Thiết bị y tế: Mảng tỷ đô của ngành dược và những "giai thoại"
Chúng ta chỉ đang quá chú trọng về mảng y dược, thuốc men… và bỏ lỡ một thị trường thiết bị y tế hơn tỷ USD. Trong khi thực tế, ngành thiết bị y tế vẫn đang có những đơn vị khai thác mạnh mẽ, đi cùng nhiều câu chuyện thú vị.
Sức khoẻ gắn liền với cuộc sống hằng ngày, và luôn là mối quan tâm hàng đầu của con người. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, thu nhập bình quân gia tăng thì vấn đề chăm sóc bản thân lại càng được chú trọng. Chưa kể, song hành với quá trình công nghiệp hoá, môi trường ô nhiễm đang ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ người dân. Và như vậy, y tế là ngành có thể nói dư địa tăng trưởng lớn, bao gồm lĩnh vực cung cấp trang thiết bị vật tư.
Thị trường tỷ USD
Thực tế cũng ghi nhận tổng vốn đầu tư thị trường thiết bị và vật tư y tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh. Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng vốn đầu tư mảng này tại Việt Nam năm 2010 ước đạt 515 triệu USD, đến năm 2016 tổng vốn đầu tư là 950 triệu USD và đến năm 2017 con số này tăng lên 1,1 tỷ USD.
Màu mỡ là vậy, song vẫn còn đó nhiều câu chuyện trong cuộc, hiểu nôm na doanh nghiệp muốn kinh doanh lĩnh vực này không hề đơn giản. Bởi, thị trường Việt Nam hiện tập trung chủ yếu tại những bệnh viện lớn và do Nhà nước quản lý. Hơn nữa, doanh nghiệp trong nước chỉ dừng lại ở việc cung cấp dụng cụ đơn giản như giường, tủ, banh, kéo… là những lĩnh vực chiếm tỷ lệ tài chính thấp, hầu hết trang thiết bị phải nhập khẩu nước ngoài, và để phân phối lại cũng không hề đơn giản.
Một góc nhìn khác, đi cùng nhu cầu khám chữa bệnh tại Việt Nam gia tăng, cơ sở hạ tầng cũ kỹ và nhu cầu hợp tác đầu tư máy móc thiết bị y tế cao là hai dư địa tăng trưởng khác của thị trường y tế hiện nay.
Thứ nhất về nhu cầu khám chữa bệnh, nước ta hiện nay tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ngày càng tăng, gần 12%, đây là độ tuổi có gánh nặng bệnh tật. Chưa dừng lại, chỉ số già hóa của Việt Nam cũng đang cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (chỉ xếp sau Thái Lan và Singapore), đồng thời chỉ số già hoá Việt Nam (số người trên tuổi 60/100 trẻ em dưới 15 tuổi) đâu đó chạm mức 50 và dự báo sẽ tăng nhanh trong 30 năm tới. Trong khi nhu cầu lớn, thì tổng chi y tế bình quân đầu người của Việt Nam còn khá thấp so với các nước phát triển, thậm chí thấp hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Thứ hai về cơ sở hạ tầng, yếu tố này nhiều năm qua dường như "dẫm chân tại chỗ" đi cùng tình trạng quá tải luôn là vấn đề của nước ta, số giường bệnh/1 vạn dân ở Việt Nam hầu như không tăng trong 3 năm qua trong khi công suất sử dụng giường bệnh ngày càng tăng. Ngược lại, tỷ lệ mắc bệnh thì gia tăng, và tính chất phức tạp của cơ cấu bệnh cũng dần báo động đỏ. Bấy nhiêu đó cho thấy riêng ngành y dược nói chung, và riêng mảng máy móc thiết bị - hỗ trợ cho công tác khám chữa bệnh thực sự tiềm năng.
Song, chúng ta chỉ đang quá chú trọng về mảng y dược, thuốc men… và bỏ lỡ một thị trường thiết bị y tế hơn tỷ USD. Trong khi thực tế, ngành thiết bị y tế vẫn đang có những đơn vị khai thác mạnh mẽ, đi cùng nhiều câu chuyện thú vị.
Những "giai thoại"
Và, trong sân chơi khắc nghiệt ấy, có lẽ ai cũng biết từng có một Thiết bị Y tế Việt – Nhật (JVC) tiên phong, phát triển mạnh mẽ. Được thành lập năm 2001 trong một cơ duyên giữa "cha đẻ" Lê Văn Hướng với Tập đoàn Hitachi qua giới thiệu, JVC lúc bấy giờ là bán loại máy đầu tiên hiệu Hitachi và từ đó chính thức trở thành tổng đại lý cho Hitachi tại Việt Nam. Cái tên Việt – Nhật có lẽ bắt nguồn từ đó, thậm chí sau này JVC còn mở rộng thành tổng đại lý phân phối cho hơn 20 tập đoàn, nhà cung cấp chủ yếu đến từ Nhật Bản.
Kinh doanh liên tục tăng tốc, JVC niêm yết trên sàn chứng khoán, và dĩ nhiên gây náo loạn thị trường những năm 2014-2015. Tuy nhiên, sóng gió từ năm 2015 đẩy JVC rơi vào khủng hoảng, cổ phiếu về dưới mốc 3.000 đồng, lỗ luỹ kế vượt mức 1.000 tỷ, thương hiệu Việt – Nhật cũng chìm vào quên lãng.
Giao dịch cổ phiếu JVC.
Cho đến kỳ đại hội mới đây, trả lời cổ đông về công tác vực dậy JVC, tân Chủ tịch Hosono Kyohei cho biết DI đang đồng hành hỗ trợ JVC cải thiện tình hình kinh doanh. Điểm sáng có Hitachi đang tiếp tục những hợp đồng mới với JVC, và tương lai rất có thể trở thành cổ đông chiến lược.
Với vị thế về thâm niên cũng như tên tuổi, JVC có cơ hội trở lại; song có lẽ con không dễ dàng chút nào khi tình hình kinh doanh mới nhất còn khá rệu rã. Lũy kế sau 6 tháng đầu niên độ 2017-2018, JVC đạt doanh thu thuần 224 tỷ đồng, sụt giảm 13% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tương ứng thu về vỏn vẹn 2 tỷ, chỉ mới đạt được 10% chỉ tiêu.
Ở chiều ngược lại, thị trường đầu năm 2017 xuất hiện một tên tuổi mới, Sản xuất kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt - Mỹ (AMV), ráo riết những hành động đáng chú ý từ thay máu, phát hành tăng vốn khủng đến chuyển đổi kinh doanh.
Được biết, AMV vốn là một doanh nghiệp niêm yết đã lâu trên HNX nhưng có tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Kể từ khi nhóm cổ đông mới liên quan đến "cha đẻ" JVC mua lại, AMV chuyển sang tập trung phân phối máy móc thiết bị y tế, lập trung tâm xét nghiệm đồng thời vận hành đơn vị IVF – mục đích chữa trị bệnh hiếm muộn của các cặp vợ chồng.
Tương tự Sara Việt Nam (SRA) cũng xuất thân từ doanh nghiệp niêm yết, sau khi tái cơ cấu hiện Công ty đẩy mạnh cung cấp những thiết bị xét nghiệm ung thư và xử lý chất thải y tế. Điểm nhấn hiện nay Sara đang nhập máy xử lý chất thải y tế bằng công nghệ âm từ Nhật, điều này kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề nan giải hiện nay của nhiều bệnh viện.
Hiện, AMV và SRA có chung người tư vấn chiến lược, mỗi đơn vị theo chia sẻ của vị này làm tại những mảng riêng, cùng với một số doanh nghiệp khác mục tiêu hình thành hệ thống chuyên cung cấp trang thiết bị, dịch vụ y tế. Khẳng định làm thật lãi thật, tuy nhiên diễn biến tăng trưởng mạnh về cả kinh doanh lẫn giao dịch cổ phiếu khiến thị trường cân nhắc, người đứng đầu doanh nghiệp từng chia sẻ riêng cổ phiếu SRA đợt tăng sốc vừa qua là quá giá trị, bởi bị nhiều nhà đầu tư đầu cơ. Và hơn hết, cơ hội có, nhưng thành công luôn là điều bỏ ngỏ, với tất cả lĩnh vực và đặc biệt thị trường thiết bị y tế với những đặc thù riêng biệt.
Giao dịch cổ phiếu SRA.
Trí Thức Trẻ