Thiên tai khiến Việt Nam thiệt hại 1-1,5% GDP mỗi năm
Suốt hơn 30 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.
- 13-10-2021Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 2%
- 13-10-2021WB lý giải nguyên nhân tháng 9 ghi nhận bội chi lớn, nhưng cân đối ngân sách 9 tháng vẫn bội thu
- 13-10-2021Bloomberg: Các 'ông lớn' Samsung, Intel dự kiến khôi phục sản xuất hoàn toàn vào tháng tới?
Ngày 13/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp cùng các tổ chức Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai.
Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho rằng, với chủ đề “Hợp tác để cùng nhau vượt qua thách thức”, sự kiện khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc đoàn kết, hưởng ứng cùng các quốc gia, các cơ quan Liên Hợp Quốc và ASEAN, các tổ chức quốc tế để thúc đẩy nhận thức toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực, ứng phó có hiệu quả hơn nữa với thiên tai, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, đời sống của nhân dân, của xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Suốt hơn 30 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.
Hiện nay, công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về dự báo, cảnh báo, về nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, về lực lượng, về ứng dụng khoa học kỹ thuật, về khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai… Trong khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 đặt ra yêu cầu phải ứng phó hiệu quả với rủi ro khi thiên tai và dịch COVID-19 cùng xảy ra.
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đánh giá cao và mong muốn các quốc gia, các tổ chức, bạn bè quốc tế tiếp tục đồng hành, đồng lòng, đồng sức, hỗ trợ Chính phủ, Ban Chỉ đạo và người dân Việt Nam sớm tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, hỗ trợ nguồn lực để kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai.
Thông qua sự kiện này, Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới cộng đồng quốc tế, các cơ quan, tổ chức đã luôn sát cánh cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong phòng, chống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Đặc biệt là những hỗ trợ trong đợt lũ lịch sử tại miền Trung tháng 10/2020.
Trong đợt lũ lịch sử này, chỉ sau một thời gian ngắn kêu gọi, con số hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước cho đồng bào miền Trung đã lên đến hơn 25 triệu USD, giúp miền Trung phần nào khắc phục được những khó khăn do thiên tai gây ra.
Nhân dịp này, Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương chính thức ra mắt với những đóng góp, ủng hộ đầu tiên của các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Hoạt động trên nguyên tắc “Không vì lợi nhuận, đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch”.
Quỹ đóng vai trò là cầu nối quan trọng, kịp thời hỗ trợ những người dân ở vùng thiên tai đang đứng trước hiểm nguy, khắc phục vấn đề thiếu minh bạch của những hoạt động thiện nguyện tự phát thời gian vừa qua.
Tiền phong