MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thịnh vượng chung: Chiến trường mới của ông Tập hé lộ gì về ban lãnh đạo kế tiếp của TQ?

03-11-2021 - 11:10 AM | Tài chính quốc tế

Thịnh vượng chung: Chiến trường mới của ông Tập hé lộ gì về ban lãnh đạo kế tiếp của TQ?

Trong một Trung Quốc đã trở nên khá giả, người dân bắt đầu bất mãn khi phân hóa giàu nghèo ngày càng trầm trọng, "thịnh vượng chung" có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại.

Ngày 1/7/2021 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Quảng trường Thiên An Môn: "Nhờ những nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn đảng và nhân dân các dân tộc, chúng ta đã đạt được mục tiêu 100 năm đầu tiên là xây dựng một xã hội thịnh vượng trên đất nước Trung Quốc, giải quyết triệt để vấn nạn nghèo đói mang tính lịch sử và đang tiến tới thế kỷ thứ hai một cách mạnh mẽ với mục tiêu lớn là xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh toàn diện".

Ngày 17/8/2021, ông Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp lần thứ mười của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương ĐCSTQ để nghiên cứu vấn đề thúc đẩy vững chắc "thịnh vượng chung".

Ông Tập nhấn mạnh rằng: "Thịnh vượng chung là yêu cầu thiết yếu của chủ nghĩa xã hội và là một đặc điểm quan trọng của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc". Có thể thấy rằng, việc thúc đẩy thực hiện "thịnh vượng chung" có thể trở thành "chiến trường chính" để ĐCSTQ hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ hai.

Thịnh vượng chung: Chiến trường mới của ông Tập hé lộ gì về ban lãnh đạo kế tiếp của TQ? - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố ĐCSTQ sẽ thúc đẩy “thịnh vượng chung”. Ảnh: AP

Lý do thịnh vượng chung quan trọng

Theo trang Đa Chiều, từ góc độ lịch sử, đây là mục tiêu theo đuổi nhất quán của ban lãnh đạo Trung Quốc. Từ năm 1949, ĐCSTQ bắt đầu xóa bỏ phân biệt giai cấp, chia đều ruộng đất cho nông dân, công hữu hóa và quốc hữu hóa các xí nghiệp tư nhân,...

Khi Trung Quốc cải cách mở cửa vào thập niên 1980, lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã nhận ra những hạn chế của nền kinh tế kế hoạch, hiểu rằng mọi người cần phải được trao toàn quyền tự do phát triển và khuyến khích tạo ra của cải; từ đó nền kinh tế Trung Quốc mới có thể hồi sinh, trở nên thịnh vượng.

Đặng đưa ra quan điểm phát triển "mèo đen hay mèo trắng không quan trọng, chỉ cần biết bắt chuột thì đều là mèo tốt", đặt mục tiêu khuyến khích một số người làm giàu trước, sau đó dìu dắt người sau làm giàu, cuối cùng đạt được "thịnh vượng chung".

Thịnh vượng chung: Chiến trường mới của ông Tập hé lộ gì về ban lãnh đạo kế tiếp của TQ? - Ảnh 2.

Làng Hoa Viên, thị trấn Nam Mã, thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang là ngôi làng kiểu mẫu cho chiến lược hồi sinh nông thôn và xây dựng nông thôn giàu đẹp ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Đặng Tiểu Bình từng nói: "Chúng tôi kiên định đi theo con đường chủ nghĩa xã hội và mục tiêu cơ bản của chúng tôi là đạt được 'thịnh vượng chung', nhưng sự phát triển bình quân là không thể. Chủ nghĩa bình quân trong quá khứ đã là một mối hại lớn, khiến cho tất cả cùng lạc hậu, tất cả cùng đói nghèo". Vì vậy, "cần phải tạo điều kiện cho một số vùng, một số xí nghiệp, một số công nhân, nông dân lao động chăm chỉ có thêm thu nhập, giúp cho cuộc sống của họ khấm khá hơn. Những tấm gương làm giàu này sẽ ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh, cổ vũ những địa phương khác, đơn vị khác học tập theo. Nhờ đó, thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế quốc dân liên tục phát triển, tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc trên cả nước giàu lên nhanh chóng".

Theo Đặng, mục tiêu của sự phát triển là nhằm "làm cho nhân dân cả nước cùng thịnh vượng chứ không phân cực".

Sau hơn 40 năm phát triển nhanh chóng nhờ công cuộc cải cách mở cửa, một bộ phận dân chúng và một số địa phương tại Trung Quốc đã đạt được mục tiêu làm giàu, công cuộc toàn dân thực hiện "thịnh vượng chung" cũng đạt được kết quả to lớn. 1,4 tỷ người về cơ bản đã trở nên khá giả, không phải lo thiếu cơm ăn áo mặc như xưa.

Tuy nhiên, cũng xuất hiện một vấn đề rõ ràng, đó là khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng và điều này đang đi ngược lại với mục tiêu mà ban lãnh đạo nước này theo đuổi. Để giải quyết vấn đề mới nảy sinh từ sự phát triển này, ban lãnh đạo do ông Tập Cận Bình đứng đầu đang đưa "thịnh vượng chung" đến vị trí nổi bật hơn.

Vì vậy, vào tháng 10/2020, Hội nghị toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 đã đề xuất "đặt việc thúc đẩy thịnh vượng chung của toàn dân lên vị trí quan trọng hơn" và đưa ra mục tiêu "thịnh vượng chung của toàn dân cần đạt được tiến triển thực chất, rõ ràng hơn".

Trong "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" và đề cương mục tiêu dài hạn 2035 được ban hành vào năm 2021 vạch ra lộ trình cụ thể cho sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc, đã lần đầu tiên đưa ra kế hoạch "Hỗ trợ sự phát triển chất lượng cao của Chiết Giang và xây dựng một hình mẫu về thịnh vượng chung".

Vào tháng 6/2021, "Ý kiến về việc hỗ trợ sự phát triển chất lượng cao của Chiết Giang và xây dựng một hình mẫu về thịnh vượng chung" dài hơn 10.000 từ đã được công bố. Tất cả những điều này cho thấy Bắc Kinh bắt đầu tập trung vào việc thúc đẩy lý tưởng chính trị về "thịnh vượng chung" trở thành hiện thực.

Nan giải khoảng cách giàu nghèo

Đa Chiều bình luận, nếu nói rằng trong 40 năm trước, Trung Quốc tập trung xây dựng kinh tế, nỗ lực phát triển kinh tế để một số người làm giàu trước; thì trong 30 năm tới (tính đến năm 2050), Trung Quốc sẽ tập trung vào xây dựng kinh tế và "thịnh vượng chung", cùng với việc phát triển kinh tế là nỗ lực để người dân cả nước đều giàu có.

Thịnh vượng chung: Chiến trường mới của ông Tập hé lộ gì về ban lãnh đạo kế tiếp của TQ? - Ảnh 3.

Bác sĩ bắt mạch cho người dân làng Lạc Đà Loan. Đây từng là một ngôi làng nghèo nổi tiếng ở tỉnh Hà Bắc (TQ), nay đã cơ bản thoát nghèo. Ảnh: Tân Hoa X

Khoảng cách quá lớn giữa người giàu và người nghèo không chỉ không phù hợp với lý tưởng chính trị của ĐCSTQ mà còn tạo ra mối đe dọa thực sự đối với sự ổn định lâu dài và phát triển bền vững của Trung Quốc. Nhìn một cách tổng thể trên toàn cầu, những quốc gia và khu vực dễ rơi vào bất ổn xã hội thường đối mặt với khoảng cách giàu nghèo nghiêm trọng.

Dù ở Mỹ Latinh, Nam Phi hay Hoa Kỳ, đều gặp khó khăn bởi khoảng cách giàu nghèo quá lớn. Nếu không muốn tiếp bước các nước này, Trung Quốc phải đảo ngược xu hướng gia tăng khoảng cách giàu nghèo và áp dụng các biện pháp cụ thể để thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng "thịnh vượng chung".

Với nền tảng kinh tế phát triển nhanh chóng trong 40 năm đầu, Trung Quốc thực sự có những điều kiện vật chất ban đầu để tiến tới "thịnh vượng chung".

Vào năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vượt quá 100 nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT) và doanh thu tài chính của nước này là khoảng 18 nghìn tỷ NDT; trong khi GDP của Trung Quốc năm 2000 là dưới 10 nghìn tỷ NDT, và doanh thu tài chính chỉ là 1,3 nghìn tỷ NDT. So với 20 năm trước, năng lực tạo ra của cải của xã hội Trung Quốc đã được cải thiện rất nhiều; so với thời Mao Trạch Đông, khác biệt còn lớn hơn.

Chính nhờ điều kiện vật chất dồi dào, Tập Cận Bình đã dành nhiều nhân lực, vật lực và tài lực để thúc đẩy các dự án xóa đói giảm nghèo, hoàn thành vào năm 2020, giúp hàng chục triệu người bước đầu thoát khỏi tình trạng nghèo đói, tính kế làm giàu.

Trên cơ sở xây dựng xã hội khá giả một cách toàn diện, ĐCSTQ đưa ra mục tiêu phát triển "thịnh vượng chung" vào thời điểm này được coi là giải pháp đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại.

Mục tiêu cho 100 năm tiếp theo

Trong một đất nước Trung Quốc đã trở nên khá giả, người dân không còn lo cơm ăn áo mặc, họ bắt đầu tỏ thái độ bất mãn trước sự phân hóa giàu nghèo ngày càng trầm trọng và những bất công xã hội. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Trung Quốc có thể so sánh với Mỹ và đang ở mức rất nghiêm trọng. Những người dân bình thường có cảm nhận rõ rệt về khoảng cách này. Vì vậy, những năm gần đây, làn sóng thù ghét người giàu trong xã hội Trung Quốc bắt đầu lan rộng.

Chương trình "thịnh vượng chung" của ông Tập tung vũ khí tối thượng: Đánh thuế BĐS!

Tại thời điểm này, tạo điều kiện cho đa số người dân đạt được "thịnh vượng chung" được xem là hướng đi giúp xã hội Trung Quốc mới có thể tránh được "sóng gió" và mở ra thời kỳ phát triển hài hòa, bền vững và có trình độ phát triển cao hơn. "Thịnh vượng chung" là sự lựa chọn tốt nhất cho nhiều thắng lợi trong tương lai. Toàn dân trong xã hội sẽ trở thành những người thụ hưởng của "thịnh vượng chung".

Vì tầm quan trọng như vậy, theo nhận định của trang Đa chiều, "thịnh vượng chung" có khả năng trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ĐCSTQ trong thế kỷ thứ hai, và trở thành "chiến trường chính" để cải cách Trung Quốc. Không loại trừ khả năng vào năm tới, các nhân tố trong ban lãnh đạo tiếp theo của đất nước, được chọn ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ năm 2022, cũng sẽ được thiết lập xung quanh mục tiêu lớn này.

Đa Chiều chỉ ra, việc lấy "thịnh vượng chung" làm trung tâm sẽ không tránh khỏi một số tác dụng phụ, ví dụ như hiệu quả phát triển kinh tế sẽ giảm sút, cán bộ phụ trách "quá chú trọng đến việc chia bánh, mà bỏ qua việc làm bánh", từ đó hạn chế tính tích cực phát triển của một số người. Đây là một thách thức rất lớn, thậm chí lớn hơn cả việc tập trung xây dựng kinh tế sau cải cách mở cửa.

Trong 100 năm lần thứ hai, làm thế nào để cân bằng giữa công bằng và hiệu quả, thúc đẩy "thịnh vượng chung" trong quá trình phát triển chất lượng cao sẽ thử thách khả năng lèo lái của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Theo Hữu Hiển

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên