MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi yêu cầu làm rõ thông tin giáo viên "chạy việc" hàng trăm triệu

16-03-2018 - 21:00 PM | Xã hội

Vụ việc hơn 500 giáo viên hợp đồng được tuyển dụng dôi dư ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) bị cắt hợp đồng: Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi yêu cầu làm rõ thông tin giáo viên "chạy việc" hàng trăm triệu.

Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc làm rõ các đơn tố cáo

Vụ việc hơn 500 giáo viên hợp đồng được tuyển dụng dôi dư ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) bị cắt hợp đồng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Sau khi bất ngờ bị mất việc, nhiều giáo viên đã đứng ra tố cáo về việc họ đã phải "chung chi" từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để được đi dạy.

Ngày 15/3, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi , Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã giao Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Công an huyện Krông Pắk tiến hành xác minh, làm rõ đơn tố cáo của một số giáo viên tố cáo việc "chung chi" tiền cho một số hiệu trưởng, cán bộ để được đi dạy.

 Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi yêu cầu làm rõ thông tin giáo viên chạy việc hàng trăm triệu - Ảnh 1.

3 đời chủ tịch huyện Krông Pắk ký tuyển dư thừa hơn 500 giáo viên. Ảnh: Vietnamnet

Hiệu trưởng bị tố cáo nhận tiền chạy việc, cắt xén lương giáo viên

Ngày 15/3, thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết, cơ quan điều tra đã triệu tập ông Huỳnh Bê (Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, xã Vụ Bổn) lên làm việc do người dân, giáo viên gửi đơn tố cáo nhận tiền chạy việc, cắt xén lương của giáo viên.

Cụ thể, vào cuối năm 2017, công an huyện nhận được đơn tố cáo của bà C.T.L (trú huyện Krông Pắk) kèm bằng chứng là giấy biên nhận tiền do ông Huỳnh Bê viết, ký tên nhận 300 triệu đồng hứa lo cho con gái bà L. vào dạy tại một trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Theo thượng tá Dân, trong quá trình triệu tập lên làm việc, ông Huỳnh Bê đã thừa nhận có nhận tiền của bà L. để lo xin việc và thừa nhận chữ ký trong giấy biên nhận là của ông này, thông tin trên báo Vietnamnet.

 Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi yêu cầu làm rõ thông tin giáo viên chạy việc hàng trăm triệu - Ảnh 2.

Nhiều giáo viên tại huyện Krông Pắk cho biết phải chi tiền mới được làm việc. Ảnh: H.L/Lao động

Công an huyện Ea Kar xác nhận một trường hợp tố cáo khác từ ông Nguyễn Văn Minh (trú xã Ea K’Mút, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã gửi đơn đến cơ quan công an, Phòng GD- ĐT huyện Krông Pắk tố cáo ông B. - hiệu trưởng một trường tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo tố cáo của ông Minh, năm 2016, ông đã gặp ông B. để xin cho con gái đi dạy. Ông B. hứa cho con ông Minh một suất biên chế, nhưng phải chi 140 triệu đồng. Ông Minh đã đưa ông cho ông B. nhiều lần tổng cộng 120 triệu đồng. Ông Minh khẳng định số tiền 120 triệu đồng là tiền chạy việc nhưng trong giấy biên nhận của ông B. ghi vay nợ.

Con gái ông Minh sau đó được nhận vào dạy hợp đồng với mức lương khoảng 1 triệu đồng/tháng. Do con không được vào biên chế như lời hứa, ông Minh nhiều lần tìm ông B. để đòi lại tiền nhưng không được. Ông Minh sau đó làm đơn tố cáo vị hiệu trưởng này.

Tuy nhiên, theo Công an huyện Ea Kar, ông Minh chỉ có một số giấy vay tiền, giấy nhận nợ, khất nợ chứ không có giấy tờ nhận tiền chạy việc nên công an huyện hướng dẫn ông Minh khởi kiện ra tòa để đòi tiền, thông tin trên báo Công an nhân dân.

Một trường hợp khác, theo lời tường thuật của anh S. - giáo viên Trường Nguyễn Trãi, thị trấn Phước An trên báo Lao động thì nhiều giáo viên ở đây không thể xin việc thông qua bằng cấp suông mà phải cần "quan hệ" lo lót.

Anh S. kể lại với PV báo trên: Từ năm 2010-2012, anh chi 35 triệu đồng để lãnh đạo nhà trường ký các hợp đồng ngắn hạn. Đến tháng 6.2012, anh được vào chỉ tiêu biên chế.

Tiếp theo đến năm 2014, qua một hiệu trưởng đã nghỉ việc ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) anh S. nhờ người này "chạy" vào biên chế với số tiền 110 triệu đồng với lời hứa "nếu có người nghỉ hưu thì suất biên chế chính thức sẽ thuộc về anh?".

Vì số tiền lớn nên anh S. khi giao tiền yêu cầu người này có viết "giấy vay tiền". Mặc dù đã "đổi tiền" lấy việc làm nhưng đến nay anh S vẫn không được nhận vào làm việc vì hồ sơ của anh không đủ tiêu chuẩn.

Đến năm 2017, nhà trường nơi anh S công tác chỉ ký hợp đồng ngắn hạn và không chi trả các chế độ theo quyết định huyện Krông Pắk đã ký với anh trước đó nên anh S. quyết định nghỉ việc.

"Tôi bỏ tiền để được vào chính thức nhưng vẫn không thể vào biên chế vì hồ sơ của tôi không đủ điều kiện xét tuyển. Tôi cũng đã có đòi lại tiền nhưng người xin việc nói đã chung chi cho nhiều nơi nên không còn tiền!" - anh S. kể lại.

Tuy nhiên, khi PV đề nghị cung cấp các bản viết tay hay giấy nhận tiền của những người có liên quan, anh S. từ chối cung cấp.

Theo Bảo Bình (Tổng hợp)

Thời đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên