Thiệt hại nặng nề khi giá cổ phiếu APC lao dốc cùng kế hoạch phát hành riêng lẻ "rẻ như cho", nhiều cổ đông nhỏ lẻ lên tiếng
Theo ý kiến của một số cổ đông nhỏ lẻ, APC hoàn toàn có thể thực hiện những hình thức tăng vốn khác mà không ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông hiện hữu như phát hành trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 2 năm.
CTCP Chiếu xạ An Phú (APC) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ năm 2018 với nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó, trong năm 2018, APC đặt kế hoạch doanh thu 135,38 tỷ đồng và LNST 33,24 tỷ đồng. So với thực hiện năm trước đó thì doanh thu kế hoạch APC đề ra chỉ bằng 88% (154 tỷ đồng năm 2017) và lợi nhuận bằng 48% (69 tỷ đồng năm 2017).
Tuy vậy, điều này cũng không bất ngờ khi APC thường đặt chỉ tiêu kinh doanh thấp hơn nhiều so với kết quả thực hiện năm trước. Trong năm 2017, APC cũng đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 17% so với thực hiện trong năm 2016 nhưng cuối cùng đã hoàn thành gấp đôi chỉ tiêu đề ra.
Nhưng, sau khi bộ tài liệu Đại hội cổ đông phát đi thì giá cổ phiếu APC đã lao dốc thảm thương. Từ mức giá 77.200 đồng, cổ phiếu APC đã "đo sàn" 6 phiên liên tiếp và kết thúc phiên giao dịch ngày 15/3/2018 ở mức giá 46.700 đồng. Vốn hóa cổ phiếu APC đã bốc hơi 380 tỷ đồng từ ngưỡng ~930 tỷ đồng còn 550 tỷ đồng hiện tại. Tức, nhà đầu tư "đi tong" 380 tỷ đồng kể từ sau kế hoạch kinh doanh dự tính cho năm 2018 được công bố.
Vì sao cổ phiếu APC lại lao dốc mạnh như vậy?
Một cổ đông nhỏ lẻ của APC đã chia sẻ quan điểm của mình với CafeF. Theo nhà đầu tư này, việc cổ phiếu APC liên tục "đo sàn" không phải do kế hoạch doanh thu, lợi nhuận giảm sút so với thực hiện năm 2017, cũng không phải ở kế hoạch xây dựng thêm nhà máy mới ở Bắc Ninh mà nằm ở tờ trình Thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ với giá "rẻ như cho" khiến nhà đầu tư hiện hữu tháo chạy.
Theo kế hoạch APC dự trình ĐHCĐ vào 16/3 tới đây, APC có kế hoạch chào bán 6 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược với mức giá không dưới 20.000 VND/cổ phiếu, dự kiến thu về 120 tỷ đồng. Vốn điều lệ APC hiện là 120 tỷ đồng, sau đợt phát hành này sẽ tăng gấp rưỡi lên 180 tỷ đồng. Mức giá công ty dự kiến chào bán cho cổ đông chiến lược thấp hơn rất nhiều so với thị giá APC.
Số tiền thu được sau đợt chào bán sẽ được sử dụng cho dự án chiếu xạ tại Bắc Ninh và bổ sung vào vốn lưu động. Số lượng cổ phần chào bán riêng lẻ sẽ bị giới hạn chuyển nhượng trong 2 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Hiện tại trong danh sách cổ đông chiến lược chào mua có TORUS CAPITAL INVESTMENTS PTE.LTD.
Theo tìm hiểu, tổ chức này có đăng ký hoạt động từ 28/9/2017 tại Singapore và nếu thương vụ thành công, TORUS CAPITAL INVESTMENTS PTE.LTD sẽ nắm giữ 33,7% cổ phần APC. Tại ĐHCĐ lần này, APC cũng sẽ trình phương án nới room ngoại lên 100%.
Vị cổ đông nhỏ lẻ chua xót đặt ra câu hỏi khi giá cổ phiếu đã bốc hơi 30% sau 1 tuần giao dịch: Tại sao lại là phát hành riêng lẻ mà không phát hành cho cổ đông hiện hữu? Tại sao giá khởi điểm chỉ là tối thiểu 20.000 đồng/cp trong khi thị giá thời điểm trước công bố tài liệu họp cổ đông đang là gần 80.000 đồng/cp? Tại sao danh sách nhà đầu tư chiến lược lại chỉ có một cái tên lạ lẫm là TORUS CAPITAL INVEST'MENTS PTE. LTD một công ty vừa mới được thành lập cuối 2017 tại Singapore?
Vị cổ đông nhỏ lẻ cũng xót xa nói rằng bản thân ông đã bị thiệt hại nặng nề khi đầu tư vào cổ phiếu APC với niềm tin vào triển vọng kinh doanh rất tích cực của APC cho các năm tiếp theo sau khi công ty công bố mức lãi kỷ lục cho năm 2017.
Cổ đông nhỏ lẻ này cũng cho rằng, APC hoàn toàn có thể thực hiện những hình thức tăng vốn khác mà không ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông hiện hữu như phát hành trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 2 năm (do cổ phiếu dự kiến phát hành thêm cũng bị hạn chế chuyển nhượng 2 năm). Nếu làm theo cách này thì giá cổ phiếu hiện tại không bị điều chỉnh và khi dự án tại Bắc Ninh được đưa vào hoạt động sẽ đóng góp vào kết quả kinh doanh thì chắc hẳn việc chuyển đổi cổ phiếu sẽ không ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu như hiện tại.
Trí Thức Trẻ