MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn khỏi ngân hàng: Trâu chậm uống nước trong

17-03-2018 - 15:33 PM | Tài chính - ngân hàng

Chắc hẳn không ít nhà đầu tư đang nuối tiếc vì họ "trót" thoái vốn thành công từ trước, còn những người chưa kịp rút vốn vì không có nhà đầu tư nào mặn mà mua cổ phiếu qua các đợt đấu giá, thì giờ đây lại đang…mở cờ trong bụng.

Câu chuyện thoái vốn  khỏi lĩnh vực ngân hàng thời gian qua thu hút được sự quan tâm của dư luận. Nhiều đơn vị đầu tư vào mảng này mang về khoản lợi nhuận kếch sù, nhưng có chỗ lại lời lãi chẳng đáng bao nhiêu, thậm chí có nơi còn mất trắng (như PVN đầu tư 800 tỷ vào OceanBank).

Lý do mà các đơn vị thoái vốn thì có nhiều, trong đó doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu phải tuân theo chỉ đạo của Chính phủ, các tổ chức tín dụng thì theo Thông tư 36. Trong khi với các nhà đầu tư nước ngoài, hầu như ít người hiểu được câu chuyện thực sự phía sau nhưng lý do mà họ nói với truyền thông rằng "duyên đã cạn", hoặc "đã có thời gian dài sát cánh bên nhau và nhận thấy đây là thời điểm phù hợp để chốt lãi", hoặc "họ có chiến lược khác"…

Nhưng năm 2017 và các tháng đầu năm 2018 lại là thời điểm thăng hoa nhất của thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Vì thế chắc hẳn không ít nhà đầu tư đang nuối tiếc vì họ "trót" bán thành công. Còn những người chưa kịp rút vốn vì thị trường chưa phù hợp, hoặc không có nhà đầu tư nào mặn mà mua cổ phiếu qua các đợt đấu giá, thì giờ đây lại đang…mở cờ trong bụng vì "phận trâu chậm" lại được "uống nước trong".

Vietcombank là một điển hình như vậy. Theo quy định của Thông tư 36, ngân hàng này phải thoái vốn khỏi một loạt các tổ chức tín dụng như MB, Eximbank hay OCB... Được biết phía Vietcombank đã ngỏ ý bán cổ phiếu MB từ khi giá ở vùng 17.000 – 18.000 đồng nhưng chưa thực hiện, và đến nay mỗi cổ phiếu MB trên sàn chứng khoán đã tăng giá cao gấp hơn 2 lần, hiện quanh 36.000 đồng. Cổ phiếu EIB của Eximbank cũng vậy, năm ngoái khi Vietcombank đưa ra ý định thoái vốn giá mới chỉ quẩn quanh mức 11.000 - 12.000 đồng, thì nay cũng lên đến 15.000 - 16.000 đồng, tức là tăng thêm tới 30 – 40%.

Còn nhớ lãnh đạo Vietcombank năm ngoái từng cho biết nếu như thoái hết vốn khỏi MB và Eximbank thì ngân hàng cũng có lãi trên 1.000 tỷ, song rõ ràng điều kiện thị trường như hiện nay, con số lợi nhuận mang về cho Ngân hàng Ngoại thương chắc chắn không chỉ dừng lại ở con số đó.

Tương tự là OCB, hồi cuối năm ngoái Vietcombank cũng muốn bán hết vốn khỏi nhà băng này nhưng quá ít người đăng ký mua và giá OCB trên sàn OTC cũng thấp hơn mức mà Vietcombank kỳ vọng là 13.000 đồng, vì thế chỉ có 2/3 số cổ phiếu được bán thành công. Đến nay OCB trên thị trường tự do được giao dịch quanh 17.000 đồng, cao hơn nhiều mức giá mà Vietcombank chào bán, nên số cổ phiếu 1/3 còn lại định đem ra đấu giá vào trung tuần tháng 4 tới chắc chắn sẽ hấp dẫn người mua hơn.

Một trường hợp khác là Eximbank. Việc thoái vốn khỏi Sacombank cũng được ngân hàng này rục rịch từ lâu do vướng vào sở hữu chéo. Thế nhưng mãi đến gần đây mới thực hiện được và giá cổ phiếu STB cũng ở vùng đỉnh cao nhất trong hơn 3 năm là quanh 15.000 đồng – gấp đôi so với thời điểm nửa sau năm 2016. Theo một ước tính của công ty chứng khoán Bảo Việt, việc thoái vốn khỏi STB vừa rồi đã mang về cho Eximbank khoản lãi tới 500 tỷ đồng - con số quá khổng lồ so với một ngân hàng đang đi lên từ vùng đáy và chỉ vừa thoát lỗ lũy kế.

Hay như LienVietPostBank cũng vậy, việc thoái vốn khỏi Sacombank từng được lãnh đạo ngân hàng này đề cập trước đông đảo cổ đông hồi đầu tháng 9 năm ngoái trước khi đưa LPB lên sàn OTC. Nhưng việc thoái vốn cũng lùi lại với lý do "chờ thời điểm thích hợp hơn", và đến đầu năm nay mới thực hiện. Lúc Liên Việt bán cổ phiếu STB của Sacombank, giá cũng tăng gần 30% so với thời điểm dự định ban đầu. 30% của hàng trăm tỷ đồng trị giá cổ phiếu cũng không phải con số nhỏ.

Ở thời điểm hiện tại vẫn còn không ít các trường hợp phải tiếp tục thoái vốn khỏi ngân hàng mà trong quá khứ chưa thực hiện được do thị trường chưa phù hợp, không có người mua, giá quá thấp, hoặc một vài lý do khác. Chẳng hạn VNPT khỏi Maritime Bank, EVN khỏi ABBank, Mobifone khỏi TPBank và SeABank…Song với thị trường thăng hoa như hiện tại, cộng với triển vọng 2018 tiếp tục là "năm của cổ phiếu ngân hàng",  chắc chắn việc bán vốn của các doanh nghiệp tại ngân hàng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, và bài toán thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước có lẽ cũng sớm được giải xong một cách thuận lợi.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên