MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thiệt hại nặng vì văn bản "lạ"

Bất cập trong quản lý nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp và tổn thất lớn về kinh tế.

Ngày 17-10, tại cuộc họp giữa Tổ Công tác của Thủ tướng với các bộ, ngành về cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đại diện các hiệp hội đã bày tỏ bức xúc vì những quy định bất thường.

Đang yên ổn bỗng ách tắc

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này đang bức xúc trước việc các chi cục thú y ra hàng loạt văn bản dừng kiểm dịch mặt hàng cá gây thiệt hại lớn. Ông Nam cho biết cá sau khi được một số nước trên thế giới đánh bắt sẽ lập tức được xuất bán cho các nước có nhu cầu, trong đó có Việt Nam mà chưa qua bất cứ công đoạn sơ chế nào. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam vẫn nhập mặt hàng này mà không yêu cầu giấy chứng thư kiểm dịch, các nước trên thế giới đều thực hiện tương tự.

Thiệt hại nặng vì văn bản lạ - Ảnh 1.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc Ảnh: VGP


Tuy nhiên, ngày 24-9, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có Công văn số 2233 gửi các chi cục tham vấn ý kiến về việc kiểm soát mặt hàng nói trên. Ngay lập tức các chi cục thú y các vùng đã ngừng kiểm dịch mặt hàng này trên toàn quốc, gây ách tắc số lượng rất lớn. "Ba DN thành viên của chúng tôi cho biết đã thiệt hại gần 600 triệu đồng sau khoảng 2 tuần hàng "nằm" ở cảng do không được kiểm dịch" - ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng cơ quan quản lý yêu cầu cung cấp giấy chứng thư kiểm dịch đối với mặt hàng trên là không hợp lý bởi nhiều năm qua không có quy định như vậy. Hơn nữa, các DN cũng đã trình bày rõ thông lệ quốc tế không yêu cầu loại giấy tờ này; các DN đang tập hợp hồ sơ để khởi kiện hành chính về việc dừng kiểm dịch nêu trên. "Việc áp dụng quy định dừng kiểm dịch của cơ quan thú y là không có cơ sở pháp lý, không có thời gian chuyển tiếp theo quy định, gây thiệt hại về kinh tế" - ông Nam nói thêm.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, phản ánh việc Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I yêu cầu từ ngày 1-11 sẽ xử lý theo hình thức tái xuất đối với các lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng (tên khoa học là Cirsium Arvense). Theo bà Chi, mỗi chuyến tàu nhập khẩu lúa mì có tải trọng 30.000 - 50.000 tấn, giá trị khoảng 20 triệu USD (tương đương 500 tỉ đồng), nếu buộc tái xuất sẽ thiệt hại rất lớn.

Sẽ thu hồi; cắt giảm thêm điều kiện kinh doanh

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sau khi tìm hiểu thông tin về công văn của Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I đã khẳng định việc ban hành văn bản như vậy là trái thẩm quyền, tùy tiện áp dụng luật pháp bởi chi cục trưởng không có thẩm quyền ban hành văn bản áp dụng trên cả nước. "Không thể chấp nhận chi cục trưởng ký văn bản như vậy. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng về việc này để xem xét, xử lý, chỉ đạo thu hồi công văn ban hành trái thẩm quyền đó. Cá nhân, đơn vị ban hành văn bản sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ" - ông Dũng cho biết. Liên quan đến các văn bản dừng kiểm dịch mặt hàng cá, bộ trưởng yêu cầu Bộ Tư pháp tập hợp các văn bản do Cục Thú y, chi cục thú y các vùng ban hành để xem xét thẩm quyền ban hành cũng như sự tác động đến DN.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm sau ngày 30-10, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cụ thể những mặt được và chưa được trong đợt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện kinh doanh này để nhìn nhận rõ việc cắt giảm có thực chất không, các điều kiện được cắt giảm có "núp bóng" trong thông tư không.

Tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều cùng ngày ở Hà Nội, ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), cho biết bộ này sẽ cắt giảm thêm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc bộ. 202 điều kiện được bộ đề xuất, cắt giảm lần này (tương đương 36,1%) gồm các lĩnh vực như: an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, hóa chất...

Như vậy, với việc cắt giảm, đơn giản hóa lần đầu tại Nghị định 08/2018/NĐ-CP là 55,5%, cộng với con số dự kiến cắt giảm lần tới thì tỉ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương đạt 72,1%.

Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Những kết quả đạt được của Bộ Công Thương trong thời gian qua cho thấy sự nỗ lực của bộ mà đứng đầu là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

3 bộ quản 1 xe cẩu

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực trạng hiện nay một chiếc xe cẩu mà cùng lúc có 3 bộ quản lý, kiểm tra. Trong đó, phần thân xe do Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, các thông số kỹ thuật thì Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì kiểm tra cần cẩu.

Từ ví dụ trên, ông Mai Tiến Dũng yêu cầu các bộ, ngành đặc biệt quan tâm, không để một mặt hàng phải chịu sự quản lý của nhiều bộ cùng lúc.

Doanh nghiệp chăn nuôi kêu khó

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, cho biết ngành chăn nuôi đang vướng rất nhiều quy định khó thực hiện. Trong đó, chỉ riêng quy định về nước thải đã có thể làm người chăn nuôi phá sản. "Quy định nước thải từ chăn nuôi phải đạt loại A, B - tức uống và tắm giặt được. Quy định này không thể thực hiện được vì quá tốn kém. Do đó, cần phải có quy định riêng cho nước thải trong ngành chăn nuôi sao cho phù hợp. Các nước ở châu Âu không có quy định này mà xem nước thải từ chăn nuôi là nguồn phân bón phục vụ cho nông nghiệp" - ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, DN sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng khổ vì nhiều quy định bất cập. Chẳng hạn, thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm, chất không có lợi sẽ bị phạt nhưng nếu chất có lợi vượt ngưỡng cũng bị phạt. Bên cạnh đó, DN thường xuyên bị kiểm tra, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

N.Hải



Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên