Thiên tài đầu tư ít ai biết tới, nhưng sở hữu bí kíp sẽ làm thay đổi tư duy kiếm tiền của bạn: Từ chối cơ hội thành tỷ phú phố Wall để cống hiến cho giáo dục
Người bình thường đi làm để kiếm tiền, còn nhà đầu tư này lại coi tiền chỉ là thứ yếu.
- 11-01-2022Tỷ phú Trịnh Văn Quyết và những lần phát ngôn để đời về khởi nghiệp và kinh doanh: "Hãy nhìn vào những việc tôi làm và gặp người thực việc thực chứ tin đồn thì nhiều lắm!"
- 10-01-2022Lời khuyên đáng giá "nghìn vàng" của cô công nhân dành hết tiền tiết kiệm để khởi nghiệp, rồi thành tỷ phú tự thân ở tuổi 46: Hãy hỏi và học ngay điều này!
- 09-01-2022Tỷ phú “lập dị”, lắm tài nhiều tật nhất thế giới: Một ngày "mở mắt ra" nhận 871 nghìn USD thừa kế, trở thành kẻ giàu sang bậc nhất nước Mỹ nhưng đến cuối đời lại gặp cảnh khiến ai ai cũng xót xa
Đã là dân đầu tư, ai cũng đã từng biết đến những tượng đài nổi tiếng như Warren Buffett, Peter Lynch, George Soros hay Jesse Livermore. Tuy nhiên, có một huyền thoại khác cũng tài giỏi không kém, nhưng hầu hết mọi người lại chưa từng nghe tới.
Đó chính là David Swensen.
Ông là người đã đưa quỹ đầu tư của ĐH Yale từ con số 1 tỷ USD lên 31 tỷ USD, biến nó trở thành quỹ hoạt động tốt nhất tại Mỹ trong vòng 20 năm qua. Với thành tích này, Swensen có thể dễ dàng thành lập một quỹ phòng hộ và bòn rút tiền từ những gã trọc phú thích chụp ảnh tự sướng trên chuyên cơ.
Thế nhưng, nhà đầu tư này đã nói không với tiền bạc. Ông chọn sống bằng khoản thu nhập khiêm tốn mà trường trả cho mình hàng tháng.
Swensen đến ĐH Yale lần đầu vào năm 1975, với tư cách nghiên cứu sinh Kinh tế học. Ông chủ yếu làm việc James Tobin - nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel - và William Brainard - giáo sư danh dự Arthur Okun ngành Kinh tế học. Họ đã giúp đỡ Swensen rất nhiều trong việc hoàn thành luận án tiến sĩ.
Sau khi ra trường, Swensen từng công tác tại các ngân hàng đầu tư như Salomon Brothers và Lehman Brothers. Ông là một trong những người tiên phong trong việc khuyến khích hoán đổi lãi suất.
Năm 1985, Swensen nhận được lời mời của Brainard - lúc này đang là hiệu trưởng ĐH Yale - về làm người điều hành quỹ đầu tư cho trường. Ông quyết định từ bỏ phố Wall sau 6 năm cống hiến, chấp nhận giảm tới 80% lương để đảm trách vị trí mới này.
Lợi nhuận đầu tư mà Swensen kiếm được cho ĐH Yale đã giúp nhiều sinh viên có cơ hội tiếp cận với giáo dục hơn. Trong suốt 35 quản lý, quỹ đã tạo ra khoản lợi nhuận lên tới 13,1%/năm. Con số này vượt xa mức trung bình của Cambridge Associates tới 3,4%, cao hơn danh mục đầu tư 60/40 tới 4,3%.
Như vậy, dưới thời Swensen, hiệu suất hoạt động của quỹ hiến tặng thuộc ĐH Yale tương đương với khoản lời 45,6 tỷ USD, tăng thêm 36 tỷ USD so với mức trung bình của Cambridge Associates. Hiện tại, quỹ này đang sở hữu khối tài sản trị giá 31 tỷ USD, với mức chi phí chiếm khoảng 1/3 ngân sách của trường.
Swensen thậm chí còn trực tiếp giảng dạy về đầu tư, mặc dù không nhận được thêm chút trợ cấp nào cả. Chỉ vài ngày trước khi qua đời ở tuổi 67 vì bệnh ung thư, ông vẫn lên lớp giảng bài bình thường như đã làm suốt bao năm qua. Swensen nổi tiếng là người rất thân thiện hướng dẫn cho sinh viên, thường xuyên động viên họ bằng các thông điệp tích cực.
Các chuyên gia đầu tư tại phố Wall vốn được biết đến với mức lương "khủng" ngoài sức tưởng tượng. Nếu tiếp tục làm việc ở đây thì với khả năng của mình, Swensen có thể dễ dàng trở thành tỷ phú giàu có, bước chân vào giới thượng lưu. Tuy nhiên, đó không phải cuộc sống mà ông mong muốn.
Đối với Swensen, chức danh, quyền lực, tiếng tăm hay tài khoản ngân hàng với nhiều số 0 cũng chẳng có nghĩa lý gì. Ông nhận ra rằng tài sản chân chính nằm ở việc bạn sống vì mục đích gì, chứ không ở số tiền kiếm được.
Phấn đấu vì một thế giới tốt đẹp hơn mới là ngọn đèn đường chỉ lối cho Swensen. Ông dành cả đời mình để làm những điều tốt đẹp, khởi xướng các thay đổi, thể hiện lòng can đảm và làm gương cho thế hệ hậu bối.
Swensen muốn di sản của mình vẫn âm thầm thay đổi nhân loại theo hướng tích cực hơn, kể cả sau khi ông đã qua đời. Ông coi đây là thứ tài sản quý giá nhất, là bí mật để trở nên giàu có, dù bản thân đang hưởng mức lương hơn 800.000 USD/năm, chưa kể các khoản thưởng 4-7 triệu USD.
"Làm việc vì một cái gì đó không phải tiền là khái niệm xa lạ với mọi người, nhưng lại hoàn toàn quen thuộc với tôi", ông nói trong một buổi phỏng vấn. "Điều tôi quan tâm nhất là bất cứ ai đủ tiêu chuẩn đến Yale đều được nhập học, và quỹ hiến tặng sẽ hỗ trợ tài chính cho họ".
Do đó, chẳng có gì khó hiểu khi Cựu Tổng thống Obama lại mời Swensen làm thành viên ban điều hành Quỹ Phục hồi Kinh tế. Ngoài ra, nhà đầu tư này còn được chọn làm người ủy thác và cố vấn cho hàng loạt quỹ của ĐH Cambridge, Viện Carnegie Washington, trường Hopkins, Sở Giao dịch chứng khoán New York, Quỹ sáng kiến Chan Zuckerberg,...
Hàng chục hậu bối do Swensen dìu dắt cũng đạt được không ít thành công vang dội. Họ đều trở thành nhân sự chủ chốt, điều hành quỹ hiến tặng của nhiều cơ sở giáo dục danh giá như ĐH Princeton, MIT, ĐH Stanford, ĐH Pennsylvania, Quỹ Rockefeller,...
Swensen mượn tiền làm công cụ tạo nên sự khác biệt. "Tự tin nhưng cũng rất đỗi vị tha" là những gì ĐH Yale miêu tả về nhà đầu tư này.
David Swensen hướng tới những lời khuyên đầu tư đơn giản.
Thông thường, đa số mọi người sẽ đầu tư vào cổ phiếu hoặc trái phiếu. Thế nhưng, Swensen lại dùng tiền của Yale để đầu tư vào bất động sản và các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Quỹ chỉ số là cách để Swensen đa dạng hóa danh mục đầu tư hơn mức bình thường với chi phí thấp. Hiệu suất đầu tư của Yale được cải thiện đáng kể nhờ Swensen gia tăng số tiền đầu tư vào các loại tài sản sinh lời cao như cổ phiếu.
Biến động đồng nghĩa với tăng trưởng. Bạn có thể đi theo đàn cừu và trung thành với các phương pháp truyền thống, hoặc mở rộng phạm vi tài sản mà mình đầu tư.
Hầu hết các nhà đầu tư giỏi trên thế giới đều hiểu rằng, phân bổ tài sản chính là quyết định quan trọng nhất trong hành trình làm giàu. Hiểu một cách đơn giản, đây là việc phân chia số tiền đầu tư vào các loại tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, vàng, bất động sản…
Mỗi nhà đầu tư lại có một cách phân bổ tài sản khác nhau. Việc họ bỏ ra bao nhiêu tiền cho mỗi loại hình đầu tư trong thời gian dài chính là bí quyết mà bạn phải trả tiền cho họ để được tư vấn.
Thay vì chỉ tập trung vào một loại tài sản, đầu tư vào nhiều loại tài sản tiềm năng khác nhau sẽ giúp bạn kiếm tiền dễ dàng hơn.
Ngoài ra, David Swensen là một người sống khá kín tiếng. Ông không xuất hiện nhiều trên truyền thông, cũng chẳng sống xa hoa với số tiền "khủng" mình kiếm được.
Cựu Tổng thống Barack Obama và David Swensen
Nhà đầu tư này chỉ lên tiếng khi bị chạm đến giới hạn đạo đức của mình. Swensen từng từ chối một cơ hội đầu tư chỉ vì người quản lý trục lợi từ những người vi phạm giao dịch nội gián. Ông cũng nói không với một doanh nghiệp có tiếng vì họ từ chối giải thích về danh mục đầu tư của mình.
Đối với Swensen, đạo đức còn quan trọng hơn tiền bạc. Tiền chỉ là công cụ để ông thực hiện mục tiêu ông muốn làm và giúp đỡ những người mà ông cho là xứng đáng. Cách thức đầu tư có thể thay đổi cả đường lối xã hội, và điều đó có ý nghĩa với Swensen hơn là một chiếc Lamborghini đậu trước biệt thự mua bằng tiền kiếm được từ phố Wall.
"Hãy thỏa mãn tâm hồn mình, những thứ còn lại không cần quan tâm", nhà đầu tư huyền thoại kết luận.
(Theo Medium)