Địa phương nghèo từng phải nhận trợ cấp lương thực lột xác, mục tiêu lên thành phố trước năm 2025
An Nhơn, từ chỗ phải nhận trợ cấp lương thực của tỉnh Bình Định trong vài năm đầu mới giải phóng, sau hơn 35 năm đổi mới, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực, phát triển bền vững.
Từ điểm xuất phát rất thấp, chủ yếu là nông nghiệp chiếm trên 70 %, đến nay giá trị công nghiệp và xây dựng đã chiếm tỷ trọng 67,87 %, thương mại và dịch vụ chiếm 21,5 %, nông- lâm- thủy sản còn 11%.
Nhiều năm liền, thị xã này đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 15- 17%, riêng năm 2022 đạt 16,56%, công nghiệp- dịch vụ tăng từ 18- 20%.
Ngoài khu công nghiệp Nhơn Hòa của tỉnh, thị xã xây dựng 12 cụm công nghiệp, gắn với khôi phục và phát triển 28 làng nghề truyền thống. Thị xã tập trung vào khâu đột phá là đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông ở địa bàn sông nước.
Thị xã cũng tiếp tục quy hoạch, mở rộng mạng lưới thương mại- dịch vụ từ trung tâm thương mại, siêu thị ở nội thị đến mạng lưới chợ nông thôn. Các hoạt động văn hóa- thể dục- thể thao, y tế, giáo dục…chuyển biến tích cực, nhất là quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
An Nhơn được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa vào Chương trình phát triển đô thị của tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030.
Thị xã An Nhơn ở phía Nam tỉnh Bình Định, có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và giữ vai trò quan trọng về phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh. Đây là yếu tố thuận lợi để An Nhơn phát triển nhanh và bền vững trở thành thành phố vào năm 2025.
Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TX An Nhơn lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu chủ yếu là xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, lãnh đạo tỉnh và thị xã An Nhơn cho biết sẽ tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng các tiêu chuẩn về đầu tư xây dựng của đô thị loại 3, hướng tới mục tiêu thành lập thành phố An Nhơn trước năm 2025.
Theo Chương trình phát triển đô thị An Nhơn, đến năm 2035, An Nhơn sẽ có 7 khu vực phát triển đô thị; trong đó, khu vực phường Bình Định mở rộng ra các xã Nhơn An và phường Nhơn Hưng, có diện tích khoảng từ 10,5 - 11 km 2 và là khu vực có ý nghĩa về văn hóa - lịch sử đóng vai trò là trung tâm hành chính - chính trị của đô thị.
Sau khi được công nhận đạt chuẩn đô thị loại III, thị xã tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng đạt chuẩn thành phố. Tổng mức đầu tư các công trình đến cuối năm 2022 đạt 3.363 tỷ đồng/tổng mức được phê duyệt 5.713 tỷ đồng. Thị xã sẽ tập trung hoàn thành và triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để mở rộng không gian đô thị.
Hệ thống hạ tầng khung giao thông và hệ thống giao thông kết nối các xã, phường được tăng cường đầu tư nâng cấp, với tổng chiều dài hơn 40 km, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Nhiều khu đô thị, khu dân cư dần được hình thành đồng bộ, hiện đại, từng bước thay đổi diện mạo thị xã.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trên địa bàn thị xã đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp, đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất trong tình hình mới. Nhờ vậy kinh tế của thị xã có sự tăng trưởng và phát triển khá toàn diện.
Theo Bí thư Thị ủy An Nhơn Mai Việt Trung, để An Nhơn sớm trở thành thành phố trước năm 2025, thị xã tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị An Nhơn đến năm 2035, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, Chương trình phát triển đô thị thị xã đến năm 2035; nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn thị xã.
Cùng với đó, thị xã sẽ tiếp tục huy động và cân đối các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đảm bảo đạt tiêu chuẩn thành phố; xây dựng các xã thành phường; hoàn thành hồ sơ trình các cấp của tỉnh thẩm định thông qua; trình Bộ Xây dựng thẩm định, ban hành văn bản về việc đánh giá tiêu chí đô thị loại III TX An Nhơn (dự kiến mở rộng khu vực nội thị) và đánh giá các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với các khu vực dự kiến thành lập phường; hoàn thành hồ sơ, trình HĐND tỉnh thông qua Đề án thành lập các phường thuộc thị xã và thành lập TP An Nhơn vào cuối năm 2023, hoàn thành mục tiêu đưa An Nhơn lên thành phố trước năm 2025.
Đồng thời, thị xã tiếp tục đầu tư xây dựng và hình thành các khu đô thị trung tâm của thị xã đồng bộ, hiện đại với không gian giữa đường sắt Bắc - Nam và tuyến tránh QL 1 gắn với việc phát triển quỹ đất; tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai để tạo nguồn thu tiền sử dụng đất chi cho đầu tư phát triển; tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm trong việc đầu tư hạ tầng các khu đô thị, khu dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa chỉnh trang đô thị; xây dựng nâng cấp và mở rộng hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các trung tâm xã, cụm xã, các khu đô thị vệ tinh.
Đặc biệt, thị xã sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án của thị xã, các công trình giao thông trọng điểm; tiếp tục mở rộng mạng lưới cấp nước sạch tại các xã trên địa bàn, đảm bảo nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; phát huy hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp, làng nghề hiện có. Đôn đốc đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp An Trường, An Mơ, Đồi Hỏa Sơn, Nhơn Tân 1... Tập trung thu hút các ngành nghề sản xuất công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng cao vào các cụm công nghiệp...
Nhịp sống thị trường