'Thở ôxy thoi thóp' vì trót liều mua nhà Hà Nội, tôi chỉ muốn quay lại ở trọ
Mua căn chung cư 2 tỷ đồng, vợ chồng tôi chỉ thư thả năm đầu, mấy năm sau "thở ôxy thoi thóp" về tài chính do lãi suất thả nổi và các chi phí sinh hoạt đều tăng.
- 16-09-20243 năm sau khi ly hôn, tôi nói “không" với 20 thói quen này và đã tiết kiệm được tiền trả trước mua nhà
- 12-09-2024Giữa lúc vợ chồng tôi đang phân vân, không biết nên mua nhà hay mua xe thì con trai thông báo một việc khiến cả nhà náo loạn
- 30-08-2024Người đàn ông mua nhà 7 năm phát hiện chủ cũ vẫn "sống nhờ", khẳng định "không bán căn phòng này": Toà án có phán quyết bất ngờ
Câu chuyện của vợ chồng tôi là một minh chứng rõ nét cho những khó khăn, áp lực khôn lường khi quyết định mua nhà tại Thủ đô khi trong túi chỉ có ít tiền. Sau nhiều năm tích cóp và vay mượn từ gia đình, bạn bè, cuối cùng chúng tôi cũng bắt tay vào hiện thực hóa ước mơ sở hữu một căn hộ tại Hà Nội.
Khi "chốt" mua căn chung cư với giá 2 tỷ đồng ở một quận xa trung tâm Hà Nội, vợ chồng tôi đã tích góp được 500 triệu đồng; ông bà nội ngoại, anh chị em ruột cho vay không lãi suất khoảng 500 triệu đồng, còn lại chúng tôi vay 1 tỷ đồng từ ngân hàng với lãi suất 11,5%, kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên, chỉ được mỗi năm đầu thong thả, mấy năm sau lãi suất thả nổi khiến chúng tôi không xoay xở kịp.
Ban đầu, ngôi nhà mới mang đến niềm hạnh phúc vô bờ bến. Nhưng chẳng bao lâu sau, chúng tôi cảm thấy gánh nặng từ khoản nợ ngân hàng từng ngày đè nặng lên vai. Việc trả nợ hàng tháng vốn dĩ đã khó khăn, chi phí ngày càng đắt đỏ ở Hà Nội khiến mọi thứ càng gian nan hơn gấp bội. Giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng không ngừng, chi phí học tập, chăm sóc sức khỏe cho con cái, tiền điện, nước và những khoản chi tiêu không ngờ tới đẩy chúng tôi vào cảnh "thở oxy thoi thóp" về tài chính.
Thu nhập của hai vợ chồng tôi cũng được khoảng 30 triệu đồng một tháng, nhưng do sống ở quận nội thành nên không dư dả là bao. Chi phí học ở trường và học thêm của hai con, một bé lớp 9, một bé lớp 5, trung bình 12 triệu đồng, sinh hoạt phí cho cả gia đình khoảng 10 triệu đồng, chưa kể các khoản phát sinh và ma chay, cưới hỏi, thăm nom... Tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng là 3,5 triệu đồng, tính trên dư nợ ban đầu.
Áp lực tài chính khiến không ít lần chúng tôi rơi vào tình cảnh phải cắt giảm cả những nhu cầu cơ bản để dành tiền trả nợ lãi. Mỗi tháng gia đình tôi chi tiêu tằn tiện lắm cũng chỉ để ra được khoảng 5 triệu đồng. Ngoài lãi ngân hàng, khi anh chị em có việc đột xuất cần tiền, chúng tôi lại phải xoay xở đủ kiểu để có tiền trả nợ ngay cho họ.
Thử thách kép cho gia đình tôi ở thời điểm hiện tại là gánh nặng lãi suất và việc chắt bóp chi tiêu, vì thực sự khó mà thắt lưng buộc bụng hơn nữa. Chúng tôi gần như không còn dám đi ăn ngoài dù nhiều khi khó xử với bạn bè, hạn chế tối đa việc ra ngoài chơi, pha cà phê tại nhà thay vì ra quán...
Đã mấy năm nay, gia đình tôi không đi du lịch. Cuối tuần, chúng tôi ở nhà hoặc đưa con tới các khu vui chơi miễn phí, bể bơi giá rẻ. Chúng tôi cũng giảm tần suất về quê vì mỗi lần về riêng chi phí đi lại đã tốn tiền triệu, rồi còn tiền ăn uống, mua đồ...
Là phụ nữ, tôi phải cắt giảm toàn bộ chi phí chăm sóc bản thân. Trước đây, tôi thường chi khoảng 2-3 triệu đồng/tháng để mua mỹ phẩm, váy áo, phụ kiện, spa chăm sóc da. Nay, tôi không dám mua bất kỳ mỹ phẩm gì ngoài sữa rửa mặt và kem chống nắng loại rẻ tiền ở siêu thị. Có lần nhìn thấy bộ váy rất đẹp trên chợ mạng, tôi đã bỏ nó vào giỏ hàng cả tháng vẫn không dám chi tiền dù giá chỉ 600 nghìn đồng. Tôi nghĩ, nếu chỉ vì mình mua bộ váy mà tháng đó cả nhà phải vay tiền ăn thì thật mất mặt.
Những cuộc cãi vã, mâu thuẫn trong gia đình cũng nổ ra thường xuyên hơn vì stress ngày một tăng. Nhiều khi hai vợ chồng ước mong được quay lại thời gian ở trọ, dù phải chấp nhận những bất tiện nhưng đổi lại là sự tự do về tài chính, ít phải lo lắng về nợ nần.
Nhìn lại quãng thời gian còn ở trọ, chúng tôi không khỏi tiếc nuối. Khi đó, chúng tôi có nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè. Căn nhà trọ tuy nhỏ bé, chật chội nhưng không khiến chúng tôi nghẹt thở, đau tim vì gánh nặng nợ nần, không phải gồng mình trả nợ hàng tháng, mua miếng thịt cũng phải nâng lên đặt xuống như hiện tại.
Nay, dù đang ở căn chung cư hằng mơ ước, cả hai vợ chồng tôi đều cảm thấy kiệt sức và quá mệt mỏi với khoản nợ ngân hàng, không biết khi nào mới có thể trả hết. Trong khi đó, các con càng học lên cao thì chi phí càng lớn. Có nhà thành phố mà sống kiểu này thì có khác nào đi đày mỗi ngày.
Trường hợp vợ chồng tôi có lẽ không phải là duy nhất tại Hà Nội. Rất nhiều gia đình trẻ cũng đang đối mặt với những khó khăn tương tự khi gồng mình mua nhà tại thành phố này. Tôi nghĩ đây là bài học đắt giá cho những người cố mua nhà bằng mọi giá. Mong mọi người hãy cân nhắc thật kỹ, tính toán chi tiết về tài chính trước khi đưa ra quyết định để tránh rơi vào cảnh “thở ôxy thoi thóp” như chúng tôi lúc này.
Hiện vợ chồng tôi cố gắng tìm cách tăng thu nhập để giảm bớt gánh nặng trả nợ, sớm đem lại cho con cái cuộc sống thoải mái, giống với bình thường hơn. Dù sao thì cũng đã mua nhà, chúng tôi buộc phải cố gắng hơn nữa để vượt qua giai đoạn này, tìm đến sự cân bằng mới trong cuộc sống.
VTCnews