Thỏ khôn đào ba hang: Phương Tây liên tục đe dọa trừng phạt tài chính, Bitcoin có thể trở thành "hầm trú ẩn" của Nga
Trong bối cảnh các nước phương Tây liên tục đe dọa sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt, Nga vẫn còn một đường lui.
- 24-02-2022Mâu thuẫn Nga - Ukraine 'căng như dây đàn' khiến Bitcoin dần vuột mất danh hiệu 'vàng kỹ thuật số'
- 24-02-2022Bất chấp mọi dèm pha, du lịch của một quốc gia đã tăng 30% nhờ chấp nhận tiền mã hóa Bitcoin
- 21-02-2022Bitcoin thoát đà bán tháo, tăng mạnh sau khi tạo đáy ngắn hạn
Các biện pháp trừng phạt tài chính ban đầu của phương Tây đối với Nga đã không thể ngăn cản Tổng thống Vladimir Putin điều quân vào Ukraine. Giờ đây, Mỹ đang thực hiện một cách mới, thông báo một vòng trừng phạt khác nhằm gây áp lực lên các ngân hàng Nga và "các tỷ phú tham nhũng".
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc "né" các biện pháp đó ngày càng trở nên dễ dàng, một phần là nhờ vào sự gia tăng của tiền điện tử ở Nga. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU chủ yếu dựa vào quy tắc của các ngân hàng. Nếu một doanh nghiệp hoặc cá nhân bị trừng phạt muốn thực hiện một giao dịch bằng các loại tiền tệ truyền thống như USD hoặc Euro, ngân hàng có trách nhiệm đánh dấu và chặn các giao dịch đó.
Mặt khác, các loại tiền kỹ thuật số không hoạt động trong các ngân hàng toàn cầu tiêu chuẩn, các giao dịch được ghi lại trên một sổ cái công khai được gọi là blockchain. "Nếu người Nga tránh sử dụng tất cả các loại tiền tệ ngoài tiền điện tử, họ có thể tránh hầu hết các lệnh trừng phạt một cách hiệu quả", Ross S. Delston, một chuyên gia về chống rửa tiền, cho biết.
Bộ Tài chính Mỹ cũng nhận thức rõ vấn đề này. Trong một báo cáo hồi tháng 10, các quan chức cảnh báo các loại tiền kỹ thuật số "có khả năng làm giảm hiệu lực các lệnh trừng phạt của Mỹ" bằng cách cho phép "kẻ xấu" nắm giữ và chuyển tiền bên ngoài hệ thống tài chính truyền thống. "Chúng tôi lưu ý đến rủi ro, nếu không được kiểm soát, các tài sản kỹ thuật số và hệ thống thanh toán này có thể làm giảm hiệu lực các lệnh trừng phạt của chúng tôi".
Đông Âu có một trong những tỷ lệ cao nhất về khối lượng giao dịch tiền điện tử liên quan đến hoạt động tội phạm, theo nghiên cứu của Chainalysis. Các trang web được sử dụng cho các giao dịch bất hợp pháp, được gọi là thị trường Darknet, đã mang lại lượng tiền điện tử trị giá kỷ lục 1,7 tỷ USD vào năm 2020, phần lớn là Bitcoin.
Thị trường Darknet trong giai đoạn từ 2011-2020
Và gần như tất cả sự tăng trưởng của thị trường Darknet trong năm đó có thể là do một thị trường "chỉ nói tiếng Nga", có tên là Hydra. Hydra là "cho đến nay thị trường Darknet lớn nhất trên thế giới, chiếm hơn 75% doanh thu thị trường Darknet trên toàn thế giới vào năm 2020", theo báo cáo của Chainalysis.
Tất nhiên, việc trốn tránh các lệnh trừng phạt không dễ dàng như việc đổ tất cả các khoản tiền mặt vào Bitcoin. Delston nói: "Thật khó để mua bất cứ thứ gì bằng tiền điện tử, đặc biệt là những thứ lớn".
Lấy ví dụ như thực phẩm mà trước đây Nga đã nhập khẩu. "Liệu một nhà xuất khẩu thực phẩm ở đâu đó trên thế giới sẽ chấp nhận tiền điện tử biến động hàng ngày, và gần như mọi thời điểm mỗi ngày, hay họ sẽ muốn đồng tiền dự trữ của thế giới là USD?"
Một vấn đề phức tạp nữa là thương mại dầu mỏ, chiếm một phần rất lớn của nền kinh tế Nga, được tính bằng USD. Delston cho biết: "Đó không phải là một giải pháp hoàn chỉnh cho các chính trị gia Nga, bởi vì Bitcoin và các loại tiền điện tử khác có thể được truy tìm trên blockchain". Dù không phải là không thể, nhưng để rửa những khoản tiền đó nhờ vào blockchain là rất khó.
Về lý thuyết, có những cách khác mà Nga có thể giảm thiểu tổn thất của các lệnh trừng phạt bằng cách làm theo Iran. Giống như Nga, Iran là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và nước này vẫn đang chịu lệnh cấm vận kinh tế gần như hoàn toàn, kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ, bao gồm các lệnh cấm đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và các lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Iran.
Nhưng ngay cả khi bị bỏ rơi, Iran đã thoát khỏi một số lệnh trừng phạt bằng cách chuyển sang khai thác Bitcoin, theo một báo cáo của công ty phân tích Elliptic. Năng lượng của Iran dư thừa mà không thể xuất khẩu, vì vậy họ sử dụng năng lượng này để khai thác Bitcoin, tiêu thụ lượng điện rất lớn nhưng đổi lại, họ có Bitcoin.
Tom Robinson, đồng sáng lập của Elliptic, viết: "Quá trình khai thác đã chuyển đổi hiệu quả năng lượng thành tiền điện tử. Các công ty khai thác tại Iran được thanh toán trực tiếp bằng Bitcoin, sau đó có thể được sử dụng để thanh toán cho hàng nhập khẩu". Elliptic ước tính rằng các công ty khai thác tại Iran chiếm khoảng 4,5% tổng số hoạt động khai thác Bitcoin, doanh thu hàng năm đạt gần 1 tỷ USD.