Thiết bị nhà nào cũng để hoạt động hết công suất mùa Tết, bây giờ chính là thời điểm lý tưởng để vệ sinh
Sau dịp Tết dài ngày, đây chính là vật dụng đang rất cần vệ sinh trong nhà bạn.
- 06-02-2024Nghỉ Tết nhớ 5 mẹo bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử
- 20-12-2023Những thiết bị ngốn điện nhất trong nhà vào mùa đông
- 07-12-2023Lắp bình nóng lạnh đừng chủ quan bỏ qua bước này: Khi thiết bị rò điện sẽ rất nguy hiểm
Chúng ta vừa trải qua dịp Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024 với kỳ nghỉ dài. Đây là dịp lễ truyền thống quan trọng và được tổ chức nhiều ngày nhất của đa số người Việt nói riêng cũng như người Á Đông nói chung. Thông thường, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ kéo dài từ 5-9 ngày. Bởi vậy, các gia đình thường chuẩn bị, tích trữ rất nhiều thực phẩm để phục vụ cho các công việc cúng, thắp hương theo tục lệ truyền thống. Ngoài ra còn để cả gia đình hay những nhóm bạn đến nhà tổ chức tiệc tùng, liên hoan.
Chính bởi vậy, khi dịp Tết Nguyên đán kết thúc, có một vật dụng trong nhà luôn hoạt động hết công suất xuyên Tết, cần được kiểm tra, vệ sinh và bảo dưỡng. Việc này nhằm đảm bảo thiết bị hoạt động được lâu bền, hiệu quả, ngăn chặn những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dùng. Thiết bị đang được nhắc tới chính là chiếc tủ lạnh.
Vì sao cần vệ sinh tủ lạnh sau Tết?
Như đã nói ở trên, vào dịp Tết, lượng thực phẩm không chỉ lớn mà còn đa dạng nhiều loại sẽ được lưu trữ, bảo quản trong tủ lạnh. Không ít gia đình chia sẻ rằng chiếc tủ lạnh của nhà họ luôn "chật kín" vào mỗi dịp Tết. Có thể kể tới từ những thực phẩm tươi sống như thịt, cá, các loại rau củ quả, cho đến các loại thực phẩm đã qua chế biến như gà luộc, bánh chưng, giò chả... Chính bởi vậy, vô tình, tủ lạnh cũng có nguy cơ cao chứa nhiều loại vi khuẩn khâc nhau.
Sau Tết, khi lượng thực phẩm đã được giải quyết phần nào, chính là thời điểm lý tưởng nhất để các gia đình tiến hành vệ sinh tủ lạnh. Nếu gia đình vẫn còn một lượng thực phẩm nhất định, có thể tạm thời lấy ra ngoài để tiến hành tổng vệ sinh chiếc tủ lạnh.
Các bước tự vệ sinh tủ lạnh tại nhà
Vệ sinh tủ lạnh là công việc đơn giản, mọi người đều có thể tự thực hiện tại nhà. Đầu tiên, trước khi tiến hành vệ sinh tủ lạnh, mọi người cần đảm bảo ngắt điện hoàn toàn vào thiết bị bằng việc rút điện hoặc ngắt cầu giao tủ lạnh. Việc này giúp đảm bảo an toàn cho người thực hiện công việc vệ sinh tủ lạnh, ngăn chặn tối đa trường hợp xảy ra chập điện nguy hiểm.
Thực phẩm bên trong tủ lạnh có thể được lấy ra trước hoặc sau lúc ngắt điện thiết bị, tuỳ vào từng gia đình. Song dù lấy ra trước hay sau, người dùng cũng nên phân loại các loại thực phẩm. Ví dụ như rau củ quả để riêng, thịt tươi sống để riêng, thực phẩm đã chín để riêng, còn những thực phẩm đã xuất hiện dấu hiệu hư hỏng, ôi thiu hay quá hạn sử dụng thì nên bỏ đi. Với các thực phẩm dễ hỏng khi để ở nhiệt độ thường như sữa, sữa chua, váng sữa, người dùng nên có phương án bảo quản bổ sung trong các hộp mát cạnh nhiệt, hoặc trong các hộp chứa đá lạnh.
Bước thứ 3 trong quá trình vệ sinh tủ lạnh đó là người dùng bắt đầu tháo rời các khay, ngăn có thể tháo rời trong tủ lạnh ra và đem rửa chúng với xà phòng/nước rửa bát hoặc các dung dịch tẩy rửa phù hợp khác. Việc này giúp các ngăn, khay rời được vệ sinh kỹ càng và sâu hơn so với việc chỉ lau thông thường. Sau khi xử lý với dung dịch tẩy rửa, hãy nhớ tráng sạch bằng nước và phơi khô trước khi lắp các khay, ngăn này về vị trí cũ trong tủ lạnh.
Bước 4 là với những mặt bên trong tủ lạnh, người dùng sử dụng ngăn vải mềm, thấm với các dung dịch tẩy rửa nhẹ để lau nhiều lần. Tốt nhất nên sử dụng các dung dịch tẩy rửa nhẹ, không chứa nhiều chất tẩy rửa hoá học hay cồn. Những cái tên được gợi ý các gia đình nên sử dụng để vệ sinh tủ lạnh có thể kể tới như giấm, chanh, baking soda hay các dung dịch tẩy rửa chuyên dụng. Sử dụng các loại dung dịch này, tủ lạnh sẽ không bị nhiễm quá nhiều mùi hoá chất, đảm bảo an toàn với thực phẩm sau khi việc vệ sinh hoàn thành.
Người dùng có thể tuỳ chọn vệ sinh bên trong tủ lạnh theo bất kỳ trình tự nào, tuy nhiên cần để ý kỹ để cả những vị trí ngóc ngách, khó quan sát. Bởi đây là những vị trí dễ bị tích tụ chất bẩn nhất. Lâu ngày có thể tạo nên ổ vi khuẩn trong tủ lạnh. Sau khi xử lý với dung dịch tẩy rửa, người dùng lau lại tủ lạnh lần cuối với một chiếc khăn mềm, ẩm, sạch khác.
Cuối cùng, người dùng cắm điện tủ lạnh lại để thiết bị hoạt động bình thường. Tuy nhiên chưa nên để thực phẩm lại ngay mà hãy đợi khoảng 30 phút để khí lạnh được cung cấp đều bên trong thiết bị. Mặt ngoài tủ lạnh người dùng cũng có thể lau chùi nhẹ nhàng bằng khăn mềm.
Các chuyên gia về điện máy đưa thêm lời khuyên, không cần đợi đến dịp Tết hay sau Tết, gia đình mới cần vệ sinh tủ lạnh. Khác với các vật dụng khác trong nhà, tủ lạnh là thiết bị điện hoạt động liên tục 24/24. Thêm vào đó, thiết bị luôn cần tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm khác nhau, trong đó có cả thực phẩm tươi sống. Chính vì vậy, tốt hơn hết, việc vệ sinh tủ lạnh nên được tiến hành khoảng 1-2 tháng/lần. Việc vệ sinh không chỉ giúp tủ lạnh sạch hơn mà còn giúp thiết bị hoạt động hiệu quả, tiết kiệm điện. Mỗi năm, gia đình cũng nên dành thời gian gọi thợ sửa chữa chuyên nghiệp để bảo dưỡng tủ lạnh, ít nhất 1 năm/lần.
Đời sống & pháp luật