MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn Nhà nước, làm sao để thoát tốc độ "con rùa"?

Nếu tính cả các doanh nghiệp chưa thực hiện thoái vốn từ năm 2017 theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì năm 2019 có tới gần 300 đơn vị, song từ đầu năm cho đến nay, số doanh nghiệp triển khai được mới đếm trên đầu ngón tay.

Theo Quyết định 1232 của Thủ tướng, năm 2017 thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. Tuy nhiên, số liệu của Bộ tài chính cho biết, lũy kế đến nay mới chỉ có hơn 30 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; năm 2018 có 18 đơn vị).

Điều đáng lo ngại hơn là nếu không quyết liệt triển khai theo kế hoạch, có những doanh nghiệp trong diện nhà nước sẽ thoái vốn một phần, thoái toàn bộ vốn đang có tâm lý nằm chờ, hoạt động lừng khừng vì chưa rõ tương lai sẽ ra sao. Thậm chí, nếu vốn nhà nước không được quản lý chặt chẽ, nguy cơ mất vốn, kém hiệu quả là hiển hiện.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, qua trao đổi làm việc với cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước ở các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về SCIC, Hải Phòng có 5 doanh nghiệp không còn vốn nhà nước. Bộ Công Thương có những doanh nghiệp không có người đại diện, không có trụ sở, gần như doanh nghiệp đã mất tích…

Nếu cộng cả 62 doanh nghiệp thuộc diện phải thoái vốn năm 2019 theo quyết định 1232 và những doanh nghiệp chưa thực hiện thoái vốn trong năm 2017-2018 thì số lượng doanh nghiệp cần thoái vốn trong năm 2019 lên tới hơn 300 doanh nghiệp.

Trong khi đó, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, từ đầu năm đến nay, mới chỉ có lác đác 2-3 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn, kết quả thu được cũng rất nghèo nàn, thậm chí có những doanh nghiệp được đánh giá rất tiềm năng như Viglacera cũng ế cổ phần.

Lượng doanh nghiệp cần thoái vốn lớn như vậy, liệu Chính phủ có giãn hoặc hoãn tiến độ? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp trung ương, cho biết, Chính phủ không giãn, hoãn mà tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

"Dồn toa" thoái vốn, nhưng không phải nhiệm vụ bất khả thi

Ông Long cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới chậm trễ thoái vốn thời gian qua là các văn bản quy định mới liên quan đến thoái vốn, xác định giá trị doanh nghiệp mới được ban hành, cần có thời gian để đi vào cuộc sống. Bên cạnh việc tiếp tục hướng dẫn thực thi các quy định mới, Chính phủ cũng đã giao Bộ kế hoạch Đầu tư chủ trì tiếp nhận tổng hợp các ý kiến phản ánh vướng mắc liên quan đến thoái vốn thời gian qua để trình Chính phủ, dự kiến trong quý 2 năm nay, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản gỡ khó cho những vấn đề này.

Một trong những giải pháp để thúc đẩy việc thoái vốn, theo các chuyên gia và giới đầu tư là giao cho các đầu mối chuyên nghiệp về thoái vốn thực hiện.

Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định thời hạn các doanh nghiệp thuộc diện bàn giao vốn sang SCIC theo QĐ 1232/QĐ-TTg cũng như các doanh nghiệp chưa thoái vốn giai đoạn 2016 - 2018 phải hoàn tất chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa trước 31/3/2019.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng đã chỉ đạo và SCIC có Công văn số 107/ĐTKDV-KHTH ngày 21/1/2019 gửi các bộ, địa phương để phối hợp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 01/CT-Ttg. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp bàn giao về SCIC rất nhỏ giọt.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Qua làm việc, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện sở hữu vốn và SCIC để rà soát hồ sơ về các doanh nghiệp thuộc diện bàn giao vốn về SCIC mới bật ra, có doanh nghiệp thua lỗ mất hết vốn, âm vốn, có doanh nghiệp mất tích...

Còn ông Nguyễn Hồng Long cho biết, có những bộ ngành địa phương viện dẫn lý do chưa chuyển giao doanh nghiệp về SCIC là họ đã tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, ra được chứng thư thẩm định giá nhưng tài liệu này chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng, họ xin để doanh nghiệp lại để trực tiếp thực hiện việc thoái vốn.

Với đủ những lý do như vậy, việc chuyển giao vốn về SCIC được nhìn nhận là tiếp tục gặp nhiều khó khăn, bất chấp việc Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị, thậm chí như ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương còn cho rằng, Thủ tướng cần tiếp tục ban hành các quyết định nêu đích doanh tên doanh nghiệp đã đủ điều kiện bàn giao về SCIC.

Doanh nghiệp chuyển giao vốn về SCIC có thể được thoái vốn ngay hoặc cũng có thể được Tổng công ty này tái cơ cấu để doanh nghiệp tốt hơn trước khi đưa ra thị trường thoái vốn. Cách làm này được giới đầu tư đánh giá là phù hợp với thị trường, đồng thời với hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc bán vốn nhà nước, SCIC đưa ra được những phương thức bán vốn đáp ứng cầu thị trường và thường đem lại hiệu quả cao.

Ngay trong tháng 4 năm nay, phiên đấu giá bán cổ phần của SCIC tại CTCP Công nghệ Điện tử, Cơ khí và Môi trường EMECO đã thành công. 150.000 cổ phần EMECO có giá khởi điểm 43.900 đồng/cổ phần nhưng giá đấu thành công lên tới 73.500 đồng/cổ phần.

Hay trong năm 2017-2018, ba thương vụ thoái vốn của SCIC tại Vinaconex, Công ty Nhựa Bình Minh và Vinamilk đã được đánh giá cao nhờ việc thực hiện chuyên nghiệp, bài bản, giá bán cao hơn nhiều so với giá thị trường, tối ưu hóa giá trị thu về cho nhà nước từ thoái vốn.

Số liệu từ SCIC cho biết, trong 12 năm qua, Tổng công ty đã thoái vốn tại 995 doanh nghiệp (trong đó bán hết 892 doanh nghiệp, bán bớt 84 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp), thu về số tiền trên 47.000 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với giá vốn gần 11.100 tỷ đồng.

Số lượng doanh nghiệp thoái vốn lớn như trên thể hiện nỗ lực và sự chuyên nghiệp của SCIC trong việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp, thoái phần lớn danh mục 995/1055 doanh nghiệp, là những doanh nghiệp thuộc các ngành nghề mà nhà nước không cần nắm giữ. Giá trị thoái vốn của SCIC gấp nhiều lần giá trị tiếp nhận về, phản ánh hiệu quả quản trị doanh nghiệp của SCIC trong việc làm gia tăng giá trị danh mục.

Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết, năm 2019, SCIC dự kiến thực hiện thoái vốn tại những doanh nghiệp được thị trường quan tâm như CTCP Bảo hiểm Bảo Minh, XNK Sa Giang, Vocarimex, FPT…Ngoài ra, Tổng công ty tiếp tục triển khai việc thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc diện không cần nắm giữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020.

Thực tế thoái vốn vừa qua của SCIC cho thấy, khi các đợt thoái vốn của doanh nghiệp có tiềm năng được thông tin rộng rãi, cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp này được mổ xẻ, phân tích kỹ, sẽ có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tham gia, nhất là khi SCIC thực hiện theo phương thức bán cả lô. Những cách làm như vậy được thị trường đánh giá cần phát huy hơn nữa nhằm thúc đẩy tiến độ bán vốn nhà nước, mang đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư đồng thời tối ưu hóa hiệu quả của việc thoái vốn nhà nước.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên