Thị xã 60.000 dân tăng trưởng nửa đầu năm hơn 17%, gấp 2,5 lần cả nước
Tổng thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng 2024 của thị xã này ước hơn 350 tỷ đồng.
- 25-06-2024Trước khi tạm dừng hoạt động, nhà máy Heineken tại Quảng Nam từng đóng góp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng/năm, 3 tháng đầu năm nay chỉ còn 20 tỷ
- 24-06-2024Bắc Giang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách
- 24-06-2024Trầm trồ về thị xã thu ngân sách gần bằng 11 tỉnh cộng lại, 'hóa rồng' nhờ cảng biển lọt top 7 thế giới
Theo Cổng thông tin Thị xã Bỉm Sơn, mới đây, Thị ủy Bỉm Sơn (Thanh Hoá) tổ chức hội nghị lần thứ 18 đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Tại đây, báo cáo cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã đạt 17,1% cao nhất so với các năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công đứng trong top đầu của tỉnh.
Cụ thể, về kinh tế, tổng giá trị sản xuất ước đạt 10.492,2 tỷ đồng, tăng 17,1% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 44,8% so với cùng kỳ; công tác giải ngân vốn đầu tư công các dự án đạt 109,682 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 350,641 tỷ đồng; 49 doanh nghiệp mới được thành lập.
Các dự án đầu tư công được thi công đảm bảo tiến độ như: đường nối từ đường Trần Phú đến đường Nam Bỉm Sơn 6; cải tạo đê Tam Điệp và cầu Hà Lan; điện chiếu sáng Quốc lộ 1A. Một số các dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường học được hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Trong 6 tháng cuối năm, Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã Bỉm Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Chú trọng vào các giải pháp có tính đột phá nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đạt thấp.
Thị xã Bỉm Sơn cách TP Thanh Hoá 34 km về phía Nam, cách thủ đô Hà Nội 120 km về phía Bắc. Phía Bắc giáp tỉnh Ninh Bình, phía Nam giáp huyện Hà Trung, phía Đông giáp huyện Nga Sơn, phía Tây giáp huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hoá). Thị xã có khoảng 60.000 dân, tính đến năm 2021.
Thị xã Bỉm Sơn là trung tâm kinh tế Bắc Thanh Hoá
Thị xã Bỉm Sơn có tiềm năng khoáng sản phục vụ công nghiệp xây dựng. Diện tích mỏ đá ở Bỉm Sơn có tới 1.052,730 ha chiếm khoảng 15,9% tổng diện tích tự nhiên. Trữ lượng đá vôi ở Bỉm Sơn dự báo có tới vài tỷ mét khối, lượng đá vôi đã thăm dò là hơn 600 triệu m3. Trữ lượng đá phiến sét đã thăm dò là hơn 640 triệu tấn, dự báo trữ lượng có thể lên đến hàng tỷ tấn. Đất sét dẻo để làm gạch ngói, trữ lượng đủ cho các nhà máy gạch ngói có công suất 100 triệu viên/năm.
Theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thị xã Bỉm Sơn đến năm 2045, Thị xã Bỉm Sơn trở thành trung tâm vùng động lực kinh tế phía Bắc của tỉnh Thanh Hoá, đóng vai trò là một trong ba cực tăng trưởng vùng đồng bằng trung du của tỉnh; có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh và đầu mối giao thông.
Với chức năng, động lực chính gồm công nghiệp và thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong đó, công nghiệp trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, lắp ráp, sản xuất ô tô, công nghiệp VLXD. Thương mại, dịch vụ, du lịch: Trọng tâm là phát triển dịch vụ kho bãi, trung chuyển hàng hóa, logistic… hỗ trợ phát triển công nghiệp; du lịch văn hóa – tín ngưỡng tâm linh cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa, kết nối với tỉnh Ninh Bình và các tỉnh phía Bắc.
Không gian đô thị Bỉm Sơn được hình thành và phát triển trong quá trình đô thị hóa đã tạo nên những không gian rõ rệt từ Bắc vào Nam. Phía Bắc là cảnh quan sinh thái núi, kế đến là công nghiệp; ở giữa là đô thị trung tâm; tiếp theo là không gian phát triển mới của đô thị.
Khung không gian đô thị chủ yếu gồm: Không gian trung tâm (thị xã hiện tại), không gian đô thị mới (phía nam sông Tam Điệp) kết nối với đô thị Cừ (huyện Hà Trung); các trục kết nối không gian: Quốc lộ 1A, đường bộ cao tốc Bắc Nam, Quốc lộ 217B. Hướng phát triển đô thị về phía Đông Nam gắn với tuyến Quốc lộ 217B kéo dài.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung sáu tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng 6,42%. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi tích cực, đặc biệt là ngành công nghiệp chủ lực chế biến, chế tạo; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ vẫn duy trì ổn định.
Đời sống & pháp luật