Thỏa thuận hợp tác dầu khí trị giá 40 tỷ USD giữa Iran và Nga có gì đáng chú ý?
Vào ngày 19/9 theo giờ địa phương, Bộ Dầu mỏ Iran đã công bố một số chi tiết của bản ghi nhớ hợp tác dầu khí trị giá 40 tỷ USD đã ký với Nga trước đó.
- 22-09-2022Ngỡ ngàng với khối tài sản Nga bị Hungary đóng băng
- 20-09-2022Hai ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ sử dụng hệ thống thanh toán Mir của Nga
- 20-09-2022Tại sao các công ty phương Tây không muốn rời khỏi Nga?
Thỏa thuận hợp tác trị giá 40 tỷ USD
Theo hãng thông tấn Fars của Iran, Bộ Dầu mỏ Iran trong bản báo cáo công tác năm đã tiết lộ rằng, nước này sẽ sớm mua 9 triệu mét khối khí đốt tự nhiên mỗi ngày từ Nga thông qua Azerbaijan.
Ngoài ra, Iran cũng sẽ sớm mua 6 triệu mét khối khí đốt tự nhiên mỗi ngày từ Nga theo thỏa thuận trao đổi; sau khi chế biến thành khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ xuất khẩu từ miền nam Iran sang các nước khác.
Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC) và tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ký thỏa thuận về hợp tác năng lượng.
Đúng ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm thủ đô Tehran của Iran vào hồi tháng 7, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC) và tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã đạt được thỏa thuận khai thác các mỏ dầu khí trị giá khoảng 40 tỷ USD. Một trong những điểm nổi bật của thỏa thuận là hai nước đã đạt được đồng thuận về trao đổi khí đốt tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ.
Đồng thời, theo thỏa thuận, Gazprom sẽ giúp NIOC phát triển các mỏ khí đốt Kish, North Pars và 6 mỏ dầu khác, cũng như giúp điều áp mỏ khí đốt South Pars. Ngoài ra, Gazprom sẽ giúp xây dựng các dự án LNG, cũng như các đường ống xuất khẩu khí đốt sang Pakistan và Oman.
Các mỏ khí đốt Kish, North Pars và South Pars đều là những mỏ khí đốt tự nhiên khổng lồ nằm trong Vịnh Ba Tư; trong đó, mỏ khí đốt South Pars thuộc sở hữu chung của cả Iran và Qatar, và là mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.
Giám đốc điều hành NIOC Mohsen Khopjasteh Mehr cho biết, đây là một trong những thương vụ đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran. Trước khi thỏa thuận mới được ký kết, đầu tư của Nga vào ngành dầu mỏ Iran chỉ là 4 tỷ USD.
Bản đồ các mỏ khí đốt tự nhiên của Iran. Ảnh: guancha.cn
Hợp tác "đôi bên cùng có lợi"
Iran có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới sau Nga, nhưng các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt đã ngăn chặn khả năng tiếp cận công nghệ cũng như quá trình xuất khẩu khí đốt của Iran. Kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào tháng 2 năm nay, Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt đối với Nga trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả năng lượng.
Đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất áp giá trần đối với khí đốt tự nhiên xuất khẩu từ Nga, nhưng do không nhận được sự ủng hộ từ các nước, nên có thể phải chuyển sang áp "thuế lợi nhuận thu được" đối với lợi nhuận tăng thêm của các công ty năng lượng.
Dmitri Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga từng tuyên bố rằng, sau khi châu Âu từ chối khí đốt tự nhiên của Nga, Gazprom sẽ càng tích cực tìm kiếm khách hàng thay thế.
Kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar ngày 28/8 đưa tin, nhà nghiên cứu các vấn đề năng lượng Sohrab Rostami nhận định rằng, xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng trên lục địa châu Âu, nhưng nó cũng mở ra triển vọng vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ và đưa năng lượng của Iran đến châu Âu.
Ông Rostami chỉ ra rằng, sự đối đầu giữa phương Tây và Nga sẽ khiến các nước phương Tây "đổ xô" nhập khẩu năng lượng từ Iran, và việc tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên cũng sẽ cải thiện vị thế của Iran trong số các nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên.
Ông Rostami nhấn mạnh rằng, dựa trên số liệu thống kê có sẵn, Nga đang thặng dư 75 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, trong khi Iran có thể nhập khẩu gần 20 tỷ mét khối, mà không cần sử dụng vốn để xây dựng đường ống dẫn khí mới.
Ông Rostami cho rằng, nếu Tehran không tận dụng được cơ hội hiện tại, người Nga sẽ tìm kiếm những khách hàng mới, chẳng hạn như Pakistan và Afghanistan, và cả hai đều sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của khí đốt Iran.
Nhà nghiên cứu các vấn đề chính trị Syed Shawadi đã chỉ ra với phóng viên kênh truyền hình Al Jazeera rằng, trong một khoảng thời gian sắp tới, sự hợp tác giữa Iran và Nga rất có khả năng giúp cả hai tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Shawadi cho biết, sau khi xung đột tại Ukraine bùng nổ, Moscow đã phải chịu nhiều áp lực từ phương Tây, nhưng áp lực đó vốn không xa lạ với Iran - quốc gia đã bị phương Tây trừng phạt trong nhiều thập kỷ, và Iran sẽ trả ơn người Nga vì tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ Iran không dưới một lần.
Ông Peskov trước đó cũng đã tuyên bố rằng, Nga và Iran sẽ tăng cường hợp tác để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây; và khi hợp tác song phương tiếp tục đi vào chiều sâu, hai nước cuối cùng sẽ từ bỏ đồng USD trong các giao dịch song phương.
Tổ quốc