tuy nhiên thật sự mà nói thì tôi khá thích thú và đam mê bất động sản nên tôi cũng tự tìm tòi và học hỏi một vài thứ liên quan đến nó. Vì vậy bài viết này của tôi có lẽ chỉ là quan điểm cá nhân và góc nhìn về một khía cạnh nào đó của vấn đề mà thôi.'

Đó là chia sẻ của bạn Dương Nhật Lệ tại Hà Nội. Quý độc giả có thể gửi bài viết của mình về địa chỉ email: batdongsan@cafef.vn

*******************************

Thật ra thì lúc trước tôi chưa hề nghe ai nói đến năm từ "môi giới bất động sản", có chăng chỉ biết đến đó là "cò đất" và cái nghề mà ai cũng có thể làm được mà không cần bằng cấp hay kiến thức gì cả nhưng lại hái ra nhiều tiền và đem lại mức thu nhập cao. Với cái nghề mà ai cũng có thể làm được đồng nghĩa với việc không phân biệt được ai là người tốt, ai là kẻ xấu; ai có kiến thức chuyên môn và ai không có.

Vì thế cho nên rất nhiều vụ lừa đảo xảy ra với danh "cò đất" lại càng trở nên xấu hơn trong mắt người dân. Với nhiều chiêu trò và các âm mưu lừa đảo không thể lường trước được, bằng mọi cách để "cò đất" có thể tiếp cận được khách hàng để chốt được hợp đồng mà không cần biết những gì họ làm có ảnh hưởng như thế nào tới khách hàng hay không?

Họ sẵn sàng giới thiệu dự án này nhưng cho khách hàng xem chỗ khác, họ vẽ ra các tiện ích quy hoạch, họ phối hợp tạo hiệu ứng đám đông... họ chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, chỉ biết thu lợi nhuận về mà làm việc bất chấp, làm việc không có tâm trong sạch khiến cho rất nhiều người rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" với đám cò đất.

[Thi viết nghề môi giới BĐS] Góc nhìn về nghề môi giới bất động sản của một sinh viên - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa về nghề "cò đất" mà ai cũng có thể làm được.

Còn ngày nay, nghề môi giới bất động sản không phải ai cũng làm được và ai cũng có thể chốt thành công các dự án mà cần phải có kiến thức chuyên môn và kĩ năng thuyết phục khách hàng thì mới tạo được sự tin tưởng, mang niềm tin đến cho khách hàng. Một khách hàng quyết định mua căn hộ hay biệt thự không chỉ vì sự uy tín, chất lượng của dự án, mà còn nằm phần nhiều ở khả năng nói chuyện và thuyết phục của nhân viên môi giới.

Có nhiều trường hợp các nhân viên sale rất nhiệt tình, năng nổ, chăm chỉ nhưng đến khi chốt sale thì lại thất bại. Vì sao? Thứ nhất, nhân viên chưa truyền đạt hết các thông tin cần thiết mà khách hàng mong muốn. Thứ hai, họ chưa trình bày rõ để khách hàng nắm được độ "hot" và sức hấp dẫn của sản phẩm mình mang đến.

Thứ ba, nhân viên không có khả năng giao tiếp, nói chuyện và thuyết phục khách hàng một cách tuyệt đối, dẫn đến khách hàng vẫn còn phân vân, đắn đo, nửa tin nửa ngờ về việc lựa chọn sản phẩm. Thứ tư, đây là trường hợp khá phổ biến, những nhân viên khi gần chốt được sale thì lại để đối thủ cạnh tranh cướp mất khách hàng, chính là do họ vẫn còn hạn chế trong quá trình giao tiếp, chưa tạo được sự tin tưởng và cảm tình với người mua.

Vì thế cho nên khá nhiều sàn giao dịch về bất động sản nổi lên và cơ hội việc làm cho các sinh viên rất lớn, nhưng không phải ai cũng đủ sự kiên trì và khả năng để thành công với công việc này. Và không ít các bạn sinh viên mới ra trường đã phải từ bỏ công việc này và theo đuổi một ngành nghề khác. Để bán được một sản phẩm nào đó, khiến cho khách hàng hứng thú và có niềm tin vào sản phẩm của mình không phải là điều dễ dàng một chút nào cả.

Việc nắm bắt chính xác tâm lý khách hàng là một trong những khó khăn lớn nhất của nhân viên môi giới. Việc trình bày lan man, dông dài về sản phẩm mà không hiểu khách hàng muốn gì sẽ dễ khiến việc môi giới rơi vào cảnh thất bại giữa chừng. Khi bạn không hiểu được tâm lý của khách hàng mà tư vấn lung tung, đối phương sẽ tự động kết luận sản phẩm không phù hợp với khả năng tài chính cũng như nhu cầu của bản thân và quyết định không bỏ tiền mua.

Một số nhân viên khác lại không tin vào khả năng của mình, hay không tin vào sản phẩm và chưa hiểu rõ về sản phẩm mà mình đang môi giới. Việc này hình thành những suy nghĩ tiêu cực và cách làm việc hời hợt đối với chính sản phẩm và với khách hàng.

Tôi cũng từng quen với một số anh chị làm sale nhưng không phải ai cũng tìm đươc khách hàng tiềm năng và có thể chốt được dự án. Có người mới vào nghề, gặp khách một lần bán được ngay; thậm chí bán ba, bốn căn một lúc. Có người gặp 100 khách hàng nhưng không bán được căn nào.Và tôi cũng từng nghe người ta bảo rằng "làm bất động sản phải có duyên với nghề thì mới thành công".

Cũng chính vì câu nói đó mà nhiều người mới ra trường làm được vài tháng và telesales hẹn gặp khách hàng nhưng bị người ta từ chối, rồi không chốt được hợp đồng nào cả thì bảo do bản thân không có duyên với nghề, thế là lại bỏ cuộc. Ai bán được thì bảo là may mắn. Theo như tôi nghĩ "cái duyên" ở đây chính là yêu nghề, đam mê, làm việc hết mình và không ngừng học hỏi.

Và cứ nghĩ rằng mình sẽ mang giá trị tốt nhất đến cho khách hàng, trao cho khách hàng niềm tin và uy tín chứ không phải là đang bán hàng và không nên tìm mọi âm mưu để khách hàng mua sản phẩm bên mình. Có như thế, đến một ngày đẹp trời nào đó không hẳn nhân viên sale sẽ hẹn gặp được khách hàng mà có khi khách hàng lại tìm đến để kí hợp đồng và mua sản phẩm.

"Nghề môi giới bất động sản: dễ đi nhưng khó đến" quả thật không sai chút nào. Bởi vì ngày nay các sàn giao dịch bất động sản mở ra khá nhiều và tạo rất nhiều cơ hội việc làm cho nhân viên, tuy nhiên không phải ai vào nghề cũng sẽ làm tốt và thành công cả. Và sự kiên trì, bền bỉ, trau dồi các kiến thức và kĩ năng là những yếu tố cốt lõi giúp cho nhân viên môi giới thành công với nghề.

Tóm lại, muốn làm nghề bất động sản thì chúng ta phải yêu nghề như yêu chính bản thân mình, làm việc hăng say, năng nổ và không ngừng học hỏi để trau dồi kiến thức và các kĩ năng cần thiết. Bất động sản là nghề mang lại nhiều giá trị, tạo niềm tin và uy tín, và đặc biệt hơn cả là mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều người.

Dương Nhật Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên