Thoái vốn không còn thiên thời, địa lợi…
Làn sóng thoái vốn của các NHTM có vốn nhà nước bắt đầu mạnh lên từ cuối năm 2017, theo sự khởi sắc của thị trường chứng khoán và cổ phiếu của ngành NH. Tuy nhiên, gần đây hoạt động này kém thuận lợi hơn khi thị trường chứng khoán đảo chiều đi xuống. Diễn biến này khiến các ông lớn khó thoái vốn giá cao nếu không có đối tác chiến lược.
Ồ ạt thoái vốn
Agribank mới đây thông báo ngày 29-11 tới thực hiện đấu giá 468.446 cổ phần tại OCB, giá khởi điểm 18.130 đồng/cổ phần, dự kiến thu về gần 8,5 tỷ đồng. Trước đó, Agribank cũng đã thông báo về việc bán đấu giá toàn bộ 5,29 triệu cổ phần (tương đương 23% vốn điều lệ) tại CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour) do NH này sở hữu, với mức giá khởi điểm 17.100 đồng/cổ phần. Tính từ năm 2014 đến nay, Agribank đã thoái vốn thành công tại 7 doanh nghiệp, tổng số tiền thu về trên 1.000 tỷ đồng.
Muốn thoái vốn thành công các NH cần tìm đối tác chiến lược để bán, thay vì bán cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trường hợp Agribank, với 468.446 cổ phần của OCB nếu có cổ đông chiến lược muốn nắm giữ dài hạn, sẽ dễ thoái vốn thành công với mức giá khởi điểm đã đưa ra. Bởi cổ đông chiến lược mua cổ phần khi muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại NH, sẽ ít quan tâm đến mức giá Agribank đưa ra. Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính
Từ cuối năm 2017 đến nay, Vietcombank cũng liên tục tiến hành thoái vốn tại các NHTMCP. Cụ thể, Vietcombank đã bán toàn bộ 13,2 triệu cổ phần sở hữu Saigonbank, với giá đấu thành công bình quân 20.100 đồng/cổ phần. NH này cũng đã tổ chức thành công 2 lần đấu giá cổ phần tại OCB. Lần đầu tiên bán 70% số cổ phần vào cuối năm ngoái, thu về hơn 171 tỷ đồng với giá đấu bình quân 25.771 đồng/cổ phần. Lần thứ hai vào đầu tháng 9-2018, với khối lượng hơn 1,4 triệu cổ phần, mức giá khởi điểm 18.876 đồng/cổ phần, với giá đấu thành công bình quân 20.500 đồng/cổ phần, thu về hơn 30,2 tỷ đồng.
Hồi tháng 10, Vietcombank cũng bán đấu giá 45,6 triệu cổ phần tại Eximbank và 53,4 triệu cổ phần tại MB. Trong khi đó, Vietinbank thông tin sẽ thoái toàn bộ hơn 15 triệu cổ phần, tương đương 4,91% vốn sở hữu tại Saigonbank.
Đây là lần thứ 2 Vietinbank rao bán lượng cổ phần sở hữu tại nhà băng này, đơn vị tư vấn và thực hiện bán đấu giá lần này là Công ty chứng khoánVietinbank (VietinbankSC).
Tranh thủ thị trường khởi sắc
Trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia kinh tế cho biết, trước đây sở hữu chéo trong lĩnh vực NH được chia 6 nhóm. Trong đó, sở hữu chéo giữa các NHTM nhà nước và NHTM nước ngoài tại các NH liên doanh; cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM; cổ đông tại các NHTM là các công ty quản lý quỹ. Đây được xem là 3 nhóm tích cực.
Liệu Agribank có thoái vốn OCB với giá như mong đợi, bởi thị trường chứng khoán đi xuống và nội tại OCB có nợ xấu tăng.
Tuy nhiên, 3 nhóm còn lại là sở hữu của NHTM nhà nước tại các NHTMCP; sở hữu lẫn nhau giữa các NHTMCP; và sở hữu NHTMCP bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân, xếp vào diện đáng lo ngại. Trong đó, việc sở hữu chéo của các NHTM có vốn nhà nước như Agribank, Vietcombank hay Vietinbank tại các NHTMCP là do lịch sử để lại.
Trước đây, để hỗ trợ các NHTMCP, các NHTM có vốn nhà nước đã sở hữu vốn điều lệ khá lớn tại các NH này. Nhưng do sở hữu chéo ngày càng chằng chịt giữa các NH, đã dẫn đến tình trạng các NH sử dụng tài sản lẫn nhau, cho vay thiếu cẩn trọng, thiếu công khai minh bạch và thao túng thị trường, gây ra rủi ro rất lớn cho hệ thống và khách hàng.
Nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, Luật TCTD 2010 và Thông tư 36/2014 đã đưa ra nhiều quy định để tháo gỡ. Dù vậy, sau khi Thông tư 36 có hiệu lực, hoạt động thoái vốn vẫn chủ yếu diễn ra tại các NHTMCP. Đến cuối năm 2017, làn sóng thoái vốn của các NHTM có vốn nhà nước mới bắt đầu sôi động.
Theo các chuyên gia, trước đây các NH chậm chạp thoái vốn do nền kinh tế còn khó khăn, thị trường chứng khoán chưa tăng trưởng. Song song đó, các NHTMCP phải tập trung tái cơ cấu nên chưa có nhiều hoạt động thoái vốn, dẫn đến giá cổ phiếu rất thấp. 2 năm trở lại đây, điều kiện thị trường thuận lợi hơn, nhiều NH tăng trưởng cao và nhóm cổ phiếu NH cũng lạc quan hơn. Vì thế, các ông lớn cũng tích cực chạy đua thoái vốn để giảm sở hữu chéo và thu hồi vốn đầu tư.
“Trâu chậm uống nước đục”
2 phiên đấu giá bán cổ phần tại Eximbank và MB của Vietcombank mới đây đã không thành công như mong đợi. Cụ thể, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo không tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của Eximbank do Vietcombank sở hữu vào ngày 22-10. Lý do, đã hết thời hạn đặt cọc (ngày 15-10) mà không có nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá.
Còn phiên đấu giá cổ phần của MB cũng rất ít nhà đầu tư tham gia. Trong tổng số 53,4 triệu cổ phần MBB được Vietcombank chào bán, chỉ có 10 nhà đầu tư (cả tổ chức và cá nhân) tham gia, tổng khối lượng đấu giá thành công chỉ đạt 5,93 triệu cổ phần, với giá trúng cao nhất 22.000 đồng/cổ phần và thấp nhất 21.800 đồng/cổ phần. Theo giới phân tích chứng khoán, do Vietcombank chào bán với giá ngang thị trường trong thời điểm cổ phiếu NH đang trong xu hướng giảm và thị trường chứng khoán cũng đang ở đà giảm, nên khó có người mua.
Việc Agribank chào bán cổ phần tại OCB với giá khởi điểm lên đến 18.130 đồng/cổ phần cũng đang được bàn luận. 9 tháng 2018, OCB đạt lãi trước thuế 1.846 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nợ xấu cũng tăng mạnh từ 864 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.429 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,79% cuối năm 2017 lên 2,66% cuối tháng 9-2018.
Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, vốn điều lệ OCB ở mức 6.599 tỷ đồng tương đối lớn. Nhưng hiện nay trên sàn chứng khoán rất nhiều NH có quy mô cao hơn OCB, song mức giá cổ phiếu cũng chỉ nằm trong khoảng đó hoặc cao hơn một chút. Năm ngoái, Vietcombank bán thành công 70% cổ phần tại OCB nhờ thị trường chứng khoán tốt. Còn năm nay, Vietcombank bán được hết phần còn lại tại OCB nhờ khối lượng thấp, nếu khối lượng cao khó có người mua.
Hơn nữa, Vietcombank đưa ra mức giá khởi điểm 18.876 đồng/cổ phần của OCB và bán được giá bình quân 20.500 đồng/cổ phần nhờ thị trường chứng khoán tăng trở lại trong các tháng 7, 8 và 9.
Tuy nhiên, việc thoái vốn không thành công còn do nhà đầu tư không thấy sự khả quan của ngành NH. Bởi doanh thu và lợi nhuận của các NH tăng mạnh nhưng nợ xấu cũng tăng vọt, đồng thời cổ phiếu NH đang có xu hướng qua thời đỉnh điểm. Do đó, việc thoái vốn của các NHTM có vốn nhà nước sẽ khó khăn hơn.
Sài gòn đầu tư tài chính