MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ đuổi việc 18.500 công chức

10-07-2018 - 13:14 PM | Tài chính quốc tế

Vụ sa thải diễn ra vào ngày Chủ nhật, đúng một ngày trước khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bước vào nhiệm kỳ mới...

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sa thải hơn 18.500 công chức dựa trên cáo buộc cho rằng những người này là mối rủi ro an ninh quốc gia. Vụ sa thải diễn ra vào ngày Chủ nhật, đúng một ngày trước khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bước vào nhiệm kỳ mới với quyền lực được mở rộng mạnh mẽ.

Hãng tin Bloomberg cho biết, trong số 16.832 công chức bị sa thải, có khoảng 9.000 cảnh sát, 6.000 binh sỹ, 200 học giả và 650 giáo viên. Ngoài ra, 3 tờ báo, một kênh truyền hình và 12 hiệp hội cũng bị đóng cửa.

Vụ sa thải này nâng tổng số công chức bị đuổi việc ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ vụ đảo chính bất thành vào tháng 7/2016 lên 130.000 người. Theo dự kiến, vài ngày nữa là hết hạn tình trạng khẩn cấp áp dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau vụ đảo chính đó.

"Cuộc thanh lọc này là một động thái nhằm củng cố quyền lực hơn nữa cho ông Erdogan", nhà phân tích rủi ro chính trị Ghanem Nuseibeh thuộc Cornerstone Global Associates ở London nhận định. "Đợt sa thải gây ngạc nhiên vì quy mô lớn và nhiều người có thể cho rằng ông Erdogan sẽ nhằm vào bất kỳ ai phản đối ông ấy".

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng những công chức bị sa thải đều là tín đồ của giáo sỹ Fethullah Gulen, một người sống lưu vong ở Mỹ và bị chính quyền ông Erdogan cho là giật dây vụ đảo chính bất thành. Ông Gulen phủ nhận cáo buộc này.

Tổng thống Erdogan sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày thứ Hai và sẽ công bố nội các mới sau đó. Ông giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử diễn ra vào hôm 24/6.

Theo Hiến pháp mới của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có hiệu lực sau cuộc bầu cử này, Tổng thống sẽ nắm giữ một quyền lực rất lớn. Đây là bản Hiến pháp được Thổ Nhĩ Kỳ thông qua vào năm ngoái trong một cuộc trưng cầu dân ý với tỷ lệ ủng hộ 51%.

Cuộc bầu cử vừa rồi lẽ ra phải đến tháng 11/2019 mới được tiến hành, nhưng ông Erdogan đã quyết định bầu cử sớm để có thể được trao quyền lực lớn hơn theo Hiến pháp mới.

Sau khi đắc cử nhiệm kỳ mới, ông Erdogan đã hứa sẽ sớm dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Tuần trước, Thủ tướng Binali Yildirim nói tình trạng khẩn cấp sẽ không kéo dài quá ngày 18/7.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc dỡ tình trạng khẩn cấp có thể chỉ mang tính kỹ thuật. Khi bước vào nhiệm kỳ mới, ông Erdogan sẽ có quyền ban hành những sắc lệnh theo ý muốn và vẫn có thể áp đặt tình trạng tương tự tình trạng khẩn cấp, theo đó Chính phủ được quyền hạn chế các quyền tự do cơ bản của người dân.

Ông Erdogan cũng sẽ trực tiếp bổ nhiệm các thành viên trong nội các của mình, và có quyền bổ nhiệm các quan chức cấp cao hơn, bao gồm một số thẩm phán cấp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên