MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chở tiền công đức đi đâu?

12-06-2013 - 16:58 PM |

Câu hỏi đó được nhiều người đặt ra khi trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Hoàng Mười (thuộc địa bàn xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) thường xuyên chở tiền công đức đi thuê người ngoài đếm.

Ông Nguyễn Đình Tường (56 tuổi) về làm ở đền từ ngày 15-3, hiện là một trong chín thành viên của ban quản lý di tích đền Hoàng Mười, kể lại: "Lúc 15g ngày 27-5 ôtô con 37S-6185 đỗ trước cổng đền. Khi hai cửa xe phía sau mở và cốp xe bật lên thì ba bảo vệ thay nhau vác bảy bao tải trong kho của đền chất vào xe.


Trong chốc lát, khi chiếc xe quay đầu đi về phía TP Vinh, tôi hỏi ông Trương Văn Thái - trưởng ban quản lý: “Xe chở hàng gì mà vội vàng thế chú?”, ông Thái nói: “Xe chở tiền đi thuê người ta đếm”.

Tôi thấy lo nên hỏi tiếp: “Chú có làm biên bản ghi nhận số tiền trước khi chuyển đi không, có cử người trong ban quản lý đi theo giám sát không?”, ông Thái nói: “Không”.

Ngay sau đó tôi khuyên ông Thái nên “điều” xe chở tiền quay lại rồi gọi điện báo lãnh đạo xã Hưng Thịnh, lãnh đạo huyện Hưng Nguyên và Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Nghệ An. Thấy tôi gọi điện báo, ông Thái cũng gọi gấp cho xe chở tiền. Khoảng 15 phút sau chiếc xe quay lại chỗ cũ. Ba bảo vệ lại vác bảy bao tiền vào trong kho”.


Bảo vệ đền Hoàng Mười chuyển tiền lên xe đi thuê người ngoài đếm - Ảnh: V.TOÀN

Thuê công ty bên ngoài đếm tiền

“Đức thánh minh” của dân xứ Nghệ

Đền Hoàng Mười được xây dựng năm 1634 thời Hậu Lê, là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng ở Nghệ - Tĩnh. Vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười. Có nhiều truyền thuyết về ông Hoàng Mười. 

Ở vùng Nghệ - Tĩnh ông được coi là vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến suốt mười năm kháng chiến chống quân Minh. Vì thế, ông được dân xứ Nghệ gọi là “Đức thánh minh”. Năm 2002, ngôi đền này được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa mang tên “đền Hoàng Mười”.

Ông Phạm Quốc Việt - phó chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên - thừa nhận thông tin nêu trên và cho biết: “Nhận tin báo, chiều cùng ngày đoàn công tác của huyện đã có mặt tại đền Hoàng Mười, lập biên bản và niêm phong bảy bao tiền. Ngày 28-5 đoàn tiến hành đếm tiền nhưng phải đếm ba ngày mới xong".

Ông Việt cũng cho biết cụ thể: "Ngày thứ nhất đoàn công tác mới đếm xong bao to nhất, được gần 50 triệu đồng. Tổng cộng bảy bao đếm được 300.560.000 đồng. Đây là bảy bao tiền lẻ, mệnh giá từ 500 đồng đến 2.000 đồng. Hiện số tiền này đã chuyển vào kho bạc của huyện".

Theo tư liệu Tuổi Trẻ có được, trong biên bản do đoàn công tác xác lập chiều 27-5, ông Thái thừa nhận năm 2005 khi về làm trưởng ban quản lý di tích thì năm nào cũng chở tiền đi thuê người đếm hộ. Khoảng 2-3 tháng chở tiền đi một lần, mỗi lần chở 7-10 bao tiền.

Ông Lê Văn Hùng - chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh - thừa nhận vụ việc nêu trên nhưng nói: "Đó là tiền rót dầu, tiền lẻ từ năm 2000 đến nay. Còn tiền trong thùng công đức đều có hai khóa. Một chìa khóa do cán bộ tài chính của xã giữ. Một chìa do ông Thái giữ. Khi nào ông Thái thông báo đến mở thùng công đức thì chúng tôi cử cán bộ tài chính đi. Trước khi mở có hội đồng chứng kiến".

Trong khi đó, phản ảnh của ông Tường lại khác hẳn: "Cán bộ tài chính xã không giữ chìa khóa. Hai chìa khóa do ông Thái và ông Nguyễn Bá Đệ, kế toán của đền, giữ. Khi thùng công đức đầy tiền thì ông Thái và ông Đệ mở mà không cần có một hội đồng nào, thậm chí có lúc một mình ông Thái tự ý mở. Bảy bao tiền được chở đi thuê đếm được gom từ ba loại. Loại 1, sau khi mở thùng công đức, ông Thái lấy tiền mệnh số lớn cất đi, còn tiền lẻ bỏ vào bao tải. Loại 2, là tiền hành sai. Loại 3 là tiền rót dầu trong những thùng nhỏ đặt tại các cung".

Cách quản lý không minh bạch

Sau khi trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hùng cử một công an viên đưa đến nhà ông Thái. Tại đây, ông Thái trình bày: "Đền Hoàng Mười được trùng tu, tôn tạo năm 1995.

Từ năm 2011, thực hiện quy định của UBND tỉnh, tiền công đức thu được chia làm ba mức: 5% chi cho kinh phí hoạt động của bộ máy ban quản lý gồm chín thành viên; 30% chi phí điện, nước, đèn dầu và tổ chức các lễ hội trong năm; 65% dành để trùng tu, tôn tạo. Toàn bộ tiền công đức hằng năm thu được đều nộp cho UBND xã để xã nộp vào kho bạc.

Theo đó, năm 2011 đền nộp hơn 900 triệu đồng. Sáu tháng đầu năm 2013 đã nộp 1,3 tỉ đồng".

Cũng như ông Hùng, ông Thái cho rằng bảy bao tiền nêu trên không phải tiền công đức mà là tiền hành sai (tiền của người đi lễ để trên bàn thờ hoặc trên các con thú quý trong đền). “Số tiền này dùng để chi tiền công cho người lau tro, quét bụi, thay nước... và trả công cho anh em trong ban quản lý vì 5% trong tổng tiền công đức không đủ” - ông Thái nói.

Riêng về chiếc xe chở tiền được ông Thái cho biết là xe của Công ty TNHH Trung Long ở TP Vinh. Sở dĩ ông Thái thuê công ty này đếm tiền là do “công ty này cần nhiều tiền lẻ để phụ tiền cho khách hàng”. 

Hỏi vì sao ban quản lý có chín người mà không giao họ kiểm tiền lại phải đi thuê người ngoài, ông Thái giải thích: "Lúc đầu tôi thuê người kiểm tại chỗ nhưng không ổn vì không giám sát được. Sau đó anh em tự kiểm nhưng do một số người tuổi cao nên ngồi lâu là đau lưng, không trụ được. Có những bao tiền để lâu, mưa gió làm ẩm mốc, khi đổ ra đếm là bị dị ứng nên biết Công ty Trung Long cần tiền lẻ thì thuê họ luôn".

Ông Thái cho biết sau vụ việc ngày 27-5, ban quản lý đã nộp hơn 1 tỉ đồng tiền dư cho xã để xã nộp vào kho bạc. Con số này lại khác với thông tin ông Việt cung cấp: “Tổng số tiền dư do ông Thái vừa nộp là trên 4 tỉ đồng”.

Trao đổi vụ việc phản cảm này với chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên Trần Xuân Trung, ông Trung nói: "Khi vụ việc vỡ lở, chúng tôi phanh lại ngay. Theo nguyên tắc, tiền của đền là không được đưa một xu ra khỏi đền. Cách quản lý như ông Thái là không minh bạch. Mấy hôm nay huyện ủy, UBND huyện đang họp để tìm cách bổ cứu kịp thời công tác quản lý. Sai đâu thì phải xử đến đó".

Theo Vũ Toàn

kyanh

Tuổi trẻ

Trở lên trên