MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thịt gà, lợn nhập ngoại giá rẻ “đổ bộ” siêu thị Việt

20-08-2019 - 16:00 PM | Thị trường

Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2019, số lượng thịt lợn, gà nhập khẩu từ nước ngoài đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong vòng nửa đầu năm 2019, số lượng thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam đã lên tới 8.000 tấn; số lượng thịt gà nhập khẩu lên tới 142.190 tấn. Các mặt hàng thịt nhập khẩu này được người tiêu dùng đón nhận vì giá rẻ, tuy nhiên sức mua không lớn như thịt nội địa.

Thịt lợn được nhập khẩu chủ yếu từ các nước Brazil (40%), Ba Lan (15-17%), Canada, Mỹ, Úc… Giá thịt lợn nhập khẩu xê dịch từ 30.000 đồng/kg đến 460.000 đồng/kg.

Trong nửa đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu tới 142.190 tấn thịt gà với giá trị 120 triệu USD, chủ yếu từ các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan, Brazil và Nga. Trong đó, Mỹ là nước xuất khẩu thịt gà lớn nhất vào Việt Nam, với hơn 62.400 tấn, trị giá 48,6 triệu USD. Giá thịt gà cũng rất hấp dẫn, đơn cử như thịt gà đông lạnh từ Mỹ gồm cánh, đùi, chân và gà xay có giá trung bình chỉ khoảng  17.000 đồng đến 23.000 đồng/kg.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thịt gà đông lạnh nhập khẩu được người tiêu dùng đón nhận, đặc biệt là tại các bếp ăn công nghiệp, các trường học bởi có giá rẻ. Lý giải nguyên nhân giá thịt nhập khẩu rẻ, ông Nguyễn Xuân Dương – Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh:

"Thịt thăn (philê) lợn có giá không hề rẻ, lên tới 460.000 đồng/kg, nhưng các mặt hàng như thịt chân dò, thịt vụn, thịt mũi, tai lợn ở nước ngoài có giá rất rẻ, chỉ khoảng trên dưới 1 USD/kg (chưa có thuế), nên các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu mặt hàng này về để bán. Đối với thịt gà,  thị trường Mỹ chỉ chuộng thịt ức gà, còn các bộ phận khác như đùi, cánh, chân... là sản phụ phẩm, giá rất rẻ, nhưng người Việt lại rất ưa chuộng các sản phẩm này. Điều này lý giải tại sao thịt gà nhập ngoại bán tại các siêu thị chủ yếu là chân, cánh, đùi…" - ông  Nguyễn Xuân Dương giải thích.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương, thịt gà, lợn nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, hiện tại, lượng thịt nhập khẩu quá ít so với sản lượng và mức tiêu dùng trong nước, nên không thể tác động đến ngành chăn nuôi nước ta. Hiện tại, dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra trên cả nước, để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, ngành chăn nuôi đã tăng sản lượng chăn nuôi gia súc ăn cỏ thêm 2,9-3%; gia cầm: 7,5%; thủy sản: 6,5%.

“Ngành chăn nuôi trong nước vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Những tháng cuối  năm có thể thiếu nhẹ thịt lợn, sẽ được bù đắp bằng các loại thực phẩm khác như trứng, sữa, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản các loại” – ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Theo L.V

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên