MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thịnh vượng chung - Nguyên nhân thực sự đằng sau một loạt chiến dịch "dẹp loạn" mà Trung Quốc cương quyết theo đuổi trong thời gian gần đây

05-09-2021 - 17:48 PM | Tài chính quốc tế

Thịnh vượng chung - Nguyên nhân thực sự đằng sau một loạt chiến dịch "dẹp loạn" mà Trung Quốc cương quyết theo đuổi trong thời gian gần đây

Trong bài phát biểu trước đại hội đảng đánh dấu bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lấy "thịnh vượng chung" làm trọng tâm và thông điệp này thực sự "cất cánh" trong năm 2021.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ráo riết thực hiện chiến dịch cải cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với trọng tâm nhấn mạnh vào "thịnh vượng chung". Trung Quốc hi vọng bằng sự kết hợp giữa chính sách, các yếu tố thị trường và hoạt động từ thiện, nước này sẽ thu hẹp được khoảng cách chênh lệch giàu nghèo – vấn đề đang ngày càng trở nên trầm trọng và có thể trở thành một mối đe dọa đối với sự ổn định nếu như không được giải quyết.

Gần đây giới chức Trung Quốc đã nhắm đến một vài trong số các doanh nghiệp tư nhân thành công nhất nước, đặc biệt là ngành công nghệ, và khiến các nhà đầu tư hoảng sợ. Ngoài ra một số lĩnh vực bị nhìn nhận là có hại cho xã hội như văn hóa hâm mộ thần tượng quá đà, videogame và các trung tâm luyện thi cũng trở thành đối tượng bị siết chặt quản lý.

Chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc lớn đến đâu?

Nhóm 20% giàu nhất ở Trung Quốc có thu nhập cao gấp hơn 10 lần so với nhóm 20% nghèo nhất. Đây là khoảng cách lớn hơn ở Mỹ hay cả những nước châu Âu như Đức và Pháp, và quan trọng là từ năm 2015 đến nay khoảng cách ngày càng lớn dần.

Mặc dù số người dân Trung Quốc sống trong ngưỡng cực nghèo đã giảm mạnh trong thập kỷ vừa qua, hiện hơn 600 triệu người – tương đương một nửa dân số Trung Quốc – hiện sống với mức thu nhập hàng năm đạt 12.000 nhân dân tệ (tương đương 1.858 USD) hoặc ít hơn.

Ở phía bên kia, tăng trưởng kinh tế vượt bậc và các cải cách nghiêng về kinh tế thị trường đã tạo ra lượng của cải khổng lồ. Trung Quốc có 81 tỷ phú trong bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới do Bloomberg thống kê, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác kể cả Mỹ. Ngoài ra còn có hàng nghìn tỷ phú và triệu phú Trung Quốc chưa được lọt vào danh sách này.

"Thịnh vượng chung" là tư tưởng hoàn toàn mới ở Trung Quốc?

Không hẳn. Ý tưởng này đã được cố lãnh đạo Mao Trạch Đông giới thiệu trong các tài liệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước đây, phản ánh mong muốn theo đuổi 1 xã hội công bằng hơn. Sau đó cụm từ này không còn được sử dụng thường xuyên dưới thời ông Đặng Tiểu Bình – người chú trọng phát triển 1 nền kinh tế ưu tiên cho phép "một số người giàu lên", sau đó mới tính đến thịnh vượng chung.

Trong bài phát biểu trước đại hội đảng đánh dấu bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lấy "thịnh vượng chung" làm trọng tâm và thông điệp này thực sự "cất cánh" trong năm 2021. Thịnh vượng chung đã trở thành khẩu hiệu của nhiều cơ quan nhà nước và cả các doanh nghiệp tư nhân để thể hiện sự đồng lòng với chủ trương ưu tiên của đảng.

Vì sao Trung Quốc lại chọn thời điểm hiện tại?

Rất khó để có câu trả lời. Một số người cho rằng đây là một cách để Chủ tịch Tập gia tăng uy tín. Tuy nhiên theo một số ý kiến khác, thịnh vượng chung từ lâu vẫn nằm trong chương trình nghị sự của ông Tập nhưng gần đây Trung Quốc bị phân tâm bởi những sự kiện khách quan.

Sau bài phát biểu của ông Tập năm 2017, Trung Quốc vướng vào cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng với Mỹ. Ngay sau khi 2 bên đạt được thỏa thuận thì đại dịch Covid-19 lại ập đến. Do đó bây giờ mới là thời điểm phù hợp để Trung Quốc vạch ra một con đường rõ ràng hơn nhằm biến các ý tưởng thành hành động.

Trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập hồi tháng 7, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành nỗ lực dài hơi theo đuổi 1 "xã hội thịnh vượng ở mức vừa phải". Điều đó mở ra cánh cửa để ông Tập đặt "theo đuổi thịnh vượng chung" làm mục tiêu mới.

Ngoài ra, hiện tại một số tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc thậm chí đã lớn hơn cả các tập đoàn nhà nước lớn nhất, đồng thời các nhà sáng lập đã tích tụ được quá nhiều của cải. Điều này có thể trở thành điều bất lợi đối với hệ thống chính trị hiện tại.

Trung Quốc đã làm gì với các tập đoàn tư nhân?

Chính phủ nước này đã thông báo kế hoạch cải cách sâu rộng đối với ngành giáo dục vì lợi nhuận (có quy mô 100 tỷ USD), buộc các công ty gia sư chuyển sang mô hình phi lợi nhuận và cấm các hoạt động dạy thêm vào buổi tối hay cuối tuần.

Trung Quốc cũng công bố kế hoạch cải cách chi phí chăm sóc y tế tại các bệnh viện công, với mục tiêu đề ra là ngăn không cho giá cả tăng lên quá nhanh. Trước đó nhiều công ty dược và nhà cung ứng thuốc đã bị phạt khoản tiền kỷ lục.

Các công ty gọi xe và giao thực phẩm buộc phải cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Văn hóa làm việc điên cuồng "996" bị chỉ trích.

Các vấn đề xã hội?

Dường như Trung Quốc đang cố gắng tạo ra những công dân kiểu mẫu. Mới đây lệnh hạn chế chơi game online đã được áp dụng, chỉ cho phép 3 tiếng mỗi tuần. Vụ việc Alibaba đuổi việc 10 người vì công khai bê bối tình dục rúng động giới công nghệ Trung Quốc là 1 lời cảnh tỉnh về văn hóa xử lý công việc bên bàn nhậu. Giới chức cũng tuyên bố sẽ tăng cường điều tra hành vi trốn thuế của những người ó thu nhập cao và lấy vụ bê bối trốn thuế của nữ diễn viên Trịnh Sảng làm ví dụ. Các đài truyền hình và hãng phim buộc phải cung cấp thông tin về mức thù lao của diễn viên và chỉnh đốn cả những hành vi quá nữ tính của các diễn viên, ca sĩ nam. Các trang web do người hâm mộ lập nên không được phép đăng các bảng xếp hạng người nổi tiếng. Đáng chú ý nhất gần đây là vụ nữ diễn viên nổi tiếng Triệu Vy bị "phong sát".

Sắp tới tình hình sẽ còn căng thẳng hơn nữa?

Từ nhiều năm nay Trung Quốc đã nỗ lực hạ giá nhà, đặc biệt là ở những thành phố lớn nhất, và thường đổ lỗi cho giới đầu cơ đã đẩy giá lên cao. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nước này đang chuẩn bị thực hiện 1 ý tưởng đã được đưa ra thảo luận từ lâu: áp dụng thuế bất động sản để chống nạn đầu cơ.

Trên thực tế, từ năm 2011 Thượng Hải và Trùng Khánh đã thử nghiệm chính sách đánh thuế ngôi nhà thứ 2 hoặc những bất động sản có giá cao.

Nỗ lực mới sẽ đi đến đâu?

Chính quyền trung ương vẫn chưa đặt ra bất cứ mục tiêu cụ thể nào, do đó hiện tại đang có nhiều đồn đoán về 1 cuộc phân phối lại của cải rất lớn và cả quốc hữu hóa các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư đặc biệt chú ý đến những bình luận của ông Tập về việc cân bằng giữa tăng cường quản lý doanh nghiệp và đưa ra những chính sách hỗ trợ họ phát triển.

Một chương trình thí điểm cho thấy Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách từ từ thay vì quá vội vàng. Hồi tháng 6, Bắc Kinh lấy Chiết Giang – 1 tỉnh duyên hải giàu có nơi Alibaba và công ty ô tô Geely là những cái tên dẫn đầu một nhóm các tập đoàn tư nhân hùng mạnh đang đặt trụ sở tại đây  - làm nơi để thử nghiệm các sáng kiến "thịnh vượng chung".

Chương trình này tăng cường các chính sách để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ giáo dục và y tế hơn nữa, khuyến khích đầu tư vào khu vực nông thôn và kêu gọi người giàu làm từ thiện nhiều hơn.

Các tỷ phú Trung Quốc làm gì để phù hợp với chủ trương mới?

Họ đang "mở hầu bao. Trong 8 tháng đầu năm 2021, 7 tỷ phú đã bỏ ra tổng cộng 5 tỷ USD để làm từ thiện – lớn hơn số tiền làm từ thiện của cả nước trong bất kỳ năm nào trước đây.

Các doanh nghiệp tư nhân cũng đã hành động. Geely cho biết có kế hoạch thưởng cổ phiếu cho nhân viên, trong khi Tencent vừa thông báo dành 15 tỷ USD cho các chương trình trách nhiệm xã hội (CSR), Alibaba cam kết chi 15,5 tỷ USD. Pinduoduo dành 1,5 tỷ USD trích từ lợi nhuận trong tương lai cho các dự án đầu tư vào nông nghiệp.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên