MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thiếu niềm tin vào hôn nhân, phụ nữ trẻ FA Trung Quốc đổ xô mua nhà ở các thành phố lớn: Cha mẹ dốc tiền tỷ hỗ trợ con, thà vay ngân hàng còn hơn dựa dẫm chồng

24-08-2021 - 18:20 PM | Sống

Thiếu niềm tin vào hôn nhân, phụ nữ trẻ FA Trung Quốc đổ xô mua nhà ở các thành phố lớn: Cha mẹ dốc tiền tỷ hỗ trợ con, thà vay ngân hàng còn hơn dựa dẫm chồng

Thay vì dựa dẫm vào hôn nhân, nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc đang tìm kiếm cảm giác an toàn bằng việc mua nhà, dù có phải vay tiền ngân hàng hoặc nhờ cha mẹ hỗ trợ. Liệu họ có đang rơi từ hố này sang hố khác?

"Sau khi mua nhà, tôi cảm thấy an tâm hơn khi sống ở thành phố này."

Li Jingnu (35 tuổi) là giám đốc một trang thương mại điện tử ở Thượng Hải (Trung Quốc). Dù mới làm việc ở thành phố này được 3 năm, nhưng kể từ năm 2012, cô đã mua một căn nhà rộng 80 m2 ở khu vực Phố Tây với giá 1,2 triệu NDT (4,2 tỷ VNĐ). Cô dùng số tiền tiết kiệm khoảng 400.000 NDT (1,4 tỷ VNĐ), cộng thêm với 100.000 NDT từ cha mẹ, để trả trước.

Khi đó, Jingnu mới chỉ 26 tuổi. Giống như nhiều người trẻ khác mong muốn có được một cuộc sống tươi đẹp hơn nơi thành phố, cô mua nhà "để có một chốn cho riêng mình". Cô cho biết, càng trưởng thành, cô càng nhận ra rằng nhà không chỉ là nơi che mưa che nắng, mà còn là chỗ trú ẩn an toàn.

"Việc sở hữu một căn nhà giúp tôi đảm bảo tương lai", cô giải thích.

Từ xa xưa, an cư lạc nghiệp đã được coi là dấu hiệu của sự ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho cuộc sống của mỗi người. Mua nhà thường được coi là nhiệm vụ của đàn ông trước khi anh ta bắt đầu lập gia đình.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, phụ nữ cũng dần dần kiếm tiền ngang ngửa nam giới. Lối sống tự lập ngày càng trở nên phổ biến, thúc đẩy nhiều phụ nữ trẻ và độc thân gia nhập đội quân mua nhà.

Thiếu niềm tin vào hôn nhân, phụ nữ trẻ độc thân Trung Quốc đổ xô mua nhà ở các thành phố lớn: Cha mẹ dốc tiền tỷ hỗ trợ con, thà vay ngân hàng còn hơn dựa dẫm chồng - Ảnh 1.

Khu phố văn phòng tại Bắc kinh (Ảnh: Tingshu Wang/Reuters)

Mua nhà để làm động lực cho bản thân

Theo khảo sát của nền tảng nghiên cứu BĐS trực tuyến Beike Research Institute về điều kiện sống của phụ nữ, tỷ lệ phụ nữ mua nhà ở 30 thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng từ 45,6% (2017) lên 47,5% (2020). Trong số đó, tỷ lệ nữ giới mua nhà ở Thâm Quyến, Thiên Tân và Trùng Khánh đã vượt qua cả nam giới. Họ trở thành động lực chính của thị trường BĐS địa phương.

Phụ nữ mua nhà vì rất nhiều lý do khác nhau.

Jingnu phụ trách việc kinh doanh trong công ty, nên phải dành phần lớn thời gian để đi công tác tìm kiếm cơ hội mới. Cô kiệt sức sau hàng giờ đồng hồ tiêu khiển và đàm phán với đủ loại khách hàng.

"Có những lúc tôi mệt mỏi đến mức muốn từ bỏ, mặc kệ những bản đánh giá năng lực và EQ hàng tháng", cô tiết lộ. "Tôi chưa từng để lộ cảm xúc tiêu cực trước mặt người khác, vì họ đã quen với hình ảnh thường thấy ở tôi. Chỉ khi về nhà và ở trong phòng của mình, tôi mới có thể cởi bỏ mặt nạ và trở lại làm chính mình."

"Tôi pha cho mình một cốc trà, nấu một nồi cháo, mua cả đống nguyên liệu làm lẩu về bày trên bàn", cô nói thêm. "Tôi chậm rãi ăn uống trong lúc xem livestream, tìm cách hồi phục và cổ vũ bản thân. Tôi tự nhủ rằng mình đã có một chốn riêng tư trong thành phố đông đúc với 24 triệu dân này."

Không chỉ là chốn trú ẩn, nhà còn là khoản đầu tư khôn ngoan

Hu Rui (36 tuổi) là nhân viên tại một công ty Internet. Cô mua ngôi nhà đầu tiên tại Bắc Kinh vào năm 27 tuổi, với hỗ trợ từ cha mẹ. 2 năm sau, cô tiếp tục mua thêm căn nhà thứ hai.

"Có gì khác nhau giữa việc một người phụ nữ độc thân mua nhà và việc một người đàn ông độc thân mua nhà? Mua nhà cũng giống như mua cổ phiếu hay gửi quỹ, chẳng qua chỉ là một khoản đầu tư lớn hơn", cô nhận xét.

Thiếu niềm tin vào hôn nhân, phụ nữ trẻ độc thân Trung Quốc đổ xô mua nhà ở các thành phố lớn: Cha mẹ dốc tiền tỷ hỗ trợ con, thà vay ngân hàng còn hơn dựa dẫm chồng - Ảnh 2.

Theo Hu Rui, hầu hết phụ nữ độc thân xung quanh cô đều mua nhà với lý do "bạn phải có nhà dù sau này kết hôn hay không". "Chẳng phải một người phụ nữ độc thân sẽ bị coi là thất bại nếu không có nhà riêng sau tuổi 35?", cô hỏi.

Chen Meijuan (26 tuổi) là nhân viên một công ty tín dụng ở Thượng Hải, quê gốc ở Thành Đô. Gần đây, cô đã mua một căn hộ cũ rộng 90 m2 với giá 6 triệu NDT (21 tỷ VNĐ).

Gia đình đã hỗ trợ Meijuan 2 triệu NDT để trả trước, đồng thời cô cũng vay thêm ngân hàng 4 triệu NDT. Không chỉ mua nhà để ở, cô còn khá lạc quan vào tình hình BĐS tại Thượng Hải, tin rằng giá nhà sẽ còn tăng lên trong tương lai.

Do số lượng phụ nữ trẻ, độc thân mua nhà tăng lên, các nhà phát triển BĐS lại càng ưu ái họ hơn các khách hàng nam - đối tượng có nhu cầu không co giãn. Một số sản phẩm marketing thậm chí còn ghi tagline "Phụ nữ tự lập mua nhà trước khi kết hôn" để thu hút nhóm khách hàng nữ.

Điều này cũng khiến cho thị trường BĐS tại Trung Quốc thay đổi ít nhiều. Các nữ nhân viên môi giới xinh đẹp trước đây đã phải nhường chỗ cho các nam nhân viên môi giới bảnh bao, để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng nữ độc thân và trẻ tuổi.

Thiếu niềm tin vào hôn nhân, phụ nữ trẻ độc thân Trung Quốc đổ xô mua nhà ở các thành phố lớn: Cha mẹ dốc tiền tỷ hỗ trợ con, thà vay ngân hàng còn hơn dựa dẫm chồng - Ảnh 3.

Tòa chung cư nơi Chen Meijuan ở Thượng Hải

Cha mẹ mua nhà để đảm bảo tương lai con gái

Ngoài ra, luật hôn nhân và chính sách nhà đất tại một số thành phố lớn của Trung Quốc cũng góp phần thúc đẩy làn sóng mua nhà của phái nữ.

Theo phong tục truyền thống, cô dâu sẽ được tặng một căn nhà khi kết hôn; căn nhà này sẽ do chú rể cung cấp. Trong khi nhiều phụ nữ hài lòng với việc ở nhà thuê sau khi kết hôn, các bà mẹ lại khăng khăng đòi con rể tương lai mua nhà để đảm bảo con gái họ ổn định cuộc sống và không bị lợi dụng.

Hiện tượng này được gọi là "hiệu ứng mẹ vợ", đồng thời cũng là nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Luật Hôn nhân sửa đổi năm 2011 của Trung Quốc đã chú trọng hơn đến việc bảo vệ tài sản cá nhân của vợ chồng. Tài sản mà mỗi bên sở hữu trước khi kết hôn sẽ được coi là tài sản cá nhân, không phải tài sản chung.

Do đó, các bà mẹ không còn đòi hỏi con rể tương lai phải mua nhà nữa. Họ chuyển sang hỗ trợ tài chính, thậm chí là mua sẵn nhà cho con gái mình.

Bà Gao (50 tuổi) - giám đốc cấp cao của một ngân hàng - chính là một người mẹ như vậy. Cứ 2 tuần/lần, bà sẽ bay từ Bắc Kinh sang Hợp Phì để tìm nhà cho con gái.

Hiện tại, bà Gao đã nhắm được một căn hộ chung cư 110 m2 nằm gần ga tàu điện ngầm ở khu vực Vành đai 3 Bắc Kinh. Căn hộ này có giá tận 7,2 triệu NDT (25 tỷ VNĐ), nhưng vẫn nằm trong ngân sách của bà.

Con gái bà Gao năm nay 25 tuổi, đang làm việc ở Bắc Kinh chưa đến 1 năm, chưa có bạn trai. Dù vậy, bà vẫn chịu chi hàng triệu NDT để mua nhà cho con gái mình vì hai lý do.

Thứ nhất, bà Gao là mẹ đơn thân. Con gái là người thân duy nhất, và cũng là người sẽ thừa hưởng toàn bộ tài sản của bà sau này. "Thay vì để con chờ quyền thừa kế trong tương lai, tôi mua nhà cho nó, coi như đấy là của hồi môn", bà giải thích.

Thứ hai, bà Gao tin rằng việc mua nhà cho con gái trước khi kết hôn sẽ "làm giảm thiểu rủi ro tài sản". Bởi lẽ, căn nhà sẽ được coi là tài sản riêng của con gái bà, không thể bị cướp mất kể cả sau khi kết hôn.

Thiếu niềm tin vào hôn nhân, phụ nữ trẻ độc thân Trung Quốc đổ xô mua nhà ở các thành phố lớn: Cha mẹ dốc tiền tỷ hỗ trợ con, thà vay ngân hàng còn hơn dựa dẫm chồng - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

Ngày càng nhiều bậc phụ huynh ở Trung Quốc mua nhà cho gái mình trước khi kết hôn. Theo khảo sát của Beike Research Institute, 57,5% số phụ nữ độc thân trong độ tuổi 20-25 mua nhà với sự hỗ trợ từ cha mẹ. Điều này cho thấy, sự can thiệp từ phụ huynh cũng là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy xu hướng mua nhà của phụ nữ độc thân.

Bên cạnh đó, chính sách hạn chế mua nhà ở một số thành phố cũng tạo động lực khuyến khích phụ nữ độc thân mua nhà cho riêng mình.

Meijuan cho biết, theo chính sách nhà đất ở Thượng Hải, căn nhà mà cô mua trước khi kết hôn sẽ được coi là tài sản đầu tiên dưới tên cô. Cô chỉ phải trả trước 30% bằng tiền mặt, sau đó tận dụng lãi suất ưu đãi từ khoản vay ngân hàng.

Nếu người chồng tương lai mua nhà trước khi kết hôn mà cô không làm vậy, ngôi nhà chung của họ sau hôn nhân sẽ được tính là tài sản thứ hai, đồng nghĩa với khoản trả trước lên tới 70%.

Phụ nữ cảm thấy an toàn khi mua nhà hơn là kết hôn

Với những phụ nữ trẻ độc thân ở Trung Quốc, nhà không chỉ là một nơi che mưa che nắng hay một khoản đầu tư sinh lời. Đó còn là thứ đem lại sự an toàn mà họ vẫn thường tìm kiếm trong hôn nhân. Tỷ lệ ly hôn tăng vọt tại quốc gia này khiến cho phái nữ mất niềm tin vào sự ổn định mà nam giới mang lại. Họ thà dựa dẫm vào ngôi nhà của mình thay vì đàn ông.

Meijuan thừa nhận, ban đầu cô khá chần chừ khi phải ký vào khoản vay 4 triệu NDT từ ngân hàng. Cho dù lãi suất tốt, việc phải trả tới 17.000 NDT/tháng (60 triệu VNĐ) vẫn là một gánh nặng lớn đối với cô, nếu chỉ dựa vào nguồn thu nhập hiện tại.

Tuy nhiên, Meijuan đã gạt bỏ mọi nghi ngại khi nhớ lời bạn dặn: "Có nhà rồi, cậu sẽ có tiếng nói trong nhà, cũng như đảm bảo một tương lai chắc chắn hơn".

Cô nói thêm với một chút xấu hổ: "Nếu không thể trả nợ, chí ít tôi vẫn có thể nhờ cha mẹ mà?".

Thiếu niềm tin vào hôn nhân, phụ nữ trẻ độc thân Trung Quốc đổ xô mua nhà ở các thành phố lớn: Cha mẹ dốc tiền tỷ hỗ trợ con, thà vay ngân hàng còn hơn dựa dẫm chồng - Ảnh 5.

Đối với bà Gao, căn nhà không chỉ là của hồi môn, mà còn là lời nhắn nhủ quan trọng mà bà dành cho con gái từ chính kinh nghiệm của mình. Theo bà, cuộc sống sẽ đền đáp những người làm việc chăm chỉ, năng lực tài chính sẽ đảm bảo một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bà Gao than thở rằng, sau cuộc hôn nhân kéo dài 6 năm, những gì bà nhận được chỉ là một cô con gái. Ngược lại, bà luôn được đền đáp xứng đáp cho từng nỗ lực mình bỏ ra trong công việc.

Nhờ chăm chỉ, bà Gao từ một nhân viên tầm thường trở thành nhân sự cấp cao trong ngân hàng. Giờ đây, với mức thu nhập đáng ngưỡng mộ, bà đã đầu tư vào 2 khối BĐS ở một thành phố top đầu mới nổi ở Trung Quốc.

Bà Gao hy vọng rằng con gái sẽ học hỏi từ kinh nghiệm của mình, không nên kết hôn với những người đàn ông thiếu tin cậy và không đủ năng lực tài chính. Bà dặn con gái: "Nếu có nhà và một công việc ổn định, con có thể sống cuộc đời mình mong muốn mà không phải phụ thuộc vào đàn ông".

Càng mua nhiều nhà, càng dễ độc thân

Với Jingnu, nhà không chỉ là nơi để nghỉ sau những giờ làm việc căng thẳng, mà còn là chốn trú ẩn, một thứ đảm bảo cho tương lai sau này của cô. Sau khi đăng ký hộ khẩu tại Thượng Hải, nữ nhân viên văn phòng này dự định sẽ mua căn nhà thứ hai ở đây.

"Tôi chẳng biết liệu mình có lấy chồng hay sinh con không, cũng không chắc sẽ có người chăm sóc mình khi về già", cô nói. "Nếu mua thêm nhà, kể cả khi có phải vào trại dưỡng lão hay thuê giúp việc, tôi cũng sẽ không rơi vào bước đường cùng."

Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ độc thân Trung Quốc mua nhà, đặc biệt là ở các thành phố lớn - nơi giá nhà đất cao ngất ngưởng. Họ tin rằng "nhà đem lại cảm giác an toàn hơn hôn nhân". Dù vậy, đa số phụ nữ vẫn muốn kết hôn và lập gia đình.

Thiếu niềm tin vào hôn nhân, phụ nữ trẻ độc thân Trung Quốc đổ xô mua nhà ở các thành phố lớn: Cha mẹ dốc tiền tỷ hỗ trợ con, thà vay ngân hàng còn hơn dựa dẫm chồng - Ảnh 6.

(Ảnh minh họa)

Liu Shimeng - PGS tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội thuộc ĐH Tế Nam - cho biết, lợi nhuận thu về từ đầu tư BĐS trong vài năm gần đây đã giảm dần. Điều này có nghĩa là hôn nhân và các mối quan hệ sẽ không bị ảnh hưởng bởi giá nhà đất đang tăng như vũ bão.

Tuy nhiên, khi một người phụ nữ mua nhà, nhu cầu ổn định cuộc sống bằng cách lập gia đình của cô ấy sẽ giảm dần, ảnh hưởng đến nhu cầu kết hôn trong tương lai.

PGS. Liu Shimeng chỉ ra, nếu một người phụ nữ mua nhà và không đòi hỏi đối phương cũng mua nhà, cả hai có thể tiến tới hôn nhân. Trái lại, nếu cô ấy mua nhà và đòi hỏi đối phương cũng phải có nhà, thậm chí là to hơn và nhiều hơn, điều đó cũng chẳng đem lại lợi lộc gì cho cuộc sống độc thân của cả hai bên.

Theo GS. Jean Yeung Wei-Jun của khoa Xã hội học, ĐHQG Singapore, mua và đầu tư nhà đất là một cách thức tốt để phụ nữ độc thân Trung Quốc đảm bảo cuộc sống tương lai của mình. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, xu hướng này sẽ khiến cho tình trạng độc thân ở tầng lớp ưu tú ngày càng phổ biến hơn. Bởi lẽ, càng tự chủ về tài chính, phụ nữ càng thấy hôn nhân không còn cần thiết.

GS. Jean Yeung Wei-Jun cho biết, ở Mỹ và các nước châu Âu, phụ nữ giàu có đang có xu hướng lấy chồng và duy trì hôn nhân ổn định hơn. Bởi lẽ, quan niệm xã hội ở đó đã thay đổi: nguồn lực tài chính dồi dào của phụ nữ được xem như ưu điểm thay vì mối đe dọa đến địa vị của đàn ông. Tuy nhiên, đàn ông Trung Quốc vẫn xem tuổi tác và ngoại hình mới là thứ "vũ khí" lợi hại nhất của phụ nữ.

Dù vậy, GS. Jean Yeung Wei-Jun vẫn tin rằng điều này sẽ dần dần thay đổi trong tương lai, khi mà tiềm lực tài chính giữa phụ nữ và đàn ông trở nên bình đẳng hơn. Tất nhiên, những thay đổi này sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

(Theo ThinkChina)

Linh Hân

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên